Ông Nguyễn Cảnh Bình cho rằng cuốn "Đường đến Nhà trắng 2016" góp thêm một góc nhìn để lý giải chiến thắng của Donald Trump trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Ông Nguyễn Cảnh Bình là tác giả cuốn Hiến Pháp Mỹ được làm ra như thế nào, một người quan tâm và có dành thời gian nghiên cứu về nền chính trị Mỹ. Nhân dịp cuốn Đường đến Nhà Trắng 2016 (tác giả Roger Stone) phát hành tại Việt Nam, ông đưa ra những góc nhìn về nội dung sách cũng như nhật vật chính của cuốn sách là Tổng thống Mỹ Donald Trump.
- Là tác giả cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào” hẳn ông là người quan tâm tới chính trường nước Mỹ. Vậy, ông đánh giá như thế nào về việc ông Donald Trump dành ghế tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016?
- Tôi nghĩ rằng đó là một hành trình thú vị, có rất nhiều câu chuyện để kể. Nhìn trên tổng thể, mọi hành trình của mọi tổng thống đều thú vị cả. Nhưng mỗi hành trình có một cách thức khác nhau. Hành trình của ông Trump đầy bất ngờ, khác biệt.
- Những khác biệt đó là gì?
- Thứ nhất, lần đầu tiên (sau trường hợp ông Reagan từ diễn viên điện ảnh trở thành tổng thống Mỹ), Donald Trump là một doanh nhân trở thành tổng thống.
Thứ hai, gọi là khác biệt, nhưng lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ có vài lần rồi, đó là gần như mọi dự đoán, đa phần báo chí đều nghĩ Trump thất bại, nhưng cuối cùng ông đã chiến thắng ngoạn mục
Thứ ba, trong quá trình tranh cử, Donald Trump thường xuyên có những phát biểu mạnh miệng và gây nhiều tranh cãi, dường như các phát biểu đều theo cảm hứng, ngẫu nhiên, hoặc nói chính xác là dường như ông ta nghĩ thật lòng thế nào thì nói như vậy, ông ấy không phải là một người hoa mỹ về ngôn từ như nhiều chính trị khác.
- Qua cuốn sách, ông thấy đâu là những bước đi quan trọng của Donald Trump giúp ông dành chiến thắng cuối cùng?
- Cuốn sách này thực ra chỉ nói nhiều về những hoạt động của Donald Trump trong khoảng hai năm nay thôi. Nhưng thực tế, con đường hoạt động của ông thì phải lùi tới những năm 1980. Người khuyên Donald Trump, gợi ý ông ta nên trở thành tổng thống Mỹ trong tương lai chính là cựu tổng thống Nixon.
Những năm 1980, một vài người từng gợi ý Trump trở thành tổng thống, ông ta đã chuẩn bị cho việc trở thành tổng thống. Ông ấy đã 2 lần thăm dò việc bầu cử, nhưng không quyết định chính thức ra tranh cử.
- Như vậy theo ông, cuốn sách này không tường thuật đầy đủ con đường và tham vọng chính trường của ông Donald Trump?
- Không hoàn toàn đầy đủ. Chương đầu có viết tóm tắt một vài ý, là những ngày đầu Donald Trump quan tâm tới chính trường như thế nào. Sách chỉ tập trung chi tiết vào hai năm diễn ra quá trình tranh cử thành tổng thống.
Cuốn này đặc biệt ở chỗ, nếu đọc những cuốn sách của thổng thống khác như Obama, Clinton, ta sẽ thấy ở đó đầy những chuyện hay ho, hấp dẫn. Đó là những sự khéo léo của Obama, tài hùng biện, những giấc mơ tuyệt vời của Clinton…
Nhưng cuốn sách này, nó được viết có phần khô khan, thậm chí tẻ nhạt, nó miêu tả từng ngày từng giờ ông Trump làm gì, làm như thế nào…
Chúng ta đã có những cuốn sách nói về niềm hy vọng, sự vận động của người dân Mỹ ủng hộ cho tổng thống, chính trị gia như nào, đương nhiên họ không bao giờ nói xấu về mình cả. Nhưng đây là cuốn sách đầu tiên viết về một quá trình vận động tranh cử của một người rất kỹ càng, chi tiết, thậm chí cả những câu chuyện không được thuận lợi của nhân vật.
Tôi cho rằng cuốn sách này hữu ích. Về chính trị, đây không phải là câu chuyện bóng bẩy. Cuốn sách cho biết mặt sau của một cuộc bầu cử một cách chi tiết, thậm chí nói về mặt sau của nó nhiều hơn.
- Tác giả trích dẫn nhiều thông tin báo chí trong sách. Liệu đây có phải cách để chứng tỏ những điều ông ấy nói trong sách là khách quan?
- Tôi nghĩ rằng mọi cuốn sách đều ít nhiều thể hiện quan điểm của người viết và là điều bình thường. Stone - tác giả cuốn sách - là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Ông ta đã tham gia vào nhóm vận động tranh cử của bốn đời tổng thống Mỹ. Ngay từ khi 22, 23 tuổi ông đã bước vào nhóm vận động tranh cử đầu tiên.
