Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng: Những chế định pháp lý quan trọng cần quan tâm giải quyết

(Pháp lý) - LTS: Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Do tính chất đặc biệt quan trọng của dự Luật và trước những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiều tháng nay, trên các diễn đàn, ĐBQH, chuyên gia pháp luật, nhà khoa học pháp lý và cử tri đã dành nhiều tâm huyết góp ý cho dự Luật. Nhân sự kiện pháp luật đặc biệt này, chuyên mục Diễn đàn – Luật gia, Pháp lý kỳ phát hành CT10/2017, Ban Biên tập dành chủ yếu thời lượng thông tin đăng tải các ý kiến góp ý phản biện xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật PCTN.

Những quy định mới thu hút lượng góp ý và phản biện nhiều

Đó là các quy định về giải pháp chặn lợi ích nhóm, sân sau của quan chức; quy định về kiểm soát tài sản; quy định về PCTN trong khu vực tư nhân; quy định về vai trò của các cơ quan Đảng trong chống tham nhũng...

Các giải pháp chặn đặc quyền đặc lợi

Việc đặc quyền cho người thân của quan chức là việc không mới. Nó thể hiện dưới nhiều hình thức như nhiều lãnh đạo địa phương bổ nhiệm người nhà, người thân vào những vị trí chủ chốt. Hay chuyện cán bộ quản lý, có người nhà, người thân làm trong lĩnh vực mình quản lý…hay việc quan chức dành đặc quyền kinh doanh cho người thân trong lĩnh vực mình phụ trách... là những việc khiến dân rất bức xúc thời gian qua.

Ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch không chuyên trách của MTTQ Việt Nam, từng nói về tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm khiến nhân dân rất bức xúc, rằng: “Quan chức thì có sân sau, doanh nghiệp thì cần sân trước… Tình trạng này đang tàn phá kinh tế đất nước”.

Để hạn chế tình trạng trên, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã có những quy định mới. Theo đó, lãnh đạo của các cơ quan (gồm người đứng đầu hoặc cấp phó) không được tuyển dụng, bổ nhiệm vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu (gọi tắt là người thân) làm một số công việc trong đơn vị. Đó là các việc như: Tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng...

Dự luật nêu rõ cấp có thẩm quyền không bố trí một nhân sự nào đó làm lãnh đạo khi có người thân làm các công việc nêu trên. Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh tế một nhân sự được dự kiến là lãnh đạo ở cơ quan nhà nước, nhưng lại có người thân tham gia quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp hoặc kinh doanh trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan đó, thì nhân sự này sẽ không được bổ nhiệm. Dự thảo luật quy định nhân sự được dự kiến bố trí là lãnh đạo nhưng có người thân làm việc và kinh doanh như nêu trên, thì phải có trách nhiệm báo cáo với tổ chức để tổ chức bố trí công tác khác cho mình.

Một vụ việc nổi cộm gần đây đó là việc bà Bộ trưởng Bộ Y tế có em chồng làm việc trong công ty VN Pharma, một công ty nhỏ, mới thành lập nhưng liên tục trúng thầu nhiều dự án cung cấp thuốc cho các bệnh viện lớn. Công ty này gần đây bị xét xử tại tòa án với hành vi buôn lậu nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thực chất đó là hành vi buôn bán thuốc giả gây phẫn uất trong dư luận. Nhiều người nói, phải có trách nhiệm của bà Bộ trưởng Bộ Y tế trong vấn đề này. Trả lời dư luận, bà Bộ trưởng cho rằng, bà không có người thân làm việc tại công ty VN Pharma bởi Luật không quy định, em chồng là người thân của lãnh đạo.

