Nhất thể hóa - vấn đề thời sự

Chủ trương “nhất thể hóa” vừa được Tổng Bí thư kết luận tại Hội T.Ư 6 vừa qua lập tức trở thành vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của dư luận với mong muốn hiệu lực, hiệu quả trong lĩnh vực quản lý nhà nước được tăng cường.

[caption id="attachment_184949" align="aligncenter" width="501"] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng[/caption]

Từ 2 tỉnh thí điểm “nhất thể hóa” là Quảng Ninh và Vĩnh Phúc đã có kinh nghiệm từ thực tế để triển khai chủ trương này. Vẫn còn những vấn đề “tranh luận nảy lửa”, song ai cũng nhìn thấy việc Bí thư kiêm Chủ tịch tạo ra những lợi thế nhất định khi tập trung quyền lực vào một người, tạo ra vị thế quyết định của người lãnh đạo và việc phân định trách nhiệm rõ ràng hơn, không thể đổ lỗi cho tập thể và chính đây là giới hạn của “lồng nhốt quyền lực”, tiền đề cho một cơ chế kiểm soát rõ ràng.

Điều trước tiên ai cũng nhận thấy là gọn bớt chức danh, giảm thiểu sự cồng kềnh của bộ máy và “tiết kiệm” nhân sự. Điểm chung của các nhận định là tiến hành việc này sẽ khó khăn bởi đụng chạm đến “nồi cơm” của nhiều người nhưng nếu thống nhất cao, đi từng bước thận trọng, vững chắc thì ắt đạt kết quả. Điểm chung nữa thống nhất là yếu tố con người: Đảm đương chức vụ “nhất thể hóa” phải là người có năng lực, hội tụ đủ các yếu tố của một người lãnh đạo đáng tin tưởng.

Song song với việc tiến hành “nhất thể hóa” là việc tinh gọn bộ máy, cụ thể hơn đó là việc hợp nhất cơ quan. Ngay lập tức, Chính phủ đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đó là Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, HĐND thành một; Thanh tra và Kiểm tra thành một cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành một và văn phòng các tổ chức chính trị, đoàn thể vào một đầu mối. Việc hợp nhất, sáp nhập đó được thực hiện bằng nguyên tắc “một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Đó chính là sự rõ ràng trong phân công quản lý nhà nước.

Tiến hành đồng thời với “nhất thể hóa” và hợp nhất, sáp nhập các cơ quan thì cần “dọn dẹp sân sau của nhiệm kỳ trước”, tức là cần rà soát và xử lý các trường hợp bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng không đảm bảo chất lượng, dư thừa cấp phó hoặc tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên trong một cơ quan, vượt chỉ tiêu biên chế.

Công cuộc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy sẽ chấm dứt tình trạng “bộ máy cồng kềnh thế, dân nuôi sao được” đã tồn tại nhiều năm nay.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhat-the-hoa-van-de-thoi-su-a184948.html