(Pháp lý) - Sáng ngày 23/10/2017 tại Hà Nội, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã được khai mạc. Tại kỳ họp này, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng của đất nước được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm. Theo đó, có 6 dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua.
Pháp lý xin điểm lại một số nội dung đáng lưu ý của 6 dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này.
Về cơ bản, các dự án Luật đã được các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng quy định. Các dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.
Dự Luật Quản lý nợ công (sửa đổi): Đề xuất Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nợ công
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) lần này tập trung làm rõ phạm vi, công cụ, quy định về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; phân định rõ ràng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công với quản lý nợ công; tăng cường giám sát, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn nợ công; hoàn thiện công tác thống kê, kế toán, kiểm tra, thanh tra; tăng cường trách nhiệm giải trình gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công. Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới là hết sức cần thiết.
Trước khi kỳ họp thứ tư của Quốc hội diễn ra, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các thành viên Ủy ban cho rằng, việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công là cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ theo dõi và quản lý nợ công.
Dự Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi): Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật cần cân nhắc kỹ
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật này hiện có nhiều quan điểm trái chiều. Ủng hộ việc đổi tên dự án Luật thành Luật Lâm nghiệp, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Liệu việc đổi tên như vậy thì tác động liên quan tới bao nhiêu dự án luật đã dẫn chiếu theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, hiện chúng ta chưa rõ”. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và một số ý kiến cũng băn khoăn nêu câu hỏi khi việc đề xuất sửa tên Luật là Luật Lâm nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có những đánh giá toàn diện về tác động của luật hay chưa, việc đổi tên có thực sự không ảnh hưởng tới phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo đã xây dựng hay không? Và một số nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; trách nhiện của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng… Đây đều là những nội dung quan trọng cần được các ĐBQH tại kỳ họp thứ tư thảo luận kỹ lưỡng trước khi thông qua.
Dự Luật Thủy sản (sửa đổi): Đề cao vai trò, địa vị pháp lý của kiểm ngư
Hiện nay, vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn ra phức tạp, nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi đó công tác thanh tra ở vùng lộng và ven bờ kém hiệu quả do lực lượng thanh tra không có công cụ hỗ trợ; phương tiện, thiết bị kém; đặc biệt là trình tự thủ tục phải thực hiện theo pháp luật về thanh tra, không phù hợp với các hoạt động trên biển để xử lý những tình huống khẩn cấp; chế độ chính sách cho lực lượng này cũng chưa tương xứng, trong khi hoạt động có nhiều rủi ro. Mặt khác, yêu cầu của quốc tế, đặc biệt là EU (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống, bộ máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật về khai thác thủy sản trên biển đủ mạnh để ngăn chặn được các hành vi đánh bắt bất hợp pháp.
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất có kiểm ngư trung ương, riêng kiểm ngư cấp tỉnh còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể: Chính phủ trình cho phép thành lập kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển; ý kiến khác đề xuất chỉ thành lập kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.
Qua thảo luận, ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết có lực lượng kiểm ngư. Nêu quan điểm việc thành lập lực lượng Kiểm ngư ở Trung ương và địa phương là cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất theo phương án 2, thành lập Kiểm ngư tại một số tỉnh làm điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra.
Dự Luật Quy hoạch: Nhiều quy định quan trọng sẽ được soi xét kỹ
Đây là dự Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV; đồng thời, Dự Luật đã được xin ý kiến tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Dự Luật đã được chỉnh lý và trình xin ý kiến Quốc hội một số nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị chuyển nội dung quy định về tư vấn phản biện độc lập hiện quy định tại Điều 18 sang Điều 30 do việc lấy ý kiến của tư vấn phản biện độc lập đối với quy hoạch được áp dụng tại giai đoạn thẩm định quy hoạch và do Hội đồng thẩm định thực hiện. Còn nội dung của Điều 18 về việc lấy ý kiến về quy hoạch tại giai đoạn lập quy hoạch và do cơ quan lập quy hoạch thực hiện. Tư vấn phản biện độc lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân; do vậy, tư vấn phản biện độc lập không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, tư vấn phản biện độc lập vẫn phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Chính phủ.
