Trung Quốc: Nữ Bộ trưởng Tư pháp “ngã ngựa”

“Trung Quốc đã lập án điều tra đối với 43 Ủy viên Trung ương”, là tuyên bố hôm 19-10 của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng quốc gia Dương Hiểu Độ.

 Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Ngô Ái Anh
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Ngô Ái Anh)

Phó Chủ nhiệm Dương Hiểu Độ cho biết, kể từ Đại hội 18, Trung Quốc đã lập án điều tra đối với 440 cán bộ cấp tỉnh, bộ và cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Tổ chức Trung ương, trong đó có 43 Ủy viên Trung ương và Ủy viên dự khuyết, 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hơn 8.900 cán bộ cấp cục, sở, và 63.000 cán bộ cấp huyện, phòng.

Trong số những người bị “sờ gáy” dư luận quan tâm tới cựu Bộ trưởng Tư pháp bởi bà Ngô Ái Anh là người tại vị lâu nhất của bộ này và vừa bị khai trừ đảng vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Việc này diễn ra hôm 14-10, sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khoá 18. Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, bà Ngô Ái Anh có "những vấn đề nghiêm trọng về kỷ luật", nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Đây là lần đầu tiên bà Ngô Ái Anh (nữ Bộ trưởng Tư pháp thứ hai của Trung Quốc) bị nêu đích danh sau khi rời ghế Bộ trưởng Tư pháp hồi tháng 2-2017. Ông Trương Quân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được bổ nhiệm thay thế bà Ngô Ái Anh làm Bộ trưởng Tư pháp.

Vì không công bố những vi phạm của nữ Bộ trưởng Tư pháp, nên dư luận có những bàn luận khác nhau. Theo đó, bà Ngô Ái Anh “ngã ngựa” vì có liên quan tới bê bối của Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư pháp Lữ Ân Quang (sinh năm 1958), người có biệt danh “cán bộ 5 giả” - từ tuổi tác, hồ sơ đảng, lý lịch, kinh nghiệm công tác đến hoàn cảnh gia đình. Gần 10 tháng trước (16-12-2016), ông Lữ (Lô) Ân Quang bị bắt để điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Bà Ngô Ái Anh khi đương chức
Bà Ngô Ái Anh khi đương chức)

Ngày 26-5, ông Lữ Ân Quang bị khai trừ khỏi đảng. Ngày 3-6, Viện Kiểm sát tối cao lập hồ sơ điều tra, khởi tố ông Lữ Ân Quang về tội đưa hối lộ. Nhờ làm giả hồ sơ nên ông Lữ Ân Quang từ chủ xí nghiệp thủy tinh tư nhân ở huyện Dương Cốc, thành phố Liễu Thành, tỉnh Sơn Đông, trở thành quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp.

Theo kết quả điều tra, ông Lữ Ân Quang đã sửa năm sinh từ 1958 thành 1965, có 7 con nhưng chỉ khai có 2. Tuy học chưa xong Phổ thông trung học, nhưng ông Lữ Ân Quang vẫn thăng tiến nhanh như diều gặp gió nhờ bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ giả. Chỉ trong 6 năm (1997-2003), ông Lữ Ân Quang được thăng chức tới 6 lần - từ Phó Chủ tịch Chính hiệp huyện lên Tổng biên tập tờ Thời báo Hoa Hạ. 10 năm trước (2007-2017), ông Lữ Ân Quang được bổ nhiệm làm “quan lớn” của Bộ Lao động xã hội. Và tuy không có kinh nghiệm trong hệ thống chính pháp, nhưng ông Lữ Ân Quang vẫn được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư pháp.

Được biết, có hơn 20 cán bộ lãnh đạo đã nhận hối lộ để đưa ông Lữ Ân Quang leo lên các vị trí khác nhau. Khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố thông báo kỷ luật, ông Lữ Ân Quang là lãnh đạo đầu tiên của Bộ Tư pháp bị “ngã ngựa” từ Đại hội 18. Được biết, ông Lữ Ân Quang rất biết cách quan tâm tới đời sống của cấp trên - tuần nào cũng đem thịt và rau các loại đến tặng, nhà lãnh đạo có thứ gì bị hỏng đều được sửa chữa kịp thời.

Theo tờ Quả táo (xuất bản tại Hongkong), một trong những nguyên nhân khiến bà Ngô Ái Anh quan tâm đặc biệt tới ông Lữ Ân Quang vì họ cùng quê - tỉnh Sơn Đông. Bà Ngô Ái Anh sinh ra (tháng 12-1951) trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Xương Nhạc, tỉnh Sơn Đông, và thăng tiến từ ghế Hội trưởng phụ nữ của đội sản xuất ở quê.

Nữ cựu Bộ trưởng Tư pháp phát triển bằng con đường đoàn thanh niên - từ Bí thư đoàn khu Xương Hoài, Phó bí thư tỉnh đoàn, tới Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh. Trước khi được ngồi ghế Phó bí thư kiêm Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Đông năm 2002, bà Ngô Ái Anh là Phó tỉnh trưởng và Phó Bí thư tỉnh ủy Sơn Đông. Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp (từ tháng 7-2005 đến tháng 2-2017), bà Ngô Ái Anh là Phó bí thư, Thứ trưởng Bộ Tư pháp./.

Theo  Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trung-quoc-nu-bo-truong-tu-phap-nga-ngua-a185385.html