Cuộc đấu “vương quyền" giữa quý bà tham vọng và Phó Tổng thống “cá sấu” ở Zimbabwe

Một cuộc đối đầu giữa đệ nhất phu nhân tham vọng và Phó Tổng thống lão luyện đã dẫn đến cuộc chính biến ở Zimbabwe.

Theo đó, vào đêm 14/11 rạng sáng 15/11, quân đội Zimbabwe đã tiến hành một cuộc chính biến. Họ điều hàng loạt xe tăng đến thủ đô Harare, tước vũ khí của cảnh sát, chiếm đóng đài truyền hình quốc gia và quản thúc vợ chồng Tổng thống Mugabe.

Constantine Chiwenga - tư lệnh quân đội Zimbabwe cho biết, quân đội can thiệp để bảo vệ đất nước khỏi "tội phạm". Không có phản ứng từ ông Mugabe. Phe cánh của bà Grace Mugabe chỉ phản đối yếu ớt.

Tất cả diễn ra chóng vánh chỉ sau một đêm, khiến Tổng thống Mugabe (93 tuổi) từ đỉnh cao quyền lực suốt từ những năm 1980 bỗng chốc bị quản thúc bởi quân đội. Giới quan sát cho rằng, tham vọng chính trị của bà Grace Mugabe là nguyên nhân chính.

Được biết, bà Grace và Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa là hai đối thủ chính trong cuộc chạy đua quyền lực để trở thành người kế vị ông Mugabe, người đã cầm quyền 37 năm.

Sự đối chọi được phân định rõ ràng giữa hai phe cánh trong đảng cầm quyền ZANU-PF, đó là phe G40 ủng hộ Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe và phe Lacoste ủng hộ Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa.

 

 Bà Grace và Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa
Bà Grace và Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa)

Ông Mnangagwa (75 tuổi) là phụ tá lâu năm của Tổng thống, hai người từng sát cánh trong cuộc chiến giải phóng Zimbabwe những năm 1970. Ông Mnangagwa từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền như bộ trưởng tư pháp, bộ trưởng quốc phòng. Sự khôn ngoan và dẻo dai đã khiến ông được đặt biệt danh "cá sấu".

Tuy nhiên, hồi tuần trước, Tổng thống Mugabe bất ngờ sa thải ông Mnangagwa, cựu Bộ trưởng quốc phòng. Quyết định này được cho là do tác động từ bà Grace sau khi bà cáo buộc những người ủng hộ ông Mnangagwa âm mưu đảo chính.

Trước đó, ông Mnangagwa bị cáo buộc liên quan đến việc thanh trừng nhiều người trong cuộc nội chiến những năm 1980, khi ông là trùm tình báo. Ông đã bác bỏ cáo buộc và nói rằng quân đội là bên chịu trách nhiệm. Dù vậy, ông Mnangagwa nhìn chung được nhiều người tôn trọng và được quân đội ủng hộ.

Còn bà Grace là vợ thứ hai của ông Mugabe từ năm 1996. Bà bắt đầu có vị trí quan trọng đảng cầm quyền từ năm 2014. Sở thích mua sắm hàng hiệu của Đệ nhất phu nhân khiến bà được đặt biệt danh "Gucci Grace".

Lối sống xa hoa và việc tham gia vào các cuộc ẩu đả của Đệ nhất phu nhân đã được truyền thông đưa tin rộng rãi. Ngay cả những người ủng hộ trung thành của Tổng thống cũng nói rằng bà Grace không nên kế nhiệm chồng. Tuy nhiên, phong cách mạnh mẽ của bà đã thu hút được nhiều người trẻ. Nhưng trong mắt lực lượng vũ trang, bà Grace chỉ là một người dựa vào quyền lực của chồng.

Tình thế đấu đá giữa hai phe lên đến đỉnh điểm khi Đệ nhất phu nhân ngày 5/11 công khai cáo buộc ông Mnangagwa tìm cách làm suy yếu quyền lực của Tổng thống và chia rẽ đảng.

Bà Grace đã kêu gọi tất cả thành viên của phe Lacoste bị khai trừ khỏi đảng trước khi đại hội đảng diễn ra vào tháng 12. Bà Grace Mugabe cũng thể hiện rõ ràng rằng bà sẵn sàng trở thành người kế nhiệm chồng.

Chồng bà cũng thể hiện sự ủng hộ vợ khi quyết định sa thải ông Mnangagwa. Việc cách chức ông Mnangagwa rõ ràng sẽ mở đường cho sự nghiệp chính trị của vị đệ nhất phu nhân 52 tuổi này.

Thực tế, bà Grace cũng từng thành công trong việc khiến chồng sa thải một phụ tá. Năm 2014, Đệ nhất phu nhân cáo buộc Phó Tổng thống Joice Mujuru âm mưu ám sát ông Mugabe để chiếm quyền lực. Ông Mugabe đã khai trừ bà Mujuru ra khỏi đảng vào tháng 12/2014 và bổ nhiệm ông Mnangagwa làm người thay thế.

Vì vậy, không có gì bất ngờ khi ngày 6/11, Tổng thống Mugabe sa thải ông Mnangagwa với lý do có những dấu hiệu không trung thành, thiếu tôn trọng và lừa dối.

Theo Guardian, ông Mugabe có ý định sa thải Mnangagwa trực tiếp trong văn phòng mình nhưng ông Mnangagwa từ chối đến. Tổng thống sau đó lại gọi ông Mnangagwa đến dinh thự của mình nhưng không có phản ứng từ Phó Tổng thống. Vài giờ sau, quyết định sa thải được công bố trong một cuộc họp báo ở Harare.

Sau khi mất chức, ông Mnangagwa đến nước Mozambique lân cận. Mnangagwa và đồng minh sau đó tham vấn với quân đội Zimbabwe và những người ủng hộ khác tại Zimbabwe và Nam Phi.

Dưới sự trung gian của các đặc phái viên Nam Phi, quân đội Zimbabwe đang tìm cách đàm phán với Tổng thống Mugabe nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu, nhưng ông Mugabe vẫn kiên quyết không chấp nhận từ chức, đẩy đất nước vào một tương lai bất định.

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cuoc-dau-vuong-quyen-giua-quy-ba-tham-vong-va-pho-tong-thong-ca-sau-o-zimbabwe-a186552.html