Tìm hiểu những quy định được sửa đổi mới nhất của dự Luật PCTN sửa đổi, thì “em chồng” vẫn chưa được quy định là "người thân" của quan chức. Băn khoăn trước vấn đề này, phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết "chúng ta chịu nhiều áp lực", vì người dân đang kỳ vọng lần này việc sửa đổi Luật PCTN sẽ cho kết quả tích cực. Như vậy, thiếu quy định “anh chồng, em chồng” được xem là "người thân" trong dự Luật PCTN (sửa đổi) liệu đã ổn chưa? Có cần mở rộng thêm đối tượng này và đối tượng khác không?" - bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vẫn còn nhiều băn khoăn về quy định người thân của cán bộ, quan chức
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vẫn còn nhiều băn khoăn về quy định người thân của cán bộ, quan chức)

Một điểm sửa đổi quan trọng của dự luật lần này cũng quy định về vấn đề xung đột lợi ích để loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng. “Xung đột lợi ích được hiểu là tình huống mà trong đó cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hoặc không thực hiện một nhiệm vụ được giao có thể mang lại lợi ích không chính đáng cho cá nhân họ, cho người thân thích của họ”. Dự thảo quy định rõ, người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích thì phải báo cáo với người lãnh đạo, quản lý trực tiếp để xem xét, xử lý.

Đồng thời, để hạn chế đặc quyền đặc lợi của quan chức, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật đã bổ sung chế định liêm chính. Theo đó, tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh (từ Điều 23 đến Điều 26).

Tại Điều 23, dự luật đã quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Đó là, không được cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cán bộ, công chức, viên chức cũng bị cấm thành lập doanh nghiệp, giữ chức vụ quản lý, điều hành hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn 5 năm kể từ khi thôi giữ chức vụ, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định thời hạn dài hơn thì áp dụng quy định của pháp luật đó.

PCTN trong khu vực tư

Một trong những điểm mới của dự Luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực tư, theo đó một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động của luật. Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay đa số ý kiến tán thành việc này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực tư đã được BLHS điều chỉnh.

“Trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đây vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, người ở khu vực tư sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của hành vi tham nhũng” - bà Nga nói và cho hay luồng ý kiến này đề nghị chưa mở rộng, đề nghị làm tốt PCTN trong khu vực nhà nước trước.

Về nội dung này, ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng nên cân nhắc có quy định PCTN ở khu vực tư vì thực tế cho thấy “giữa cán bộ cấp cao với doanh nghiệp là có vấn đề rồi”. Ông nói: “Bảy năm trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa cán bộ cấp cao với doanh nghiệp và đến nay thực tế đã có và đã xét xử. Phải làm, nếu không luật sẽ bỏ lọt tội phạm tham nhũng, sẽ buông lỏng kiểm soát quyền lực dẫn đến tham nhũng về chính trị, chính sách”.

Kê khai, kiểm soát tài sản Ở ta hiện nay có hiện tượng, quan chức có tài sản lớn phô trương thành những lâu đài, biệt phủ rất phản cảm và gây bức xúc trong nhân dân. Hàng loạt những kết luận về vi phạm của quan chức trong kê khai tài sản đã cho thấy chế định này của Luật cũ có những hạn chế nhất định. Theo Thanh tra Chính phủ, xuất phát từ tầm quan trọng về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, dự thảo đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới. Dự thảo điều chỉnh rõ ràng hơn theo hướng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đồng thời, bỏ quy định về kê khai hằng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung.

Để khắc phục bệnh hình thức, dự thảo quy định theo hướng, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Bên cạnh đó, dự thảo luật đưa thêm phương án 2, công khai cụ thể theo từng nhóm đối tượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho rằng, trong quá trình đi kiểm tra một số bản kê khai tài sản, để phân biệt giữa kê khai đúng hay chưa đúng vô cùng khó, nên thường được kết luận kê khai “chưa đầy đủ”. Bà Thủy ví dụ, đối tượng kê khai có 1 tỷ đồng tiết kiệm, sau 10 năm số tiền đó tăng lên 1,1 tỷ, nhưng họ vẫn kê khai 1 tỷ. Chính bởi điều này, đại biểu Thủy đồng tình với việc không kê khai hàng năm, mà chuyển sang kê khai khi có biến động về tài sản. Giao cho cơ quan tố tụng làm nhiệm vụ xác minh tài sản khi có dấu hiệu của tài sản bất minh là ý kiến của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền. Ông này tái khẳng định: Muốn ngăn ngừa được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước không có Luật PCTN, nhưng họ có Luật Kiểm soát tài sản. Như vậy chống tham nhũng hiệu quả hơn rất nhiều, vì tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn, nhưng khi di chuyển tải sản sẽ phát hiện ra ngay. “Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống tham nhũng. Kiểm soát tài sản chính là bảo bối để PCTN”, ông Quyền nhấn mạnh. Cũng theo ông Quyền, phải quy trách nhiệm cụ thể với cơ quan thanh tra khi vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện ra vi phạm, như ở Vinashin, Vinalines trước đây.