Ông ta là chủ tịch tổ chức Những người Cộng hòa trẻ của đảng Cộng hòa. Ông ta không hề xa lạ với chính trường.
Ông ta trích dẫn báo chí, nhưng không lấy báo chí để bảo vệ Trump hay ai, mà ông ta trích dẫn để lập luận lại, coi trích dẫn báo chí như dẫn chứng, không chứng minh báo chí.
Trong sách ông liệt kê bao nhiêu tờ báo ủng hộ Clinton trong cả nước? 263 tờ tổng thể. Ngược lại, bao nhiêu tờ được tính là ủng hộ Donald Trump? 2 tờ. Ông ta dẫn chứng để thấy rằng, gần như toàn bộ báo chí đã ủng hộ Hillary Clinton.
Như vậy Stone không dùng báo chí để thuyết phục. Mà ông ta dùng báo chí để lập luận lại rằng, báo chí truyền thống đã không còn phản ánh được trung thực, khách quan mong muốn của dân chúng. Cũng như quan điểm của báo chí đã thiên lệch gần như hoàn toàn về phía bà Hillary.
- Nhưng ở đây, tác giả tham gia vận động tranh cử cho Trump, thì quan điểm, góc nhìn của ông ấy cũng thiên lệch về phía Trump chứ?
- Rõ ràng ông ta ủng hộ Trump và không dấu diếm điều đó.
- Đối với một số chính khách của Mỹ, trong sách tác giả nói về họ như những người thất bại: bà Hillary với chứng liệt rung, ông Bill Clinton với bê bối tình dục hay Ted Cruz như người dối trá. Theo ông, nhận xét của tác giả về những nhân vật này có khách quan?
- Tôi không thể khẳng định khách quan hay chưa. Từ góc độ của mình, tôi thấy một phần nào đó là sự thật. Nhưng việc người khác sử dụng sự thật đó như nào là có mục đích của họ.
Và tôi tin các trường hợp khác cũng tương tự như vậy.
- Theo ông, những bước đi nào quan trọng trong hành trình trở thành tổng thống của ông Donald Trump được nêu trong sách?
- Quyết định quan trọng đầu tiên của ông Trump theo tôi chính là quyết định ra tranh cử. Trong quá khứ, ông ta đã từng thăm dò việc ứng cử vào năm 1992, 1998, thậm chí vận động thử để tranh cử. Nhưng lần này, ông tuyên bố với ê-kíp của mình rằng: “Tôi chỉ ra tranh cử nếu tôi biết mình nắm được phần thắng”.
Nhiều người khác sẽ tranh cử mà không biết mình thắng hay không. Họ sẽ nói, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nhưng thắng thua là việc của nhiều yếu tố, phục thuộc vào người này, điều kia… Nhưng Trump là doanh nhân, ông có niềm tin vào bản thân rất lớn. Ông ra tranh cử khi có một niềm tin mãnh liệt rằng “mình phải thắng”.
Câu chuyện thứ hai, là ở lần tranh luận đầu tiên của 10 ứng viên đảng Cộng hòa. 10 người tranh luận trong 2 tiếng đồng hồ, cộng với thời lượng cho người dẫn chương trình. Như vậy mỗi người có khoảng 10 phút để tranh luận, làm thế nào để bạn có thể gây sự chú ý trong vòng 10 phút. Nhưng tính ra Donald Trump đã nói khoảng 30 phút. Đó là nỗ lực thể hiện được sự lão luyện và tinh quái của ông.
Ông không bị cuốn vào những câu chuyện của mọi người xung quanh. Ông ta đã là chủ xị show truyền hình Người tập sự, ông ta là host của các chương trình truyền hình. Ông ta thành thạo các kỹ năng, kỹ thuật của truyền hình để luôn luôn làm cho mình là tâm điểm dù có bị nói xấu hay nói tốt, ông ta vẫn là tâm điểm.
Bước thứ ba, ông rất linh hoạt trong chiến lược của mình, cứ vài tháng ông lại thay đổi giám đốc chiến dịch tranh cử. Ông ta thay đổi liên tục, thậm chí mọi người e ngại. Nhưng thực tế ông điều chỉnh theo tình hình thực tế, mỗi một giai đoạn có một mục tiêu khác nhau, cách thức khác nhau. Ông ấy đã đưa ra những lựa chọn thích hợp.
Cuối cùng, là khi khi ông tấn công vào thành trì “blue wall” (bức tường xanh) tức là những bang từ trước đến nay vẫn bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ. Mọi người nói từ năm 1990, 1992, khi Clinton lên làm tổng thống, toàn bộ 100% dân ở những bang ấy đều bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Vì thế mà những ứng viên khác nghĩ không thể lật đổ được “bức tường xanh" đó. Nhưng Donald Trump lại có niềm tin điều đó hoàn toàn có thể thay đổi.
Niềm tin ấy là sự khác biệt của Donal Trump. Trong hai tuần lễ bầu cử cuối cùng, ông ấy tập trung tấn công vào 3 bang ấy. Còn bà Hillary tự tin đến mức coi 3 bang đó là bỏ trong túi rồi. Nên kết quả mới đầy bất ngờ.
