Sáng 13.11, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) tiếp tục công bố thông tin trả lời của Kế toán trưởng xoay quanh những thông tin tràn lan trên mạng xã hội mà HBC cho rằng “luận điệu xuyên tạc, cố ý bóp méo sự thật, gây tổn hại đến uy tín và thanh danh của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, khiến cho cổ đông và các nhà đầu tư hoang mang, hoảng sợ bán tháo cổ phiếu HBC...”.
Cổ đông HBC lên tiếng
Theo thông tin từ HBC, khi nhận được thông tin từ một facebook tên Tuấn Mạnh Nguyễn đưa ra, cổ đông Đỗ Nhật Anh (cổ đông của HBC) đã có thư yêu cầu Kế toán trưởng HBC trả lời một số câu hỏi mà anh này tiếp nhận được từ faceboker Tuấn Mạnh Nguyễn. Sau khi tiếp nhận yêu cầu từ cổ đông Đỗ Nhật Anh, kế toán trưởng của HBC đã chính thức có thư trả lời về những nghi vấn mà Tuấn Mạnh Nguyễn đưa ra.
Trước đó, Tuấn Mạnh Nguyễn đã đưa ra 5 vấn đề về hạch toán lợi nhuận của HBC gồm: “Hạch toán lợi nhuận nhưng chưa thu được tiền, khách hàng chưa trả; Hạch toán bằng khối lượng ước lượng thi công, khách không xác nhận; Báo cáo tài chính dòng tiền chả có xu nào ngày càng nợ nần chồng chất; Ai biết 8.600 tỷ đồng phải thu bao nhiêu quá hạn, bao nhiêu không thu được sắp bị xù? Và ai biết phần sau của hợp đồng còn lợi nhuận không, hay hạch toán trước ùn lợi nhuận lên phần “ ước khối lượng thi công” ban đầu, để hạch toán lùa quỹ lùa gà?
Sau khi đưa ra 5 vấn đề trên, faceboker Tuấn Mạnh Nguyễn còn kết luận: “Tôi không bao giờ là gà cho chúng vặt lông. Không trả lời được bố không bao giờ mua dù rẻ nữa, rơi nữa”.
Trước những vấn đề mà faceboker Tuấn Mạnh Nguyễn, đại diện HBC đặt câu hỏi: Tuấn Mạnh Nguyễn này là ai và có xung đột lợi ích gì với HBC? Tuấn Mạnh Nguyễn có phải chính là Nguyễn Mạnh Tuấn có các nicknames là vn700, A7, L7, TScapital? Tại sao Tuấn Mạnh Nguyễn không đặt vấn đề thắc mắc, chất vấn trực tiếp Hoà Bình để được trả lời một cách chính thức theo nghĩa vụ và trách nhiệm của HBC như anh Đỗ Nhật Anh đã làm mà lại liên tục có những lời lẽ và hành động làm phương hại đến uy tín Hoà Bình và lợi ích cổ đông HBC trong suốt thời gian từ Quý 3.2017 đến nay?
Ngoài ra, phía HBC cũng cho rằng faceboker Tuấn Mạnh Nguyễn cũng là người bị cáo giác đã tung tin bịa đặt vụ Hoà Bình bị xù nợ trước đây.
Trước đó, cổ phiếu HBC đã liên tục giảm không phanh vì thông tin bị Khải Silk xù nợ. Ngay sau đó, lãnh đạo HBC đã phải “đăng đàn” lên tiếng bác thông tin trên và cổ phiếu HBC đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của 5 luận điểm trên khiến cổ phiếu HBC lại tiếp tục quay đầu giảm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 13.11, cổ phiếu HBC về mức giá 50.300 đồng/CP và là phiên giao dịch thứ 5 liên tiếp... “đỏ sàn”.
Kế toán trưởng HBC giải thích gì?
Liên quan đến 5 luận điểm trên của Facebooker Tuấn Mạnh Nguyễn, bà Nguyễn Thị Nguyên Thuỷ, kế toán trưởng HBC đã lên tiếng giải thích về các luận điểm này.
