KTNN lưu ý kiểm toán việc sử dụng đất đai tại các đơn vị làm kinh tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...
Đó là một trong nhiều nội dung trong bản kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đưa ra lấy ý kiến Quốc hội.
Tại nội dung báo cáo, Ủy ban Tài chính Ngân sách đặc biệt lưu ý, kiểm toán tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn tham nhũng.
Như, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2015 - 2017. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016. Đánh giá hiệu quả của việc hỗ trợ đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế, quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, việc quản lý và sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế...
Định hướng tiếp theo là tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm, chỉ rõ các sai phạm phát hiện được trong quá trình kiểm toán để kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản công; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng để làm rõ bản chất của các sai phạm có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.
Đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cơ quan của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần lưu ý kiểm toán việc sử dụng đất đai và các đơn vị làm kinh tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ở một số địa phương được dư luận quan tâm có liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị như Hà Nội, Tp.HCM...
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng thực tiễn lực lượng vũ trang đang quản lý một khối lượng đất đai tương đối lớn, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng đã có sự thay đổi theo từng điều kiện lịch sử cụ thể.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói thẳng về đất quốc phòng...
“Trong điều kiện mới, như những khu vực trước đây là đất quốc phòng nhưng bây giờ do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bức bách quá, nếu trong điều kiện chuyển giao dành lại đất đó cho phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng lớn đến thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của quốc phòng, an ninh thì có lẽ nên chuyển giao”, ông Trần Văn Lâm nói.
Mặc dù vậy, vị đại biểu cũng đặc biệt lưu ý đối với những vị trí trọng yếu, dành riêng cho mục đích an ninh quốc phòng thì tuyệt đối không được xâm phạm.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/trinh-ke-hoach-kiem-toan-dat-bo-cong-an-quoc-phong-a185655.html