(Pháp lý) - Cách đây chưa lâu, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Tiếp cận Thông tin (LTCTT), tạo hành lang pháp lý quan trọng cho người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Gần đây, trước yêu cầu của thực tiễn, dự Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BVBMNN) được đưa ra lấy ý kiến. Xung quanh dự Luật đặc biệt quan trọng này, Phóng viên Pháp lý ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết từ các chuyên gia.
Thực tiễn nhiều bất cập
Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001. Báo cáo của các bộ, ban ngành cho hay, thời gian qua đã phát hiện hàng trăm vụ lộ bí mật nhà nước. Trên thực tế việc lộ, mất các thông tin có nội dung bí mật nhà nước trên Internet, báo chí, hội thảo quốc tế cũng khá phổ biến. Bên cạnh đó, do chưa có quy định pháp lý về mức độ tuyệt mật, tối mật hay "mật" nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau và có tình trạng tùy tiện: Không mật lại đóng dấu mật.
Những người làm báo còn nhớ câu chuyện của Phóng viên Nguyễn Thị Lan Anh (bút danh Lan Anh), Phóng viên phụ trách mảng y tế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội. Cô từng phải nhận quyết định khởi tố bị can từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Không ít đồng nghiệp đã ngỡ ngàng trước thông tin PV Lan Anh bị khởi tố vì một bản tin liên quan đến "cuộc đấu tranh" với "giá thuốc trên trời", bảo vệ cho người nghèo... Cụ thể, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 28/4/2004, trả lời đông đảo báo giới về những vấn đề của ngành y tế mà dư luận đang quan tâm - trong đó có vấn đề bình ổn về giá thuốc và những khuất tất ở Công ty Zuellig Pharma VN - chánh thanh tra Bộ Y tế khi đó là ông Trần Quang Trung cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề của Công ty này.
Cũng tại cuộc họp báo này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính của Bộ Y tế khi đó là ông Dương Huy Liệu còn cho báo giới (có Phóng viên Lan Anh dự) biết trong nội dung trình Thủ tướng có việc đề nghị phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma VN. Trước tin như vậy, ngày 20/5/2004, có ít nhất hai tờ báo lớn khác là Nhân Dân, Lao Động cũng đưa tin về việc Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ công văn trên.
Bản tin của Phóng viên Lan Anh được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 20/5/2004, thời gian này Quốc hội đang nhóm họp. Bản tin đó như một sự kiện nằm trong chuỗi đề xuất biện pháp giải quyết căn cơ vấn đề giá thuốc mà các nhà báo đều theo đuổi. Hơn bảy tháng sau, ngày 5/1/2005, Phóng viên Lan Anh bị khởi tố vì được qui là đã “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” để viết bản tin ngắn trên.
Trong vụ này, Phóng viên chỉ thông tin cơ quan có trách nhiệm là Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức thanh tra toàn diện... Nhưng vì công văn này đóng dấu mật cho nên mới có chuyện. Sau này, các cơ quan chức năng xác định không có động cơ cố ý làm lộ bí mật mà do thiện chí và trách nhiệm của nhà báo nên phóng viên đã khai thác thông tin. Đó là một vụ việc đáng tiếc nhưng cũng gián tiếp nói lên thực trạng lạm dụng mật hóa, cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân, nhà báo, dẫn đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận. Điều đó cho thấy, cần có những quy định hợp lý hơn về vấn đề bí mật nhà nước để hạn chế những vụ việc đáng tiếc như trên.
Những vấn đề cần quan tâm Luật hóa
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Việc xây dựng Luật BVBMNN nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi và bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, yêu cầu đặt ra là việc xây dựng Luật BVBMNN phải bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật Cơ yếu đã ban hành.
Vấn đề đầu tiên cần quan tâm luật hóa đó là quy định về thời hạn giải mật bí mật nhà nước. Tờ trình của Bộ Công an cho biết, qua nghiên cứu pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của một số nước trên thế giới và để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa thông tin trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, Bộ đã nghiên cứu xây dựng quy định thời hạn giải mật bí mật nhà nước sẽ được giới hạn trong khoảng thời gian nhất định: 30 năm đối với bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật"; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ "Tối mật"; 10 năm đối với bí mật nhà nước độ "Mật". Đối với bí mật nhà nước đến thời hạn giải mật mà vẫn cần bảo vệ thì dự luật quy định "cơ quan soạn thảo, tạo ra bí mật nhà nước có quyền gia hạn thời hạn giải mật".
Việc in, sao, chụp bí mật nhà nước dự luật cũng quy định thoáng hơn quy định hiện hành (chỉ người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước hoặc người được ủy quyền mới có thẩm quyền quyết định việc in, sao, chụp bí mật nhà nước). Dự luật mở rộng thẩm quyền in, sao, chụp bí mật nhà nước đến cấp trưởng phòng.
Về thẩm quyền cung cấp bí mật nhà nước, dự Luật quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có thẩm quyền duyệt cung cấp bí mật nhà nước độ "Tối mật", "Mật" cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (pháp luật hiện hành – Nghị định 33 quy định Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền duyệt cung cấp bí mật nhà nước độ "Tối mật" cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài). Riêng cung cấp bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" vẫn do Thủ tướng Chính phủ duyệt (như quy định hiện hành).
Điểm khác biệt giữa dự Luật BVBMNN với Pháp lệnh BVBMNN hiện hành là không quy định cụ thể phạm vi bí mật nhà nước theo từng độ mật, mà quy định những vấn đề chung nhất liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc để các cơ quan, tổ chức, địa phương làm căn cứ xác định, xây dựng danh mục bí mật nhà nước.
Cơ quan soạn thảo đang xây dựng giữa hai phương án: Phương án 1 là Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" và "Tối mật" của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương (trên cơ sở thẩm định của Bộ Công an); Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" (sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lập danh mục bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật" thuộc lĩnh vực quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và ban hành danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" trong lĩnh vực quốc phòng. Phương án này đảm bảo sự ổn định của danh mục bí mật nhà nước hiện hành khi Luật BVBMNN có hiệu lực. Tuy nhiên, danh mục bí mật nhà nước ban hành sẽ không đồng bộ do Bộ trưởng Bộ Công an phải chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật" mới được ban hành danh mục bí mật nhà nước độ "Mật"; thời gian ban hành kéo dài, danh mục được ban hành không đáp ứng kịp với sự phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu công tác của các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Phương án 2 là Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước trên cơ sở thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng. Phương án này đề cao trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, danh mục bí mật nhà nước được ban hành đồng bộ, có hiệu lực đồng thời để triển khai thực hiện ngay trên thực tế; nhưng, sau khi Luật có hiệu lực phải sửa đổi toàn bộ hệ thống danh mục bí mật nhà nước hiện hành…
Phan Minh (tổng hợp từ nguồn: tuoitre.vn, duthaoonline.com)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-tu-thuc-tien-den-nhung-van-de-can-quan-tam-luat-hoa-a186026.html