Thứ hai, đề nghị bổ sung nội dung thành lập cơ quan lập quy hoạch tại Điều 16 để làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch. Việc thành lập cơ quan lập quy hoạch được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ là “Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.” Việc thành lập cơ quan lập quy hoạch theo quy định nói trên không phải là thành lập mới hay làm phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, nhân sự vì cơ quan này hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và giải thể sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Thứ ba, đề nghị chỉnh lý quy định “Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch chi tiết để thực hiện dự án quan trọng quốc gia…” tại khoản 3 các Điều 23, 24 và khoản 6 Điều 26 thành “Việc triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…”. Đây là các quy định về việc áp dụng pháp luật liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện danh mục dự án quan trọng quốc gia trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng cần thiết phải lập quy hoạch chi tiết để tổ chức triển khai. Vì vậy, việc quy định như dự thảo sẽ không bao quát đủ hết các trường hợp xảy ra trong thực tế.
Thứ tư, đề nghị chỉnh lý, làm rõ thêm việc quy định tại khoản 3, Điều 27 và khoản 3, Điều 28 của dự thảo Luật Quy hoạch để thống nhất với pháp luật khác có liên quan và để triển khai cụ thể nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm tính khả thi trong triển khai quy hoạch được lập theo luật này.
Dự Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Tính pháp lý của ngân hàng 0 đồng sẽ được làm rõ
Xuất phát từ thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều đại án tại một số ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này được quan tâm đặc biệt.
Quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và tính pháp lý của “ngân hàng 0 đồng” là những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Về cơ chế, điều kiện, tiêu chí chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng như chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cũng là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần làm rõ bản chất pháp lý của phương án chuyển giao bắt buộc cũng như làm rõ sự khác nhau giữa chuyển giao bắt buộc và mua 0 đồng. Dự Luật mới nhất quy định phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là một trong 4 phương án gồm: phương án phục hồi; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn băn khoăn về quy định quyền của cổ đông, khi mà Hiến pháp đã quy định rõ về bảo hộ tài sản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận các phương án xử lý cuối cùng với ngân hàng mua lại 0 đồng còn lúng túng, vì thiếu quy định pháp lý, không đủ cơ sở để Chính phủ áp dụng. Nếu không có cơ sở pháp luật thì Chính phủ không đủ cơ sở pháp lý để xử lý đối với ngân hàng đã mua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm vấn đề này. Không dùng từ “0 đồng” mà dùng chuyển giao bắt buộc nhưng phải làm rõ điều kiện và khi nào chuyển giao bắt buộc và phải xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.
Dự Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài (sửa đổi): Chế độ phù hợp dành cho thành viên cơ quan đại diện
Lần sửa đổi mới này, dự Luật kế thừa phần lớn các quy định còn phù hợp của Luật cơ quan đại diện hiện hành và chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản về một số nhiệm vụ lãnh sự, nhiệm vụ thông tin đối ngoại, quản lý kinh phí, tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn của cơ quan đại diện…
Đa số ý kiến ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá dự Luật được chuẩn bị công phu, đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có tổng kết thực tiễn…
Liên quan đến chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực ASEAN để có quy định phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng, một trong những khó khăn trong hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là cơ chế chính sách, nên cần sửa đổi, bổ sung các quy định này sao cho có được cơ chế gọn hơn, thoáng hơn.
Xem xét cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng khác
Đây là kỳ họp cuối năm của Quốc hội, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, Quốc hội còn tập trung thời gian cho việc thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội. Đồng thời tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 Nghị quyết; thảo luận, xem xét một số báo cáo quan trọng, như báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, báo cáo công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng 2017…; đồng thời, thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật, cải cách bộ máy nhà nước giai đoạn 2011-2016...
Thành Nguyễn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/6-luat-duoc-quoc-hoi-xem-xet-thong-qua-co-gi-dang-chu-y-a185982.html