Xử lý tham nhũng: Không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” được!

Đó là quan điểm của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khi phát biểu trước Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng...

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).)

Không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được!

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt những kết quả tiến bộ. Việt Nam là một quốc gia an toàn trong một thế giới còn nhiều biến loạn, phức tạp, đó là thành tựu lớn, đáng trân trọng và ghi nhận.

Tuy vậy, đại biểu cho rằng “cần thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế làm cho lòng dân chưa yên".

Đó là tình hình tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm nghiêm trọng diễn biến phức tạp. Nhiều vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài.

"Có hay không hành vi làm ngơ tiếp tay bảo kê cho phá rừng? Thật ngạc nhiên khi có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng không khởi tố được 1 bị can nào. Vậy tội phạm ở đâu hay cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta yếu kém bất lực?”, đại biểu băn khoăn.

Theo đại biểu Thắng, vừa qua, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này.

Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện đã vạch mặt ra những “con mèo ăn vụng” của dân, của nước. Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử.

Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được.

Không có chủ trương hành chính hóa các quan hệ hình sự

Báo cáo trước Quốc hội ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình làm rõ ý kiến một số đại biểu Quốc hội về việc có hay không việc hành chính hóa các quan hệ hình sự hoặc ngược lại hình sự hóa các quan hệ hành chính và dân sự.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, những vấn đề này đều không có chủ trương để thực hiện. Bộ Công an tuân thủ nguyên tắc không được làm oan người vô tội và không được bỏ lọt tội phạm.

Với 2 xu hướng này thì đều vi phạm nguyên tắc này. Nếu hình sự hóa các quan hệ hành chính dân sự thì tức là làm oan người ngay và dân sự hóa các quan hệ hình sự, tức là bỏ lọt tội phạm. 2 điều đó đều bị ngăn cấm và không có chủ trương để thực hiện những việc này.

Trong trường hợp xảy ra việc này thì nó lại là một vụ án hình sự khác vi phạm pháp luật, vì trong quá trình điều tra thực hiện nhiệm vụ tư pháp thì lại là một vụ án hình thành vụ án hình sự khác, điều đó dứt khoát không được để xảy ra. Các cơ quan tư pháp đều hoàn thành việc này và ngăn chặn các vụ việc, không để có hiện tượng này.

Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra tình trạng lạm dụng, tạm giữ hình sự, tạm đình chỉ, điều tra vụ án hình sự, đảm bảo thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

"Chính phủ mong muốn các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành quan tâm giúp đỡ các lực lượng chức năng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đầy cam go phức tạp, mang lại sự bình yên hạnh phúc cho từng người dân, từng gia đình và trong toàn xã hội", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi rất mong được các đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát hoạt động của cơ quan điều tra cũng như các cơ quan hoạt động tư pháp trong quá trình hoạt động tư pháp để ngăn chặn việc này, cũng như phát hiện để đấu tranh, xử lý những việc mà hiện tượng các đại biểu Quốc hội đã nêu”.

Theo Bizlive

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xu-ly-tham-nhung-khong-the-gio-cao-danh-khe-rung-cay-doa-khi-duoc-a186002.html