(Pháp lý) - Việc xác định một người có phạm tội hay không không chỉ ảnh hưởng tới sinh mệnh pháp lý của một cá nhân mà còn thể hiện chính sách, quan điểm của Nhà nước trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 được đánh giá là Bộ luật thể hiện sâu sắc tính nhân đạo của Nhà nước ta. Một trong những biểu hiện của tính nhân đạo trong Bộ luật này thể hiện ở những điểm mới trong việc ghi nhận các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Đây là lần đầu tiên BLHS dành hẳn một Chương quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự cho cá nhân, tổ chức. Trước đó, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2003 cũng có quy định về các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các trường hợp này còn nằm rải rác, lẻ tẻ, là ba trong mười lăm điều luật Quy định tại Chương III “Tội phạm” của BLHS năm 1999. Đến BLHS năm 2015, lần đầu tiên các trường hợp này được “nhóm” lại, thành một Chương lớn trong Bộ luật.
Trong Báo cáo đánh giá tác động BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo BLHS xác định: Chương IV BLHS mới quy định 7 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, ngoài những quy định cũ là “sự kiện bất ngờ” (điều 20), “tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” (điều 21), “phòng vệ chính đáng” (điều 22) và “tình thế cấp thiết”(điều 23), BLHS năm 2015 bổ sung thêm 3 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hoàn toàn mới đó là “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” (điều 24), “rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ” (điều 25) và “thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên” (điều 26). Việc ghi nhận những trường hợp này thành một Chương riêng trong BLHS năm 2015 đã thể hiện một cách nhìn mới nhân văn hơn, tiến bộ hơn của Đảng và Nhà nước ta về các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự nói riêng, về bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung.
Điều 24: Giúp yên tâm khi trấn áp tội phạm
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 BLHS 2015 sửa đổi 2017, bà Nguyễn Hải Yến (Giảng viên bộ môn Pháp luật Hình sự - trường Đại học An ninh nhân dân) cho biết: Thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, nhiều trường hợp để bắt giữ tội phạm, người bắt giữ buộc phải dùng vũ lực cần thiết để khống chế người có hành vi phạm tội. Nhiều trường hợp trong số đó tất yếu phải gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 chưa có quy định cụ thể loại trừ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này. “Lỗ hổng” này của Bộ luật Hình sự cũ cũng là một lỗ hổng trong cơ chế ngăn ngừa, đấu tranh và chống tội phạm.
Quy định tại Điều 24 BLHS năm 2015 về “hành vi của người thực hiện nhiệm vụ bắt giữ người có hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”. Đây là quy định mới, không chỉ tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan có trách nhiệm đấu tranh trấn áp tội phạm thực hiện nhiệm vụ mà còn khiến người dân yên tâm khi thực hiện nghĩa vụ tham gia phòng, chống tội phạm. Liên quan đến vấn đề này, BLHS năm 2015 cũng quy định rõ: Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này bảo đảm loại trừ và xử lý hình sự đúng đắn, chính xác các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do “mượn” hoặc vượt quá giới hạn yêu cầu của công tác “bắt giữ người phạm tội”.
Điều 25: Có ý nghĩa đặc biệt với kinh tế tri thức
Còn nhớ, một trong những định hướng lớn được quán triệt trong xây dựng BLHS 2015 đó là tạo các quy phạm pháp lý góp phần bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Trên thực tế, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, trong nghiên cứu, thử nghiệm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của xã hội. Trong quá trình đó sẽ không tránh khỏi những trường hợp rủi ro gây thiệt hại về người và tài sản. Bà Nguyễn Hải Yến nhắc ví dụ: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy tính năng động, sáng tạo, tập thể kỹ sư nhà máy xi măng X đã quyết định áp dụng công nghệ lò ngang thay cho lò đứng, vì lò ngang có nhiều ưu điểm hơn năng suất cao, tiết kiệm năng lượng tiêu hao… Trong quá trình tiến hành đã cập nhập kiến thức và công nghệ tiên tiến, vận hành thử nhiều lần và nhận được kết quả tốt. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành chính thức thì sự cố đã xảy ra, lò nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Việc BLHS năm 2015 bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Quy định này là bảo đảm chắc chắn cho những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, động viên các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến vì sự phồn vinh của đất nước.
Đồng thời, điều luật cũng quy định rõ trường hợp không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả có thể xảy ra, gây thiệt hại cho xã hội thì người thực hiện hành vi này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, nhằm ngăn chặn những việc làm bừa, làm ẩu nhưng viện lý do nghiên cứu khoa học, thử nghiệm… để trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Điều 26: Người thực hiện mệnh lệnh sai của cấp trên không bị truy cứu TNHS
Bên cạnh quy định loại trừ trách nhiệm hình sự cho người gây thiệt hại khi bắt giữa người phạm tội và người gây thiệt hại do rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, Điều 26 cũng quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Điều 26 BLHS quy định: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Quy định này của BLHS đảm bảo nguyên tắc “mệnh lệnh-phục tùng” – nguyên tắc đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân. Nguyên tắc này đã được quy định rõ tại Điều 26 Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 và Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2014. Theo đó, “nghĩa vụ của sỹ quan là phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy, nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ…” (Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam), “sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh Công an nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên” (Luật Công an nhân dân). Nguyên tắc này đảm bảo hiệu quả quản lý trong lực lượng vũ trang, là yếu tố tiên quyết trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Do đó, loại trừ trách nhiệm hình sự cho cấp dưới trong trường hợp thi hành mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên góp phần tích cực đảm bảo hiệu quả quản lý trong lực lượng vũ trang nói riêng, trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn xã hội nói riêng.
Thay lời kết
Có thể nói, những sửa đổi, bổ sung của BLHS về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là một bước tiến trong lịch sử lập pháp hình sự ở nước ta. Theo bà Nguyễn Hải Yến: Các trường hợp bắt giữ người phạm tội; nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hay thi hành mệnh lệnh cấp trên cũng đã được đề cập trong các văn bản pháp lý chuyên ngành nhưng những văn bản này không có nghĩa vụ giải thích những vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự trong trường hợp những người thực hiện gây ra thiệt hại. Mặt khác, các vấn đề nêu trên cũng đã được pháp luật hình sự nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận như là những tình tiết loại trừ tính chất phạm tội. Vì vậy, việc ghi nhận Chương IV ”Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự” trong BLHS 2015 vừa đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật vừa góp phần đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận hơn với pháp luật hình sự của các quốc gia phát triển trên thế giới.
Theo quy định tại Điều 26, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ ba điều kiện sau đây: Một là, mệnh lệnh phải là của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội nhân dân và công an nhân dân). Hai là, việc thi hành mệnh lệnh đó là để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Ba là, người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó. Đáng lưu ý, Điều 26 cũng quy định không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân mà phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (khoản 2 Điều 421); tội chống loài người (khoản 2 Điều 422) và tội phạm chiến tranh (khoản 2 Điều 423).
Huyền Phan
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-16-nhung-quy-dinh-the-hien-tinh-nhan-dao-sau-sac-a184753.html