Cụ thể, với thông tin Hạch toán lợi nhuận nhưng chưa thu được tiền, khách hàng chưa trả, bà Thủy cho rằng, đây là một cách hạch toán doanh thu bình thường và đúng đắn theo quy định kế toán hiện hành. Chuẩn mực kế toán Việt Nam qui định: Việc hạch toán doanh thu không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có thu được tiền hay chưa thu được tiền. Nội dung này đã được trình bày trong mục 3.18 của thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán.
Về nội dung Hạch toán bằng khối lượng ước lượng thi công, khách không xác nhận, theo bà Thủy, tất cả các khoản hạch toán doanh thu của HBC đều tuân thủ theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán Việt Nam và đã được kiểm toán kiểm tra trên cơ sở phải có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành chi tiết và được ký xác nhận bởi khách hàng hoặc đơn vị được uỷ quyền bởi khách hàng (thường là tư vấn giám sát - đại diện của khách hàng/chủ đầu tư) nên không có việc đưa vào hạch toán những khối lượng ước tính mà không có xác nhận của khách hàng.
Về nội dung Báo cáo tài chính dòng tiền chả có xu nào ngày càng nợ nần chồng chất, bà Thủy cho rằng, trong 10 năm qua, HBC đã sử dụng vốn vay (đòn cân nợ) rất hiệu quả. Hiện nay, tất cả các khoản nợ vay của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đều là nợ vay tiêu chuẩn nhóm 1 được xếp hạng tín dụng ở mức rất cao “AA+”. Đặc biệt, HBC được các ngân hàng thương mại lớn trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tài trợ thông qua cấp hạn mức tín dụng. Trong lịch sử 30 năm thành lập và phát triển của Tập đoàn, chưa từng có một lần nào chúng tôi để quá hạn các khoản nợ dù chỉ một ngày.
Hiện nay, tổng giá trị các hợp đồng Hoà Bình đang thi công là trên 33.400 tỷ đồng; so sánh, tại thời điểm cùng kỳ tháng 11/2015 (hai năm trước) tổng giá trị các hợp đồng đang thi công chỉ có khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ba năm qua Hoà Bình chưa có một đợt phát hành cổ phiếu nào. Từ thực tế trên, dễ dàng nhận thấy rằng việc sử dụng vốn vay ngân hàng là điều tất yếu.
Với nội dung Ai biết 8.600 tỷ phải thu bao nhiêu quá hạn, bao nhiêu không thu được sắp bị xù?, bà Thủy lý giải, tất cả các khoản nợ phải thu có thể bị suy giảm về khả năng thu hồi đã được Hòa Bình hạch toán dự phòng đầy đủ theo đúng quy định của Bộ tài chính trên nguyên tắc thận trọng và được kiểm toán bởi công ty Kiểm toán Ernst and Young. Các khoản nợ còn lại đều là nợ tiêu chuẩn chưa bị suy giảm khả năng thu hồi. Từ khi thành lập công ty tới nay, công ty chúng tôi chưa từng có khoản phải thu nào bị mất.
Về nội dung Ai biết phần sau của hợp đồng còn lợi nhuận không, hay hạch toán trước ùn lợi nhuận lên phần “ước khối lượng thi công” ban đầu, để hạch toán lùa quỹ lùa gà?, bà Thủy cho rằng, việc hạch toán doanh thu và chi phí của từng dự án đều được phê duyệt và cũng được công ty kiểm toán rà soát thận trọng. Trong suốt 30 năm thành lập đến nay, biên lợi nhuận gộp của HBC đều tương đối ổn định xoay quanh từ 8%-12% tùy dao động của thị trường. Điều đó chứng tỏ không có việc ùn lợi nhuận để có lúc kết quả rất cao có lúc thì lại quá thấp...
Theo Danviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bi-cho-la-quy-lua-ga-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-noi-gi-a186233.html