Ở đây chúng ta quay lại câu chuyện niềm tin thôi. Để nắm chức tổng thống, Trump cần phải thắng được ở 3 bang đó. Nhiều người nghĩ không được, còn Trump thì tin có thể. Và cuối cùng ông đã làm được.
- Có ý kiến cho rằng cuốn sách này miêu tả hành trình thành tổng thống của Trump như ý Chúa. Ông nghĩ sao về quan điểm đó?
- Tôi không nghĩ như vậy. Người ta chỉ dẫn ra một câu chuyện khoảng 2 năm trước, khi tác giả Stone đến gặp Trump bàn việc vận động ra tranh cử. Ông Stone đến thuyết phục Trump ở lại nói chuyện với ông, trong khi Trump lùi lại chuyến bay để ở lại. Cả ê-kíp của ông bay trước, và chuyến bay đó đã gặp tai nạn thương tâm. Và Stone nói ngay từ lúc đó ông nhận ra Trump ở lại, sống sót là vì một sứ mệnh lớn.
Đó chỉ là một câu chuyện ngẫu nhiên thôi. Giả sử Trump lên chuyến bay đó cùng mọi người, biết đâu máy bay lại không rơi. Câu chuyện “ý Chúa” là câu chuyện của tác giả sách, không phải vấn đề chính.
- Sách xuất bản khi cuộc bầu cử đã qua một năm, vậy nó đến bạn đọc Việt vào thời điểm này còn có ý nghĩa gì?
- Chúng ta đang chờ đợi những cuốn sách về Donald Trump nhưng không bởi cuộc bầu cử nữa, mà chúng ta quan tâm nước Mỹ đang như thế nào, các chính sách mới của Mỹ ra sao… Để có được sự giải đáp cho những vấn đề đó, phải dựa trên những con số và dữ liệu.
Những con số, tham số đó phải dựa trên những gì Donald Trump đã tuyên bố khi vận động. Đến giờ ông ta vẫn đang thực hiện những gì mình tuyên bố khi đó. Đây thực sự là điều mà cử tri ủng hộ đánh giá rất cao, giữ lời hứa khi tranh cử.
Cuốn sách này cũng giúp ta hiểu hơn về con người, tính cách, số phận. Biết được tuyên bố, dự định, cách thức Donald Trump vận hành chiến dịch tranh cử đó như thế nào. Cũng giúp ta hình dung Donald Trump hình thành nội các và vận hành nó ra sao.
- Ông đánh giá cao ông Donald Trump ở những điểm nào?
- Thứ nhất đó là con người dũng cảm. Khi ông ra ứng cử, 80% lãnh đạo đảng Cộng hòa đều không ủng hộ. Bao nhiêu người tẩy chay, 90% báo chí Mỹ nói xấu, cười nhạo nhưng ông ấy không bỏ cuộc.
Bằng này tuổi ông ta theo đuổi con đường chính trị không phải vì kinh tế, vì doanh nghiệp của ông ta nữa. Ở Mỹ, theo đuổi chính trị không phải lúc nào cũng có thể làm cho giá trị doanh nghiệp của mình tăng lên. Do đó ông rất dũng cảm, chống lại đảng Dân chủ, nhóm Cộng hòa, báo chí… và toàn bộ cuộc sống của một doanh nhân sẽ bị đảo lộn dưới sự quan sát, soi mói của công chúng.
Thứ hai, ông ấy rất kiên trì. Khoảng năm 1980 ông ta bắt đầu kinh doanh bất động sản. Khi là sinh viên ông đã có 200.000 USD. Đến năm 1980, ông đã đề xuất xây một Trung tâm Hội nghị ở New York. Ông ta vẽ ra một dự án hết 110 triệu USD. Thành phố không nghe, không tin, triển khai dự án đó với 470 triệu USD, tức gấp bốn lần kinh phí.
Nhưng lần sau ông ta đã chứng minh mình đúng. Một dự án của thành phố đình trệ, kéo dài, tăng vốn lên 1,7 tỷ USD, rút cuộc ông thực thi với giá một nửa. Ở trên ông chỉ nói, ở dưới ông làm thật. Ông có năng lực vận hành, thực thi được rất nhiều dự án. Ông biến nền đất của một nhà máy cũ thành Trump Tower.
Thứ ba, Donald Trump là người rất sáng tạo và táo bạo. Ông sử dụng một doanh nhân làm bộ trưởng ngoại giao. Ông sử dụng các doanh nhân làm chính trị, từ bộ trưởng thương mại tới giáo dục…
Nội các của ông toàn những người tuyên bố “chúng tôi vào đây làm bộ trưởng nhưng không bận tâm đến lương”. Họ đã rất giàu rồi nên không nhận thêm. Đó là những điều phi truyền thống và nhiều khi là chưa từng có tiền lệ trước đây.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/donald-trump-con-nguoi-dung-cam-kien-tri-va-sang-tao-a186173.html