Các NHTM rút được hàng nghìn tỷ để chi tiêu đối ngoại, trả lãi suất ngoài... Vấn đề kiểm soát tiền mặt đang có vấn đề gì?
Ngày hôm nay, 16/11, theo lịch trình làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng sẽ là người đăng đàn trước Quốc hội để trả lời những ý kiến của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan tới lĩnh vực này.
NHTM rút hàng nghỉn tỷ dễ dàng vì sao?
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, ông có nhiều vấn đề quan tâm tới lĩnh vực này. Cụ thể là những vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, Ngân hàng 0 đồng và đại án; Cái bắt tay với chính sách tài khóa; đặc biệt là sau sự kiện Jack Ma sang Việt Nam thì NHNN sẽ có kế hoạch gì để kiểm soát tiền mặt.
Đi vào từng vấn đề cụ thể, đại biểu Cường chất vấn:
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/8. Tính tới thời điểm này, Nghị quyết đã triển khai được khoảng 3 tháng, vậy kết quả cụ thể thu được trong quá trình thực hiện thí điểm như thế nào?
Trước đây việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do bên vay thường bất hợp tác, tìm cách chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm. Việc khởi kiện ra tòa cũng không dễ dàng và nếu được xử thắng kiện cũng khó thi hành án.
"Vậy sau khi ban hành Nghị quyết 42 những vấn đề trên có giải quyết được không? Giải quyết được tới đâu?", ông Cường đặt câu hỏi.
Vấn đề thứ hai vị đại biểu quan tâm liên quan tới chính sách tài khóa. Vị đại biểu đoàn Hà Nội đánh giá, trong năm vừa qua sự phối hợp của chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa đã được NHNN thực hiện và duy trì rất tốt, không để xảy ra tình trạng lạm phát; tỉ giá, giá vàng, giá USD ổn định; dòng tiền đã có tín hiệu chảy vào những khu vực trọng tâm chứ không bị dồn vào những điểm nóng như chứng khoán, bất động sản.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh mở, hầu hết các hoạt động kinh tế quốc tế đều sử dụng ngoại tệ, thậm chí không thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán bằng tiền ảo. Trong bối cảnh đó, quan điểm của NHNN như thế nào về việc này và NHNN có chủ trương và giải pháp gì để đối diện với thực tế đó?", vị đại biểu băn khoăn.
Hơn nữa, theo ông Cường, sau sự kiện APEC tổ chức tại Việt Nam và đặc biệt sự xuất hiện của Jack Ma cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tới đây sẽ trở thành xu hướng rất phổ biến.
"Đây chính là cơ sở để kiểm soát lạm phát, kiểm soát các vấn đề liên quan tới rửa tiền, vậy NHNN đã có giải pháp gì để đón được xu thế này?".
Đại biểu Hoàng Cường cũng muốn NHNN trả lời rõ hơn về chủ trương huy động vàng và USD trong dân để đưa vào phục vụ sản xuất.
"Tôi muốn hỏi, bây giờ NHNN có tính tới chuyện đó không?
Nếu huy động thì NHNN sẽ làm thế nào và làm sao để huy động được vàng, USD nhưng vẫn phải đảm bảo được sự ổn định của đồng tiền?
Đồng thời, huy động vàng, USD nhưng làm sao vẫn phải tạo ra được môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giao lưu, chuyển đổi các loại hình tiền tệ một cách dễ dàng?.
Liên quan tới những đại án ngân hàng, ngân hàng 0 đồng, đại biểu Cường cho rằng NHNN đã có báo cáo về xử lý những ngân hàng 0 đồng. Dù báo cáo có đánh giá việc xử lý những ngân hàng 0 đồng đã có chuyển biến nhưng chuyển biết cụ thể tới đâu thì cũng chưa được rõ. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc này vẫn đang được NHNN thực hiện, nên có thể chờ đợi thêm một thời gian nữa để đưa ra đánh giá toàn diện hơn.
Vấn đề ông quan tâm hơn là những vấn đề liên quan tới đại án ngân hàng.
"Tại sao chúng ta đã có những quy định về kiểm soát chi tiêu tiền mặt rất chặt chẽ, vậy mà vẫn có việc các NHTM rút được hàng nghìn tỷ để chi tiêu đối ngoại, trả lãi suất ngoài... Vấn đề kiểm soát tiền mặt đang có vấn đề gì? Cụ thể quy trình này được thực hiện như thế nào?
Khi sửa đổi Luật tín dụng, NHNN sẽ làm thế nào, sửa đổi thế nào để ngăn chặn được tình trạng gây mất an toàn cho hệ thống tín dụng?", ông Cường tiếp tục đặt câu hỏi.
Doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng nông nghiệp 100 tỷ vì sao?
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) lại quan tâm nhiều hơn tới các chính sách cho phát triển nông nghiệp.
Theo bà Tuyết, những vấn đề liên quan tới chính sách tài chính, tiền tệ, đại án ngân hàng sẽ có rất nhiều ĐBQH quan tâm. Do đó, bà sẽ lựa chọn vấn đề liên quan tới gói 100 nghìn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao để chất vấn.
Nữ đại biểu đoàn An Giang đánh giá, đây là chủ trương tốt, tạo ra hướng đi mới thuận lợi hơn cho phát triển nông nghiệp sạch tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, kết quả thực hiện triển khai gói 100 nghìn tỉ thời gian qua còn rất chậm, khó tiếp cận.
"Đây là chủ trương được cả Chính phủ, các bộ ngành đều rất quan tâm, nhưng vấn đề triển khai chưa mang lại nhiều hiệu quả, doanh nghiệp khó tiếp cận, điều kiện vay quá khắt khe...
Tôi mong muốn Thống đốc NHNN hãy cùng tìm ra nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý phù hợp để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển", bà Tuyết đặt vấn đề.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hau-dai-an-ngan-hang-nhnn-se-kiem-soat-nhu-the-nao-a186389.html