Lệnh trừng phạt đã giúp Mỹ "kìm cương" tham vọng phát triển hạt nhân của Iran, song biện pháp này lại không phát huy hiệu quả như mong muốn với trường hợp của Triều Tiên. Vậy nguyên nhân là gì?
Chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông James Birkett, quan chức tại Alaco, một công ty tư vấn tình báo kinh doanh tại London (Anh) nhận định, lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Iran phát huy hiệu quả là vì Washington đã kêu gọi được nhiều nước cùng tham gia cũng như nền kinh tế của Tehran phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu khá lớn. Tuy nhiên, biện pháp này của Mỹ lại không phát huy hiệu quả với Triều Tiên.
Hai vấn đề chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump đó là mối quan hệ song phương giữa Mỹ với Iran và Triều Tiên, hai quốc gia vốn bị liệt vào "trục ma quỷ" như định nghĩa của cựu Tổng thống George W. Bush vào năm 2002.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Triều Tiên và Iran chính là hiệu quả tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ ban hành. Trong khi, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể buộc Tehran từ bỏ phát triển hạt nhân thì với Triều Tiên, chiến lược này hoàn toàn không có tác dụng.
Cụ thể, vào thời điểm, Bình Nhưỡng đe dọa thử nghiệm các loại tên lửa có tầm bắn vươn tới đảo Guam của Mỹ làm dấy lên mối quan ngại về khả năng xảy ra đối đầu quân sự ở Đông Á, Tehran lại đang từ từ hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu sau khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ hồi năm ngoái. Mặc dù, ông Trump nhiều lần tuyên bố có ý định xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký kết hồi năm 2015 trước cáo buộc Tehran có những hành động vi phạm thỏa thuận, trên thực tế, ông Trump sẽ không làm như vậy, ông Birkett nhấn mạnh.
Cũng theo ông Birkett, lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng với Iran phát huy tác dụng là do Mỹ đã lợi dụng vị thế Tehran là một nền kinh tế hiện đại. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng tác động tới nguồn doanh thu chủ chốt của Iran này là dầu mỏ và khí đốt cùng với mối quan hệ thương mại với các đối tác nước ngoài vốn thân thiết với hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ đứng đầu.
Nhưng với Triều Tiên, sự ràng buộc giữa các lệnh trừng phạt lại không mang lại kết quả như mong đợi cho Mỹ. Hồi cuối tháng Bảy, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Nikki Haley cũng phải thừa nhận rằng, "Triều Tiên đã bị nêu tên trong hàng loạt lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an ban hành nhưng Bình Nhưỡng vẫn vi phạm mà không bị trừng phạt". Còn hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, Mỹ sẽ phải "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu như những biện pháp ngăn chặn hiện thời không có kết quả.
Điều đáng nói, lệnh trừng phạt mà Triều Tiên đang phải hứng chịu nhắm vào hàng loạt mặt hàng vốn là nguồn thu ngoại tệ phục vụ cho hoạt động của quân đội nước này như các sản phẩm xa xỉ, dầu mỏ và kim loại quý hiếm. Tương tự như Iran, lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đều được Hội đồng Bảo an, các nền kinh tế lớn phương Tây và Liên minh châu Âu (EU) thông qua.
Vậy nguyên nhân gì khiến Mỹ vẫn thất bại trong việc đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hay ít nhất là ngăn chặn Bình Nhưỡng đạt được thêm thành tựu trong chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân?
Theo ông Birkett, câu trả lời là nằm ở tính chính trị của chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Bởi trong khi, Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trên thế giới để quay trở lại trừng phạt Iran, thì Triều Tiên tiếp tục kiếm lời từ mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc. Ngay cả khi Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng với chính quyền Bình Nhưỡng, tiến trình lôi kéo các bên tham gia vào lệnh trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên vẫn diễn ra rất chậm.
Thậm chí, nhiều báo cáo còn tiết lộ sự hiện diện thường xuyên của các sinh viên Triều Tiên theo học tại các trường đại học ở Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hạt nhân và tên lửa. Ngoài ra, dù LHQ áp đặt lệnh trừng phạt tăng cường với Triều Tiên vào năm 2016 nhưng trong năm này, kinh tế Triều Tiên vẫn được cho tăng trưởng 3,9%.
Rõ ràng khi bị bao vây tứ phía, Triều Tiên chỉ còn cách phát triển chương trình hạt nhân thành công để đảm bảo sự tồn tại của quốc gia. Bởi những thông điệp mà Tổng thống Trump đưa ra đã rõ ràng và nhấn mạnh, nếu chính quyền Bình Nhưỡng không chịu khuất phục, quốc gia này sẽ có nguy cơ rơi vào cuộc chiến lần hai trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Birkett, một cách tiếp cận mới có thể cải thiện quan hệ giữa Washington với Bình Nhưỡng. Bước tiếp cận này bao gồm 2 bước. Trước hết, Mỹ cần chấp nhận rằng, các lệnh trừng phạt không mang lại kết quả và thậm chí là phản tác dụng. Thứ hai, Mỹ cần tìm cách tích cực phối hợp với Triều Tiên trong bối cảnh quốc gia này hoàn toàn có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Quan trọng nhất, trước khi áp đặt sức ép kinh tế với Bình Nhưỡng, Mỹ cũng cần chứng minh những lợi ích mà cộng đồng quốc tế nhận được khi hiệp lực trừng phạt, chứ không chỉ xem lệnh trừng phạt là để bắt nạt và đe dọa Triều Tiên.
Theo Infonet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-my-khong-the-ra-tay-voi-trieu-tien-a185236.html