Theo Báo cáo số 365/BC-CP của Chính phủ trình Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Khoá XIV, trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25-05-2017); tổ chức, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông triển khai việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, gắn với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03-02-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; kết quả công tác PCTN nhất là những thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm.
Năm 2017, hơn 2,4 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN với hơn 27 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được tổ chức và trên 187 nghìn cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú: Lễ hội Minh thề (hội thề không tham nhũng) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giải báo chí toàn quốc với chủ đề “Báo chí với công tác PCTN, lãng phí”... được triển khai đã bám sát hướng dẫn số 27-HD/BTGTW ngày 20-02-2017 của ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền về PCTN, lãng phí và “Tài liệu tuyên truyền về công tác PCTN, lãng phí” phục vụ công tác tuyên truyền về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 3 khóa X và Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; giám sát các hoạt động PCTN; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập ở các xã, phường đã phát huy tốt vai trò giám sát ở cơ sở, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, thể hiện rõ thiện chí hợp tác và hội nhập, mặt khác luôn giữ vững lập trường chính trị, khẳng định độc lập và chủ quyền của Việt Nam, góp phần củng cố và nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc thực thi Công ước; đã sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp thực hiện Công ước; triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia tự đánh giá việc thực thi công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo chu trình đánh giá thứ 2 (Theo kết quả bốc thăm vào tháng 6-2017, Việt Nam sẽ được đánh giá chu trình thứ 2 về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng bởi các chuyên gia của Indonesia và Hondurass). Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công các hoạt động của Nhóm công tác bảo đảm minh bạch và phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ APEC 2017 được các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao.
Theo Báo Nhân Dân
Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-ket-qua-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-ve-phong-chong-tham-nhung-a185461.html