Tránh lợi dụng 'đóng dấu mật' để hạn chế tiếp cận thông tin

Nhiều trường hợp báo cáo của công an phường cho bí thư và chủ tịch phường chỉ là thông tin hằng tuần cũng đóng dấu mật.

Sáng 10-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Đây là dự thảo luật mới, được phát triển dựa trên pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước trước đây.

7

Bàn về việc cái gì cũng đóng dấu mật, bà Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nêu ví dụ: có những báo cáo của công an phường cho bí thư và chủ tịch phường chỉ là thông tin hằng tuần cũng đóng dấu mật khiến cho công tác lưu trữ phải thực hiện theo chế độ mật.

"Quá nhiều văn bản luật mà bản thân các sở ngành khi xử lý đều thấy chẳng có gì mật, nhưng đóng dấu mật rồi chúng tôi phải xử lý theo pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước" - bà Tuyết nói.

Góp ý với dự thảo luật, ông Lê Văn Hùng (Thanh tra TP) cho rằng hiện nay đang có tình trạng lạm dụng việc đóng dấu mật đối với những vụ việc, vấn đề không có nội dung mật.

Dự thảo lại chưa quy định rõ những loại văn bản nào, những nội dung gì thì được đóng dấu mật theo các cấp độ.

"Thực tế có những loại văn bản không mật nhưng vẫn được đóng dấu mật rồi để hoài không giải mật. Luật này cần phải làm rõ thông tin thế nào là bí mật, bí mật đến lúc nào, cái nào cần đóng dấu mật, cái nào không" - ông Hùng nói.

Theo Tuoitre

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tranh-loi-dung-dong-dau-mat-de-han-che-tiep-can-thong-tin-a184664.html