Ít nhất 11 hoàng thân, 4 bộ trưởng đương nhiệm và hàng chục cựu bộ trưởng đã bị bắt giam trong chiến dịch chống tham nhũng do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng
Việc người Ả Rập Saudi và các thành viên hoàng tộc cũng tham nhũng đã khiến dư luận thế giới xôn xao. Bởi lẽ, nhiều người vốn cho rằng đất nước này - nơi nhà tiên tri của Hồi giáo sinh ra - miễn nhiễm với hối lộ, tham nhũng.
Bước đi táo bạo
Lâu nay, Ả Rập Saudi - nơi khai sinh và là ngôi nhà tinh thần của đạo Hồi - đã nỗ lực làm nổi bật hình ảnh thủ lĩnh thế giới Hồi giáo dòng Sunni. Ước tính, người Hồi giáo dòng Sunni chiếm khoảng 75%-90% dân số Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, thực tế, tham nhũng đang lan tràn ở Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác. Theo trang Modern Diplomacy, giới cầm quyền và đồng minh của họ cũng như người thân thích dính líu đến những hành vi tích lũy của cải qua các vụ tham nhũng.
Nhận lãnh vai trò tiên phong trong thế giới Ả Rập là Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud, thông qua con trai là Thái tử Mohammed bin Salman (MBS). Vị thái tử 32 tuổi đầy quyền lực này đang có những bước đi táo bạo diệt trừ tham nhũng và để pháp luật Hồi giáo có một vị trí thích đáng trong guồng máy của Ả Rập Saudi.
Đến nay, ít nhất 11 vị hoàng thân, 4 bộ trưởng đương nhiệm và hàng chục cựu bộ trưởng đã bị bắt giam trong chiến dịch chống tham nhũng của Thái tử MBS. Trong số đó có tỉ phú Alwaleed bin Talal, một trong những doanh nhân nổi bật nhất Ả Rập Saudi; Hoàng tử Mitaab bin Abdullah, Tư lệnh Vệ binh quốc gia. Tính tổng cộng, hơn 200 người đã bị bắt và có đến 1.700 tài khoản ngân hàng bị phong tỏa.
Trước đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blaire đã phải từ chức vì một số cáo buộc nghiêm trọng, trong đó có những điểm liên quan đến các xì-căng-đan hối lộ dính líu đến quan chức và bộ trưởng Ả Rập Saudi. Tuy vậy, vấn đề này chưa bao giờ được nêu lên ở Ả Rập Saudi hoặc thế giới Ả Rập. Chính phủ Ả Rập Saudi và bản thân quốc vương không muốn công khai hóa những vụ bê bối tham nhũng của các bộ trưởng hoặc quan chức bởi điều đó sẽ làm ô danh vương quốc có nhiều thánh địa này.
Thế nhưng, giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử Ả Rập hiện đại, một vị quốc vương đã mạnh mẽ ngăn chặn tệ nạn tham nhũng vốn phổ biến trong đời sống của Ả Rập Saudi, qua việc tiến hành bắt giữ các thủ phạm hàng đầu trong hoàng tộc.
Sự cải tổ của chính phủ Ả Rập Saudi diễn ra chỉ vài tháng sau khi Quốc vương Salman đưa con trai MBS vào ngôi vị thái tử thay thế người cháu Mohammed bin Nayef. Từ khi trở thành nhân vật thừa kế ngai vàng Ả Rập Saudi, MBS chịu trách nhiệm về một loạt đổi thay cả trong nước lẫn nước ngoài.
Giành thế thống trị
Theo trang Nouse, Thái tử MBS lên nắm quyền vào thời điểm Ả Rập Saudi bị chi phối bởi cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra ở Yemen. Ả Rập Saudi đã bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột này.
Các lực lượng Ả Rập Saudi đã khiến dư luận giận dữ khi áp đặt lệnh phong tỏa có thể dẫn đến tình trạng thiếu đói cho 7 triệu người Yemen - theo nhận định của Liên Hiệp Quốc. Nước Anh bị chỉ trích rất gay gắt về vai trò của mình trong việc cung cấp vũ khí cho Ả Rập Saudi trong cuộc chiến ở Yemen mà Thái tử MBS triển khai.
