(Pháp lý) - Luật hóa vai trò của Đảng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN), theo ông Vũ Quốc Hùng là cần thiết và hợp lý. Trong khi đó, theo tướng Độ, vấn đề này là không nên. Tướng Độ nhấn mạnh, với tội phạm tham nhũng cần đặt hoạt động điều tra lên hàng đầu mới hiệu quả.
Ông Vũ Quốc Hùng: Luật hóa vai trò của Đảng thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng là hợp lý
Ông Vũ Quốc Hùng nhận xét, để xảy ra các vụ tham nhũng lớn thời gian gần đây là bài học quá đau xót trong công tác quản lý. Trong đó phải kể đến các vụ việc xảy ra tại Vinashin, Vinalines và các đại án xảy ra ở nhiều ngân hàng, đã khiến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý, như vậy chúng ta vừa mất cán bộ, thiệt hại kinh tế rất lớn và mất niềm tin của nhân dân.
Nói về nguyên nhân để xảy ra các vụ tham nhũng lớn, ông Hùng cho rằng là do hạn chế của quản lý nhà nước, đồng thời công tác thanh tra và kiểm tra phát hiện những sai phạm còn yếu. Chúng ta chưa có cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả nên để hiện tượng lộng quyền, lạm quyền xảy ra.
Nói về công tác giám sát, thanh kiểm tra hiện nay, ông Hùng cho rằng: trong nhiều tài liệu của Đảng đã nêu rõ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là một bộ phận của quản lý chứ không chỉ là công cụ của Thanh tra Chính phủ hay Uỷ ban Kiểm tra các cấp. Do đó, chính người đứng đầu chính quyền phải kiểm tra, giám sát bởi không có kiểm tra, giám sát thì không có chính quyền lãnh đạo. Thực tế cho thấy công tác kiểm tra giám sát còn yếu. Vì sao lại yếu? Chúng ta phải suy nghĩ về cơ chế, cơ cấu, về chuyện có tâm lý nể nang không, có chỗ nào bị mua chuộc không, có đùn đẩy cho nhau không?
Nói về các quy định liên quan đến vai trò của các cơ quan Đảng được bổ sung vào dự thảo Luật PCTN, ông Hùng cho hay: Điều 4, Hiến pháp ghi rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”. Trong giai đoạn hiện nay, PCTN là một nhiệm vụ then chốt của Đảng. Do đó, theo ông Hùng, việc bổ sung quy định về vai trò, chức năng, thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng vào Luật PCTN (sửa đổi) sẽ giúp rành mạch, rõ ràng hơn những trách nhiệm của cơ quan kiểm tra với Đảng viên.
Trong Luật PCTN trước đây, chưa có quy định về vai trò của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong PCTN nhưng thực tế Ủy ban này đã và đang làm nhiệm vụ chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng nghiêm trọng ở các cơ quan cấp cao. Ủy ban kiểm tra Trung ương kiểm tra trước rồi sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc. Thực tế đã có nhiều quy định về vai trò của Ủy ban kiểm tra Trung ương đối với hoạt động chống tham nhũng như trước khi bắt một Đảng viên thì Đảng viên sẽ bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận về sai phạm, khai trừ khỏi Đảng. Bởi vậy, Ông Hùng đánh giá thể chế quy định như vậy là cần thiết và hợp lý. “Quy định như vậy là tốt nhưng cần nghiên cứu để thể chế hợp lý, các cơ quan không bị chồng chéo về nhiệm vụ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi đặt ra của Phóng viên, khi Ủy ban Kiểm tra làm nhiệm vụ chống tham nhũng thì cơ quan nào là cơ quan giám sát hoạt động của Ủy ban này? ông Hùng cho rằng: Trung ương Đảng sẽ là cơ quan giám sát hoạt động Chống tham nhũng của Ủy ban kiểm tra Trung Ương. Quốc hội cũng có thể có ý kiến khi Ủy ban kiểm tra Trung Ương Đảng thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi quy định trong Luật vai trò của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong chống tham nhũng, ông Hùng đặc biệt lưu ý vấn đề phẩm cách của người làm công tác kiểm tra. Ông Hùng cho rằng, người làm công tác kiểm tra phải là những người hiểu biết, liêm chính và thực sự chí công vô tư.
Tướng Trần Văn Độ: “Chúng ta đang làm một quy trình ngược”
Nói về tình trạng tham nhũng, Tướng Độ cho rằng: Những năm qua, tình hình tham nhũng ngày càng “phát triển”, hầu như lĩnh vực nào cũng có, quy mô rất lớn, có những vụ lên tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta có nhiều cơ quan chỉ đạo PCTN của Đảng, các cơ quan chống tham nhũng ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, cơ quan thanh tra ở các bộ ngành, địa phương... nhưng thực tế đều hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt trong những vụ tham nhũng lớn thì “dây mơ rễ má” rất lớn, những tổ chức, cơ quan thông thường không đủ quyền lực, quyền hạn để phát hiện, điều tra và xử lý. Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Tướng Độ cho rằng: Chúng ta để lợi ích nhóm tồn tại lâu quá! Hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế. Đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước “có vấn đề”.
Mặc dù là người lên tiếng đề nghị nhiều lần về việc thành lập một Ủy ban độc lập thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, nhưng khi Phóng viên hỏi quan điểm của Tướng Độ về vấn đề có nên luật hóa vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra Trung ương với hoạt động PCTN thì tướng Độ cho rằng không nên. “Ủy ban kiểm tra Trung ương có vai trò không thể phủ nhận trong hoạt động PCTN nhưng thể chế thế nào trong luật khi Ủy ban này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật PCTN? Đã có các quy định về hoạt động của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong các văn kiện, điều lệ của Đảng nên không cần quy định trong Luật PCTN. Tướng Độ lưu ý: Thực tế kinh nghiệm chống tham nhũng của Ủy ban kiểm tra kỉ luật Trung ương Trung Quốc là rất đáng học hỏi nhưng Ủy ban đó được giao trọng trách như một cơ quan tố tụng. Ủy ban kiểm tra Trung ương của chúng ta không có chức năng, nhiệm vụ tố tụng theo quy định của BLTTHS hiện hành.
Tướng Độ cảnh báo: Với tội phạm tham nhũng hiện nay chúng ta đang thực hiện một quy trình ngược. Kiểm tra, thanh tra rồi mới điều tra, trong suốt quá trình đó, tội phạm đã kịp bỏ trốn và tẩu tán tài sản. Nếu làm được theo một quy trình khác, đặt hoạt động điều tra lên hàng đầu thì mới có thể phát huy sức mạnh, hiệu quả chống tham nhũng. Tuy nhiên, tôi thấy các cơ quan quản lý hành chính dường như không muốn điều này…?
Minh Phan