Vì sao Việt Nam quyết định gia nhập APEC năm 1998?

Gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998 cùng với Nga và Peru, dù được xem là thành viên "mới nhất", vị thế và vai trò của Việt Nam trong diễn đàn ngày càng được nâng cao.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (màn hình) phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 ngày 14-11-1998, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (màn hình) phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 ngày 14-11-1998, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: TTXVN)

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC vào tháng 11-1998 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Gia nhập APEC khẳng định quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế mà Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.

Tiếp theo việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998 đã thể hiện sinh động hình ảnh một Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực vào xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực.

Tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam là gì?

10.2
APEC có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, là minh chứng về chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

APEC cũng là nơi để Việt Nam triển khai, cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác dài hạn đã được thiết lập với nhiều đối tác trong khu vực. Đó là các khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 13/21 nền kinh tế thành viên APEC, các FTA đã ký kết với 18/20 đối tác là thành viên APEC.

Nhiều nền kinh tế thành viên của APEC là những hình mẫu của thế giới về liên kết và tăng trưởng kinh tế. Do đó, tham gia hợp tác APEC, Việt Nam có điều kiện học tập kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, làm tốt hơn quá trình chuẩn bị trong nước để tận dụng cơ hội của các liên kết kinh tế quốc tế thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hội nghị cấp cao APEC 2016 ở Peru - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hội nghị cấp cao APEC 2016 ở Peru - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Thương mại, đầu tư, giao lưu con người với các nền kinh tế APEC là những nguồn lực rất quan trọng để đưa phát triển của Việt Nam lên một giai đoạn mới theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế.

Những đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với hợp tác APEC

Trong gần 20 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC.

Nổi bật là việc đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC lần đầu tiên năm 2006, tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18 và hơn 100 sự kiện khác, đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế.

Năm APEC 2006, dưới sự chủ trì của Việt Nam, lần đầu tiên APEC xác định triển vọng dài hạn hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), thông qua "Kế hoạch hành động Hà Nội" nhằm thực hiện Mục tiêu Bogor và gói biện pháp cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của APEC. Đây là dấu ấn quan trọng trong tiến trình hợp tác APEC mà Việt Nam góp phần thúc đẩy với tư cách chủ nhà APEC 2006.

Ngoài các Hội nghị cấp SOM trở lên khi là chủ nhà Năm APEC, Việt Nam còn đảm nhiệm công tác điều phối của nhiều cơ chế hợp tác APEC ở cấp Ủy ban và Nhóm công tác, Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội (2014).

Áo dài Việt tại APEC: 8 tháng tìm tòi, 80 lần dệt thử

 Các lãnh đạo APEC mặc áo dài Việt Nam chụp ảnh chung tại APEC 2006 - Ảnh chụp màn hình
Các lãnh đạo APEC mặc áo dài Việt Nam chụp ảnh chung tại APEC 2006 - Ảnh chụp màn hình)

Việc các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên mặc trang phục truyền thống dân tộc của chủ nhà khi chụp ảnh chung nhân dịp Hội nghị Cấp cao đã trở thành một thông lệ khá thú vị và rất đặc trưng của APEC từ năm 1993 đến nay.

Mẫu trang phục các nhà Lãnh đạo mặc dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2006 là sản phẩm hợp tác giữa nhà thiết kế Minh Hạnh của Viện Mẫu thời trang FADIN và ông Hồ Viết Lý, chủ doanh nghiệp dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh. Đó là kết quả của quá trình hơn 8 tháng tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện của hơn 50 nghệ nhân, với 80 lần dệt may thử.

Bộ áo dài khăn đóng thể hiện rõ bản sắc Việt Nam, đề cao tính chính trực và quân tử - thể hiện qua trục dọc, ngang của chiếc áo và hình chữ "nhân" của vành khăn, cũng như triết lý "ngũ luân" - thể hiện qua 5 nút cài. Nhà thiết kế đã có những điều chỉnh sáng tạo để trang phục vừa giữ được những nét truyền thống và giá trị văn hoá dân tộc, có sự hoà hợp Đông - Tây và bảo đảm sự tiện lợi cho các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC.

Về chất liệu, nhà thiết kế lựa chọn lụa tơ tằm với sợi tự nhiên của Việt Nam, vốn được bạn bè quốc tế rất ưa chuộng. Để áo dài mặc vào được cứng cáp, oai nghiêm, vải lụa được se, nhuộm rất kỹ và dệt theo nhiều cấu hình, khi may có thêm đường viền mỏng để tà áo thật thẳng. Về họa tiết, nhà thiết kế chọn hoa sen - biểu tượng truyền thống của dân tộc, thể hiện sự thanh cao, tinh khiết cũng như sức sống mạnh mẽ và ý chí bền bỉ vươn lên của đất nước và con người.

Theo Tuoitre

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-viet-nam-quyet-dinh-gia-nhap-apec-nam-1998-a185763.html