Lebanon vẫn là chiến trường cho các thế lực trong khu vực một thời gian dài. Thế rồi, thật bất ngờ, Thủ tướng Saad al-Hariri đã từ chức chẳng bao lâu sau khi đến Ả Rập Saudi. Thay vì được đón tiếp trọng thị, chiếc máy bay chở ông hạ cánh hôm 3-11 đã bị cảnh sát Ả Rập Saudi giám sát. Các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Hariri tiết lộ với báo giới chiếc điện thoại của ông đã bị thu giữ, còn ông bị quản thúc tại gia. Mặc dù Ả Rập Saudi phủ nhận chuyện ông Hariri bị cầm giữ, cộng đồng quốc tế tin rằng ông là nạn nhân mới nhất của hành vi củng cố quyền lực của Thái tử MBS.
Chỉ trong vòng 1 ngày, ông Hariri xuất hiện trên kênh truyền hình Ả Rập Saudi tuyên bố từ chức, gây sốc cả thế giới. Khi đó, ông bày tỏ nỗi sợ hãi bị ám sát, đồng thời cáo buộc Iran và Hezbollah gây ra đau thương khắp đất nước Lebanon. Có ý kiến cho rằng các tuyên bố lúc đó không phải là tính cách của ông Hariri. Tổng thống Lebanon Michel Aoun, đồng minh của Hezbollah, quả quyết vị thủ tướng của mình bị cầm giữ trái với ý chí của ông. Các nguồn tin ở Lebanon cho rằng Ả Rập Saudi hy vọng sẽ đưa anh trai ông Hariri lên thay thế.
Cuộc chiến tranh lạnh ở Trung Đông lâu nay giữa Iran và Ả Rập Saudi đã để mặc cho Lebanon trở thành chiến địa của tổ chức nổi dậy Hezbollah được Iran hậu thuẫn và Phong trào Tương lai do Ả Rập Saudi chống lưng trong chính phủ liên minh. Ả Rập Saudi và Hezbollah vốn có một lịch sử xung đột lâu dài. Xung đột 10 năm trước đã dẫn đến những vụ đụng độ khốc liệt giữa 2 giáo phái Sunni - Shiite và Hezbollah đã chiếm Beirut, thủ đô Lebanon. Còn lúc này, khi Ả Rập Saudi giành lại tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, các vụ đụng độ có thể sẽ lại xảy ra ở Lebanon.
Ông Hariri tuyên bố từ chức 1 tuần sau khi Ả Rập Saudi khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Lebanon với lý do căng thẳng dâng cao. Nắm giữ quyền lực trong tay, xem ra Thái tử MBS sẽ sử dụng quyền cai trị không bị tranh giành này đối với đất nước của ông, đồng thời sẽ ra tay hành động để giành thế thống trị trong khu vực Trung Đông.
Giới quan sát nhận định vị thái tử này đang nâng đòn bẩy quyền lực ở Ả Rập Saudi!
Vươn nắm đấm thép
Chuyên gia Ian Black, Trường Kinh tế London - Anh, cho rằng từ khi MBS trở thành thái tử hồi tháng 6-2017, nhiều chuyển biến đã diễn ra ở Ả Rập Saudi, nhất là kế hoạch đầy tham vọng "Tầm nhìn 2030" nhằm thay đổi hầu hết khía cạnh trong đời sống trong vòng 12 năm. Thái tử MBS nói với báo The Guardian hồi tháng trước rằng Ả Rập Saudi "không bình thường" suốt 30 năm qua và hứa hẹn sẽ đưa vương quốc này trở lại là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa.
Cuộc trừng phạt gần đây đã phá vỡ truyền thống đồng thuận trong hoàng tộc. Thái tử MBS đang vươn nắm đấm thép đến hoàng tộc, quân đội, vệ binh quốc gia để đối phó sự chống đối lan rộng đối với công cuộc cải tổ của ông và cuộc chiến tranh Yemen.
Theo NLD
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quyen-luc-thai-tu-a-rap-saudi-a186849.html