Thách thức an ninh, thương mại trong chuyến thăm châu Á của ông Trump

An ninh và thương mại sẽ là các chủ đề thu hút sự chú ý trong chuyến thăm chính thức châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un)

Theo AP, chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là chủ đề chính trong phần đầu của chuyến thăm châu Á của ông Trump bắt đầu từ ngày 5/11 tới.

Trong những ngày qua, Triều Tiên khăng khăng cho rằng những phát biểu và bình luận mang tính đe dọa của ông Trump mâu thuẫn với chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên trong nhiều thập kỷ và rằng những phát biểu đó đã chứng minh quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một biện pháp phòng thủ chứ không chỉ là ví dụ của sự phản kháng.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên trong suốt tuần qua đã liên tục xoáy sâu vào lập luận này. Một bài xã luận trên tờ báo của đảng cầm quyền Triều Tiên nói rằng nếu Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân, “chủ quyền và toàn vẹn quốc gia của nước này sẽ bị Mỹ xâm phạm”. Theo AP, Triều Tiên từ lâu tin rằng những phát biểu của ông Trump có thể giúp nước này nhận được sự thông cảm giữa những bên có thể có bất đồng với ông.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể sẽ được hưởng lợi từ sự mâu thuẫn giữa với Nhật Bản và Hàn Quốc hay Trung Quốc trong vấn đề thương mại khu vực hoặc chia sẻ gánh nặng quân sự. Tại một cuộc họp báo ngắn về chuyến đi, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên hơn bao giờ hết nhưng cũng nói thêm rằng Mỹ muốn Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh Triều Tiên được cho là sẽ quan sát kỹ cuộc gặp giữa ông Trump với lãnh đạo các nước có liên quan, theo các nhà bình luận của AP, trong vấn đề Triều Tiên, ông Trump càng tỏ ra rõ ràng và dứt khoát càng tốt.

Thương mại cũng được dự báo sẽ là một thách thức mà ông Trump phải giải quyết hài hòa trong chuyến thăm. Thời gian qua, ông Trump thường cáo buộc châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản là nguyên nhân của những vấn đề kinh tế của Mỹ. Theo đó, ông Trump cho rằng Mỹ thường xuyên thâm hụt thương mại với hầu hết các nước châu Á và đe dọa áp các lệnh trừng phạt hoặc tăng thuế xuất khẩu đối với hàng hóa từ khu vực.

Quyết định rút Mỹ khỏi TPP của ông Trump cũng đang khiến 11 nước còn lại phải thảo luận để thúc đẩy một thỏa thuận mà không có Mỹ. Dự kiến, các bên sẽ đạt được một thỏa thuận tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam. Do đó, các thỏa thuận song phương mà ông Trump ủng hộ có thể sẽ được Tổng thống Mỹ đề cập trong các chặng dừng chân tại Tokyo, Bắc Kinh và thủ đô các nước khác. Biển Đông là một vấn đề quan trọng khác được trông đợi trong chuyến thăm của ông Trump. Trong chuyến thăm, ông Trump được mong đợi sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng như cam kết mạnh mẽ của nước này đối với khu vực.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ tới Hawaii, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines từ ngày 3 đến 14/11. Ông Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11, sau khi dự Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng.

Phát biểu với báo giới ngày 2/11, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định, trong chuyến thăm châu Á lần này, Mỹ sẽ nêu ra một số vấn đề trọng tâm bao gồm vấn đề Triều Tiên, Biển Đông, thương mại cởi mở công bằng và bền vững, Ấn Độ Dương cũng như các thách thức nổi lên của khu vực. “Mỹ cam kết rõ ràng về sự có mặt ở châu Á và tương lai của nước Mỹ là ở châu Á và một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở sẽ rất có lợi cho Mỹ”, ông Osius nhấn mạnh. Đại sứ Mỹ cũng cho biết, Đại sứ Daniel Kritenbrink - người kế nhiệm ông - sẽ tháp tùng Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Đà Nẵng.

Theo Bao Datviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thach-thuc-an-ninh-thuong-mai-trong-chuyen-tham-chau-a-cua-ong-trump-a185838.html