Ông Nguyễn Đình Quyền kiến nghị khi phát hiện tài sản bất minh của cán bộ, quan chức phải giao cho cơ quan tố tụng điều tra
Ông Nguyễn Đình Quyền kiến nghị khi phát hiện tài sản bất minh của cán bộ, quan chức phải giao cho cơ quan tố tụng điều tra)

Cho ý kiến nội dung này, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết hiện nay kê khai tài sản cứ cất vào ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm hay có vấn đề đơn thư mới tiến hành kiểm tra. “Dự thảo luật đưa vào Điều 40 về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập - cũng là cơ quan có thẩm quyền xác minh. Khi xác minh phát hiện có dấu hiệu bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào?” - ông Phong đặt vấn đề.

Ông Phong cho hay kinh nghiệm của các nước khi phát hiện ra người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản có sự bất minh thì họ yêu cầu chính người đó giải trình. Sau sáu tháng anh không giải trình được thì chuyển cho tòa án để thu hồi. “Họ làm như vậy rất hợp pháp, minh bạch. Nếu có khiếu kiện thì tòa xử. Chứ nếu sử dụng như quy định đưa ra trong dự thảo thì có hai trường hợp xảy ra là cơ quan nào cũng đặt ra yêu cầu xác minh, mà xác minh không có nghiệp vụ thì dễ xảy ra oan, sai. Còn nếu xác minh đúng nhưng cơ quan không có thẩm quyền mà xử lý thì trái luật” - ông Phong nói.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong băn khoăn về chế tài xử lý tài sản bất minh
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong băn khoăn về chế tài xử lý tài sản bất minh)

Quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan Đảng tham gia chống tham nhũng

Gần đây, hoạt động kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra ánh sáng nhiều đảng viên, tổ chức đảng có vi phạm pháp luật. Để phát huy vai trò quan trọng của Ủy ban này thì dự thảo Luật PCTN đã bổ sung những quy định về trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng; Quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…

Trước việc luật hóa vai trò của cơ quan Đảng tham gia vào PCTN, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn. ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng không nên quy định vấn đề này vào Luật PCTN. "Luật quy định như vậy thì sau này Quốc hội giám sát thế nào?"- ĐB Cúc băn khoăn. Là người trong cuộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cũng đồng ý với quan điểm trên. Theo bà Thủy, vì Đảng lãnh đạo toàn diện chứ Đảng không làm thay.

ĐBQH Bùi Quốc Phòng (Sơn La) cho rằng việc thể chế hóa trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong Luật PCTN cần nghiên cứu thận trọng. Bởi lẽ, tổ chức Đảng do Đảng thành lập hoạt động theo quy định của Hiến pháp, quy định của Đảng. Vì thế, việc bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào Luật PCTN cần có báo cáo cụ thể hơn, đồng thời rà soát kỹ các văn bản của Đảng để bảo đảm việc thể chế hóa này phù hợp với quy định của Hiến pháp và quy định của Đảng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn: "Cơ quan soạn thảo đã có văn bản xin ý kiến Ủy ban Kiểm tra trung ương khi đưa cơ quan này vào luật chưa? Vì cách làm của Ủy ban Kiểm tra trung ương khác với quy trình của thanh tra. Vậy nên chúng ta cần cân nhắc trước khi bổ sung quy định đưa kiểm tra của Đảng vào dự Luật PCTN.

Nhóm PV (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-doi-luat-phong-chong-tham-nhung-nhung-che-dinh-phap-ly-quan-trong-can-quan-tam-giai-quyet-a185247.html