Nike và chiêu “né thuế” đỉnh cao suốt 10 năm: Tự tính phí quyền sở hữu trí tuệ với chính mình

Nhờ hồ sơ thiên đường mà những chiêu thức né thuế của Nike đã được hé lộ.

Có một sự thật là ai cũng biết thương hiệu Nike. Thậm chí đa số mọi người đều sở hữu một đôi giày Nike.

Phải thừa nhận đây là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc bán giày và các sản phẩm thời trang thể thao. Với những cái tên như Swoosh, Flight, Force, Tailwind và Pegasus – mỗi một đôi giày được làm thủ công và mỗi lần ra mắt đều nhận được sự đón nhận mạnh mẽ từ thị trường.

Đây là một công ty luôn đi trước các đối thủ. Và sự thật họ cũng là công ty luôn đi trước một bước so với... các cơ quan thuế vụ.

Nhờ vào tài liệu "Hồ sơ thiên đường", tờ The Guardian đã tập hợp những kế hoạch và cấu trúc giúp Nike trốn thuế trong suốt thập kỷ qua. Đây là câu chuyện liên quan tới những điều mập mờ, tới nghệ thuật trốn thuế, thiên đường thuế, mức thuế bằng không và những đường đi của đồng tiền, phí bản quyền từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác.
10.1

Cuối của hành trình này là một vùng đất hoàn toàn bị lãng quên đối với các cơ quan thuế vụ. Với những công ty biết được cách thức hoạt động của hệ thống này, đây rõ ràng là việc làm hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Còn dĩ nhiên với những người khẳng định hệ thống này không công bằng, điều đó thật buồn cười.

Theo đó, tiền được trả cho những đôi giày thể thao tại những thành phố như London, Paris, Berlin và Madrid rốt cục lại chảy vào và ra khỏi châu Âu – trên đường tới Caribbean hoặc những thực thể thậm chí là vô quốc gia. Và dưới góc nhìn của các cơ quan thuế vụ, tất cả những điều này đều là hợp lý.

Nike làm việc này cùng với sự trợ giúp của những luật sư thông minh, những bộ luật phức tạp và cả sự trợ giúp của các chính phủ.

Dưới đây, là một số ý chính được tờ The Guardian chỉ ra:

Giày Nike được sản xuất tại những quốc gia như Việt Nam và Indonesia. Từ đây, chúng được chuyển tới những kho hàng hiện đại của công ty tại Bỉ. Trung tâm vận chuyển Laakdal là một kho giày khổng lồ. Khi những cửa hàng cần giày, đa phần đều tới từ đây.

10.2
Khi mua giày ở London chẳng hạn, ai cũng nghĩ doanh số đó sẽ được chuyển chi nhánh chính tại Anh của công ty là Nike UK Ltd. Điều này rõ ràng hợp lý nhưng thực tế lại không phải là những gì xảy ra: Tiền từ việc bán giày sẽ chảy ra khỏi Anh tới Hà Lan.

Hà Lan là một nơi cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, 2 công ty này là trọng tâm hoạt động của chi nhánh Hà Lan của Nike. Công ty này trả thuế gần 8 tỷ USD (tương đương 6 tỷ euro) trong số doanh thu họ nhận được từ doanh thu của Nike trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, kể từ năm 2005 tới 2014, Nike đã chuyển một khối lượng lớn tiền ra khỏi Hà Lan tới Bermuda – nơi vốn là thiên đường thuế với thuế suất bằng 0. Nike làm việc này thông qua chi nhánh tại Bermudan có tên Nike International Ltd – đơn vị phụ trách về những quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho Nike – thứ rất quan trọng cho đế chế này. Thậm chí dù không có bất kỳ nhân viên hay văn phòng nào tại Bermuda – chi nhánh này đã thu được rất nhiều khoản phí vi phạm bản quyền thương hiệu mỗi năm đối với chi nhánh tại châu Âu của Nike. Mức phí này cho phép Nike chuyển được lợi nhuận hợp pháp ra khỏi châu Âu cho Nike International Ltd.

Trong năm 2014, Nike đã phải suy nghĩ lại. Với thỏa thuận từ Hà Lan đã hết hạn, công ty đã nảy ra một kế hoạch mới, tiếp tục nhận được sự đồng ý của chính quyền Hà Lan.

Điều này liên quan tới việc chuyển quyền sở hữu trí tuệ của công ty từ Nike International tại Bermuda tới một chi nhánh khác, Nike Innovate CV. Chi nhánh không có trụ sở tại Bermuda và cũng chẳng có ở một nơi nào khác.

Vậy hoạt động này diễn ra thế nào? Khá phức tạp và gây tranh cãi.

Mô hình "CV" cho phép Nike Inovate tránh việc trả thuế tại Hà Lan mà thực tế thì Nike Innovate cũng chẳng phải đóng thuế ở bất kỳ đâu cả. Nike không phải là công ty đa quốc gia duy nhất sử dụng mô hình CV. Nhiều công ty đa quốc gia lớn của Mỹ sử dụng mô hình tương tự.

Vì vậy, Nike Innovate CV thật sự là một kho báu. Công ty này hoàn toàn là một thứ xa tầm với đối với cơ quan thuế vụ Hà Lan và thậm chí các cơ quan thuế của Mỹ cũng không thể với tới dù Nike là công ty đăng ký tại Mỹ, có trụ sở tại Portland, Oregon. Nike Innovate không phải là đơn vị phải đóng thuế ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Mô hình CV và mô hình hoạt động trước đó tại Bermuda được dựng nên để giúp Nike giảm được mức đóng thuế trên toàn cầu. Tháng 5, khối lợi nhuận chất thành núi ở hải ngoại của Nike trị giá hơn 12 tỷ USD. Và mức đóng thuế trên toàn cầu của họ giảm từ 34,9% năm 2007 xuống còn 13,2% vào năm ngoái.

Nike đã được hỏi về những sắp xếp này. Và câu trả lời của họ là: "Nike tuân thủ đầy đủ luật pháp về thuế và chúng tôi đảm bảo hồ sơ khai thuế phù hợp với hoạt động kinh doanh, những khoản đầu tư mà chúng tôi đang thực hiện và số việc làm chúng tôi tạo ra. Trụ sở tại châu Âu của Nike được đặt tại Phần Lan kể từ năm 1999. Họ đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên – những người kiểm soát hoạt động của Nike trên 75 quốc gia trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Nike và những công ty đa quốc gia khác đang đứng trước nhiều áp lực lớn. Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển đã yêu cầu đóng cửa mô hình CV và họ đã nhận được một vài thành quả. Dưới chỉ thị chống trốn thuế của Liên minh châu Âu, có lẽ Nike sẽ phải tìm ra cách mới để trốn thuế vào năm 2021 hoặc đành trả mức thuế nhiều hơn một chút so với mức hiện tại.

Dẫu vậy, vẫn phải nói rằng Nike vẫn đang đi trước một bước trong cuộc đua né thuế này.

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nike-va-chieu-ne-thue-dinh-cao-suot-10-nam-tu-tinh-phi-quyen-so-huu-tri-tue-voi-chinh-minh-a186567.html