Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi): Ba điểm mới quan trọng

Trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Bộ Tài chính vừa được công bố, có nhiều điểm mới, tích cực.

Một số điểm chính của dự thảo

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được công bố trên trang web của Bộ Tài chính ngày 10-11-2017, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp VI (kỳ họp thứ hai năm 2018) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp VII (kỳ họp thứ nhất năm 2019). Dự thảo tờ trình luật này gồm sáu phần chính, đề cập đến: i) sự cần thiết, ii) mục đích quan điểm xây dựng luật, iii) đối tượng phạm vi điều chỉnh, iv) các nội dung chính (30 nội dung), v) dự kiến nguồn lực và vi) thời gian dự kiến trình Quốc hội.

Điểm mới và tích cực nổi bật của dự thảo tờ trình này là trong mỗi phần nội dung đề xuất, đều có bốn phần: xác định vấn đề, mục tiêu giải quyết vấn đề, giải pháp để giải quyết vấn đề, và đánh giá tác động của giải pháp. Bên cạnh đó, trong phần xác định vấn đề và giải pháp để giải quyết vấn đề, dự thảo tờ trình đều có xem xét đến thực trạng của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Chẳng hạn như vấn đề chi phí thuế, hiện nay các quy định về ưu đãi thuế có ở Luật Đầu tư và một số luật khác, nhưng các luật liên quan đến thuế thì chưa có quy định. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới, ở nhiều mức độ phát triển khác nhau, đã thực hiện báo cáo về chi phí thuế nhằm tăng cường tính minh bạch trong thu - chi ngân sách nhà nước, đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế.

Chi phí thuế: điểm nhấn ở doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước

Về thực chất, chi phí thuế là phần thu ngân sách bị mất đi khi thực hiện miễn giảm, giảm trừ, ưu đãi thuế (thuế suất thấp). Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, với mục đích ban đầu là hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng thực tế triển khai thì lại bị lợi dụng nhiều. Nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, dùng những ưu đãi về thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không tính được chi phí - lợi ích vì chưa có báo cáo chi phí thuế. Ngay cả trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, vì chưa có báo cáo chi phí thuế nên không thể tính đúng/gần đúng chỉ tiêu chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp FDI được miễn, giảm đến 90% thuế thu nhập doanh nghiệp trong cả chục năm, rồi được riêng những ưu đãi khác về thuế của địa phương nơi doanh nghiệp đặt nhà máy. Điều này còn nghiêm trọng hơn đối với các doanh nghiệp trong nước có cùng ngành nghề với doanh nghiệp FDI, khi mà ưu đãi đã bóp méo sự cạnh tranh bình đẳng. Những doanh nghiệp như Samsung, LG, Toyota... đã không ít lần “mặc cả” với cả trung ương và địa phương để tiếp tục được các ưu đãi về thuế trong khi đã được rất nhiều ưu đãi rồi.

Các doanh nghiệp nhà nước, ngoài những ưu đãi đã được biết như vốn đầu tư, tài sản (đặc biệt là giá trị bất động sản) thì cũng được nhiều cơ chế đặc thù trong ưu đãi thuế. Đã có trường hợp các tập đoàn nhà nước lớn như Vinashin, Vinatex, PVN, Vinachem, Vinacomin... gửi văn bản đến Chính phủ xin hàng loạt cơ chế, ưu đãi. Dự thảo tờ trình này có đề cập đến việc xóa tiền nộp chậm trên số thuế phát sinh, thậm chí nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước đã bàn giao cho công ty cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa trước ngày 1-7-2007. Vì vậy, các khoản này cần được tính đúng, tính đủ vào chi phí thuế.

Như vậy, báo cáo chi phí thuế sẽ có thông tin đầu vào để đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế. Không những thế, đây cũng là yếu tố quan trọng để tiến dần đến việc thực hiện báo cáo tài chính nhà nước theo nguyên tắc phải thu phải chi (accrual accounting).

Quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Theo dự thảo tờ trình, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang tăng nhanh, dự báo trong vòng năm năm nữa có thể đạt đến 10 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, về mặt giải pháp, dự thảo chỉ đề xuất chung chung là phối hợp liên bộ ngành và với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

Để quản lý được nguồn doanh thu, theo người viết, cần bắt buộc cung cấp hóa đơn điện tử đối bất kỳ giao dịch nào, và khuyến khích khách hàng yêu cầu hóa đơn thanh toán (bằng giải pháp hóa đơn kèm xổ số, chẳng hạn).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.)

Những cá nhân kinh doanh trực tuyến trên kênh riêng của mình (trang web riêng, Facebook) có doanh số một năm thấp hơn một giá trị nhất định, 300 triệu đồng chẳng hạn, thì được đăng ký thuế khoán nhưng định kỳ hàng quí đều phải kê khai doanh thu. Việc đăng ký kinh doanh và kê khai doanh số định kỳ giúp cho người kinh doanh có trách nhiệm về những gì mình khai với cơ quan thuế, vì họ biết rằng cơ quan thuế có thể kiểm tra sau đó bất kỳ lúc nào, thông qua đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp (tax inspector). Muốn vậy, các thủ tục đăng ký và kê khai thuế phải cực kỳ đơn giản, nhanh chóng, làm hoàn toàn trực tuyến.

Trong trường hợp các cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT, như Lazada, Zalora, Shopee, Sendo, Tiki, Adayroi... thì ngoài việc các cá nhân này phải đăng ký kinh doanh, khai thuế, thì cần có thêm quy định các sàn TMĐT này phải hỗ trợ cơ quan thuế, như: phát hành hóa đơn tự động, phối hợp với cơ quan thuế khi có yêu cầu kiểm tra doanh số của một “cửa hàng” nào đó.

Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Vấn đề chuyển lợi nhuận thông qua các giao dịch liên kết của các công ty đa quốc gia khiến cơ quan thuế của nhiều nước đau đầu. Thông lệ quốc tế hiện nay là áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Vì vậy, trong dự thảo Luật Quản lý thuế lần này, cơ quan thuế đã đưa vào quy định người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc “giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức”.

Cũng liên quan đến giao dịch liên kết của các công ty đa quốc gia, vấn đề giảm cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting - BEPS) cũng được đề cập trong dự thảo luật, khi yêu cầu các doanh nghiệp trong nhóm này phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao. Đây là chủ đề được nhiều nước, đặc biệt các nước trong nhóm OECD quan tâm và cùng nhau tìm giải pháp phù hợp. Cái khó là các thiên đường thuế vẫn tồn tại hợp pháp (như vụ Paradise Papers mới đây, sau vụ Panama Papers), và các công ty đa quốc gia lại thường là những công ty có thế mạnh về sản phẩm, công nghệ riêng nên việc xác định giá giao dịch độc lập cũng không dễ dàng chút nào. Tuy vậy, hy vọng rằng áp lực từ những vụ việc như Paradise Papers sẽ khiến lãnh đạo của các công ty đa quốc gia này có trách nhiệm hơn với cộng đồng, đặc biệt là ở những nước sở tại.

Dự thảo luật lần này đã thể hiện được tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản, khoa học, phù hợp thông lệ quốc tế, có đội ngũ nhân lực chất lượng và liêm chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại... Tuy nhiên, cần thêm nhiều ý kiến đóng góp, bình luận từ nhiều chuyên gia và các bên có liên quan khác. Bởi vì, trong quá trình xây dựng luật, quy trình từ dưới lên trên (bottom-up) là rất quan trọng, tránh những quan điểm chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-thao-luat-quan-ly-thue-sua-doi-ba-diem-moi-quan-trong-a186548.html