Nguyên tắc 1 quốc tịch “mềm dẻo” giúp người dân hưởng lợi

So với Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã có quy định “mềm dẻo” hơn trong chính sách 1 quốc tịch của Việt Nam. Nhờ vậy, đã tạo sự linh hoạt cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

[caption id="attachment_187019" align="aligncenter" width="410"]Một buổi lễ trao quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh Một buổi lễ trao quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh[/caption]

Linh hoạt trong chính sách 1 quốc tịch

Tại Điều 4 về nguyên tắc quốc tịch, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. So với Luật năm 1998, tiêu đề và nội dung của điều luật đã có thay đổi. Điều đó cho thấy một thực tế là Nhà nước đã thừa nhận trong một số trường hợp ngoại lệ công dân Việt Nam có thể có thêm quốc tịch nước ngoài (2 quốc tịch).

Những ngoại lệ đó là: trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 3 Điều 19), xin trở lại quốc tịch Việt Nam (khoản 5 Điều 23); trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi, có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 37), trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam (mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài) (khoản 2 Điều 37); người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam (do pháp luật nước ngoài không bắt buộc người đó phải bỏ quốc tịch Việt Nam); do xung đột pháp luật mà một người có thể vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài (trẻ em có cha mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra ở quốc gia xác định quốc tịch theo nguyên tắc “quyền nơi sinh” thì trẻ em đó vừa có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống của cha mẹ vừa có quốc tịch của nước nơi được sinh ra).

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh đánh giá: Quy định theo hướng mềm dẻo trên đây đã phần nào đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch Việt Nam khi đã có quốc tịch nước ngoài cũng như một số người nước ngoài được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Mặc dù thực tế số người được nhập quốc tịch Việt Nam và trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời được giữ quốc tịch nước ngoài không nhiều, song điều đó đã phần nào thể hiện sự linh hoạt trong chính sách 1 quốc tịch của Việt Nam so với Luật năm 1998.

Có nên theo đuổi xu hướng 2 quốc tịch?

Trên thế giới, nhiều quốc gia hiện cho phép công dân của họ mang 2 hay nhiều quốc tịch (như Mỹ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Áo, Australia…), không yêu cầu người xin nhập quốc tịch nước họ phải từ bỏ quốc tịch gốc. Ngoài ra, xu hướng cho phép công dân có quốc tịch thứ 2 cũng ngày càng phổ biến, như Séc, Bun-ga-ri, Bỉ, Đan Mạch… điều chỉnh luật quốc tịch theo hướng công nhận nguyên tắc 2 quốc tịch thay vì nguyên tắc 1 quốc tịch trước đó.

Đối với cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, qua khảo sát của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hầu hết người Việt Nam định cư ở nước ngoài đều có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước sở tại. Kết quả khảo sát cho thấy, có khoảng 719 nghìn người Việt Nam tại 48 quốc gia mong muốn có 2 quốc tịch. Đặc biệt, tại một số quốc gia có thay đổi về quy định liên quan đến quốc tịch gần đây theo hướng cho phép công dân có 2 quốc tịch (như Luật Quốc tịch năm 2014 của Séc), nhiều trường hợp người Việt Nam đã phải thôi quốc tịch trước đó để nhập quốc tịch sở tại thì đang mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam mà không mất quốc tịch nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Phạm Hoàng Tùng chỉ ra thực tế, sự khác nhau giữa quy định pháp luật của các nước và pháp luật Việt Nam đã tạo nên thực trạng công dân Việt Nam có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Do vậy, quy định về nguyên tắc 1 quốc tịch trong Luật năm 2008 tuy đã mềm dẻo hơn trước nhưng vẫn còn điểm chưa được quy định rõ và cơ quan đại diện Việt Nam gặp vướng mắc khi thực hiện ở nước ngoài.

Theo bà Trần Lan Phương (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp), pháp luật các nước như Australia, Canada, Latvia, Hungary… cho phép công dân của họ mang 2 hay nhiều quốc tịch và việc có 2 hay nhiều quốc tịch được công nhận chính thức trong pháp luật nước họ. Trong các mối quan hệ pháp lý, những công dân này sẽ được nước sở tại coi là công dân của họ. Tuy nhiên, bà Phương thẳng thắn cho biết, số lượng các quốc gia chính thức thừa nhận nguyên tắc 2 quốc tịch không nhiều bởi lẽ hệ quả việc thừa nhận thường dẫn đến những tranh chấp rất phức tạp, khó giải quyết, nhiều khi gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan.

“Có thể nói, 2 hay nhiều quốc tịch là vấn đề có ảnh hưởng đến cả Nhà nước và công dân, thậm chí gây hậu quả với cả Nhà nước và công dân. Đây là vấn đề rất cốt lõi và quan trọng khi đi từ những khái niệm truyền thống thể hiện chủ quyền của một quốc gia đối với công dân của mình cũng như quyền và nghĩa vụ mà công dân phải thực hiện trước Nhà nước của mình. Việc nhập quốc tịch hay thôi quốc tịch gây ra những hệ lụy quan trọng về thực tế và tinh thần đối với cá nhân. Mối liên kết giữa Nhà nước và cá nhân tuy không bao hàm tất cả mọi vấn đề nhưng nó được coi là vấn đề quan trọng nhất” – bà Phương phân tích.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguyen-tac-1-quoc-tich-mem-deo-giup-nguoi-dan-huong-loi-a187018.html