Luật còn bất cập, số phận trẻ làm con nuôi còn chông chênh

Qua hơn 6 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi năm 2010, mặc dù Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) luôn chú trọng đến công tác theo dõi việc thi hành nhưng việc thực thi các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một buổi lễ giao nhận con nuôi nước ngoài tại Bình Dương
Một buổi lễ giao nhận con nuôi nước ngoài tại Bình Dương)

Sau khi Luật có hiệu lực (từ ngày 1/1/2011), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. Trên cơ sở Luật và Nghị định 19, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành hữu quan ban hành hàng loạt thông tư hướng dẫn thi hành, tạo căn cứ pháp lý tương đối đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc thực hiện công tác giải quyết nuôi con nuôi. Bộ Tư pháp đã tích cực tổ chức triển khai thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực con nuôi, ký kết quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi cũng như bảo đảm các điều kiện cho công tác thi hành pháp luật… Nhờ vậy, việc tuân thủ pháp luật về nuôi con nuôi được thực hiện tốt.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết quý III/2017, hơn 19 nghìn trẻ em trên toàn quốc được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó hơn 16,5 nghìn trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và hơn 2,6 nghìn trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. Đặc biệt, cả nước chưa phát sinh trường hợp nào trong lĩnh vực nuôi con nuôi có liên quan đến vi phạm pháp luật hình sự hay phải xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, thực tiễn thực thi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số điểm bất cập, không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn như yêu cầu về việc có phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ nuôi con nuôi trong nước đối với trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ, chồng làm con nuôi; cơ chế sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài; quy định chỉ định cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài…

Ngoài ra, vẫn còn một số trường hợp đăng ký nuôi con nuôi không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký. Cục Con nuôi đã nhận được một số đề nghị xác minh tính xác thực của giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi từ Đại sứ quán của một số nước trong quá trình giải quyết yêu cầu cấp thị thực cho công dân. Cục Con nuôi cho biết, thời gian qua đã phải thu hồi/hủy bỏ hơn 100 Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi. Các sai phạm trong công tác đăng ký việc nuôi con nuôi chủ yếu xảy ra ở cấp xã và lý do thu hồi phần lớn là vi phạm trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, vi phạm thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi, điều kiện nuôi con nuôi.

Cục Con nuôi lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do các cán bộ công chức tư pháp – hộ tịch ở địa phương không nắm rõ các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và không có sự ổn định, thường thay đổi/luân chuyển cán bộ làm công tác hộ tịch. Cán bộ thường làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, một lúc phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau nên khó tránh khỏi sự lơ là, thiếu quản lý đối với việc theo dõi tình hình thực hiện Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn tại địa phương.

Đáng chú ý, việc thực thi Luật Nuôi con nuôi chưa được một số địa phương thực thi một cách đồng bộ. Có địa phương không “mặn mà” với việc thực hiện giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nên không tổ chức triển khai hoặc chậm chỉ định cơ sở nuôi dưỡng của địa phương được tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài khiến trẻ em đang sinh sống nơi đây chưa tìm được mái ấm gia đình thay thế. Tất cả những vướng mắc đó dẫn đến việc thực thi các quy định của pháp luật nuôi con nuôi gặp khó khăn, tạo “điểm nghẽn” trong việc giải quyết việc nuôi con nuôi, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Từ việc nắm bắt thông tin báo chí và qua báo cáo của Sở Tư pháp, Cục Con nuôi phát hiện có trường hợp người dân lợi dụng việc đăng ký nuôi con nuôi để hoãn thi hành án hình sự, có trường hợp bạo hành con nuôi. Trong những trường hợp đó, Cục đều có công văn gửi Sở Tư pháp đề nghị xác minh vụ việc, đồng thời hướng dẫn Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của địa phương giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Cục thẳng thắn đánh giá việc theo dõi trong nhiều trường hợp còn mang tính “bị động” bởi có những vi phạm chỉ được phát hiện khi có yêu cầu xác minh của cơ quan khác hoặc nội dung vụ việc được báo chí đề cập đến.

Để việc thực thi các quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành mang lại hiệu quả cao hơn cũng như thúc đẩy vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới, Cục Con nuôi sẽ nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi; tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác giải quyết nuôi con nuôi, kịp thời trao đổi thông tin để phát hiện sai phạm và có biện pháp xử lý. Cục cũng sẽ xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về những vụ việc cụ thể trong quá trình thực thi Luật; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương và các tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam…

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-con-bat-cap-so-phan-tre-lam-con-nuoi-con-chong-chenh-a186852.html