Bài 13: “Vũ khí” mới chống tội phạm tham nhũng

(Pháp lý) - Điểm mới đặc biệt quan trọng của BLTTHS 2015 là cho phép áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt như nghe điện thoại bí mật, ghi âm, ghi hình bí mật trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, các vụ án an ninh quốc gia, vụ án phạm tội nghiêm trọng có tổ chức… Quy định mới này kỳ vọng sẽ là “vũ khí” mới tấn công chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Sự cần thiết

 Ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TANDTC) đánh giá cao ý nghĩa của các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định trong BLTTHS 2015
Ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TANDTC) đánh giá cao ý nghĩa của các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định trong BLTTHS 2015)

Tham khảo luật tố tụng hình sự của một số quốc gia, trong đó có những quốc gia có những thể chế chính trị giống Việt Nam như Trung Quốc, hay quốc gia trước đây có nền tư pháp giống chúng ta như Nga, Hungary và cả những quốc gia tiên tiến hơn như Đức, Pháp, Mỹ… Tất cả các quốc gia này đều có quy định biện pháp điều tra đặc biệt. Đó là các biện pháp theo dõi bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật; chặn và ghi âm các cuộc liên lạc viễn thông; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; khám bí mật chỗ ở; sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật…

Thực tế, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước của Liên Hợp quốc, trong đó có công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức. Chúng ta đã cam kết sẽ luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt này, cho nên việc quy định biện pháp điều tra đặc biệt trong BLTTHS là một đòi hỏi tất yếu của việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Trước khi thông qua BLTTHS 2015, pháp luật Việt Nam đã có quy định trong một số luật chuyên ngành cho phép áp dụng biện pháp này đối với một số loại tội là các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm ma túy. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý thì các biện pháp điều tra đặc biệt phải được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, Điều 223, Bộ luật quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Theo đó “Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Có ý kiến cho rằng các nhà làm luật Việt Nam mới chỉ thừa nhận những biện pháp điều tra thiết yếu, cơ bản, ngoài ra còn các biện pháp phổ biến nhưng chưa được thừa nhận như vận chuyển có kiểm soát, đưa người thâm nhập tổ chức và tiếp cận cá nhân phạm tội để thu thập chứng cứ... lại chưa được quy định trong BLTTHS.

Theo quy định của BLTTHS sửa đổi 2015, thời điểm để áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt là “sau khi khởi tố vụ án hình sự, trong quá trình điều tra”. Khác với các biện pháp điều tra như khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành khi khởi tố vụ án, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ có thể được áp dụng trong giai đoạn điều tra. Mức độ, thời điểm áp dụng, thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt được quy định rất chặt chẽ trong các điều luật của chương này để một mặt đảm bảo yêu cầu phòng, chống tội phạm, một mặt không lạm quyền, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.

Trả lời báo chí về ý nghĩa khi áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Có thể nói trong nhiều trường hợp, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp. Trước đây chúng ta không quy định trong luật nên phải chuyển hóa chứng cứ, trong nhiều trường hợp lại không chuyển hóa được. Như vậy chúng ta đã từ chối một nguồn chứng cứ hết sức thuyết phục. Nếu áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, người phạm tội phải tâm phục, khẩu phục ngay, thậm chí còn thuyết phục ngay cả với dư luận về hành vi phạm tội của đối tượng.

“Vũ khí” mới đấu tranh với tội phạm tham nhũng

BLTTHS 2015 cụ thể hóa một số trường hợp được áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt. Theo đó, có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (Điều 224).

Trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Việt Nam đã tham gia. Các quốc gia tham gia cam kết phải áp dụng các biện pháp cần thiết, đủ mạnh để chống lại loại tội phạm này. Theo thống kê, xu hướng áp dụng các biện pháp này của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng do tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; thủ đoạn, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi; người phạm tội trong các vụ án tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn nên thường tìm mọi cách che giấu hành vi, can thiệp vào quá trình xử lý... Các biện pháp điều tra đặc biệt sẽ chống tội phạm bỏ trốn, ngăn chặn hiệu quả việc tẩu tán tài sản. Khi áp dụng những quy định về biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt, nhiều người kì vọng đây là những công cụ sắc bén trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng.

 Áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng (ảnh minh họa)
Áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng (ảnh minh họa))

Để đảm báo tính chặt chẽ của các quy định pháp luật này, BLTTHS 2015 quy định rõ: Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là: “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này”. Và việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: “Chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Và các thông tin, tài liệu này có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án”. Đồng thời về thời điểm hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, được quy định cụ thể từ điều 225 đến điều 228 BLTTHS 2015.

Kết mở

Được kì vọng như một biện pháp có ý nghĩa lớn đối với việc đấu tranh phòng – chống các loại tội phạm nguy hiểm nghiêm trọng, trong đó có tội phạm tham nhũng, nhưng mặt khác các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng có những tác động lớn và trực tiếp đến các quyền tự do, quyền cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định. Do đó, áp dụng quy định này với cơ quan tố tụng, cần thận trọng bởi liên quan đến số phận pháp lý của con người.

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là một chế định mới hoàn toàn trong BLTTHS 2015. Ngay từ khi những điều luật được thảo luận và hình thành đã thu hút được rất nhiều ý kiến góp ý sắc sảo của các chuyên gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định là tốt nhưng những quy định này mới chỉ ở quy định chung nhất. Để triển khai hiệu quả thì các cơ quan có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể ngay vì đây là chế định mới. Với nhiệm vụ được giao, Viện Kiểm sát phải tăng cường kiểm sát việc áp dụng những biện pháp này; Tòa án khi xét xử cũng vậy, cần xem xét các chứng cứ có trong vụ án có được thu thập theo đúng quy định hay không?!

- Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223 BLTTHS 2015) gồm:

+ Ghi âm, ghi hình bí mật;

+ Nghe điện thoại bí mật;

+ Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

- Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 224) gồm:

+ Tội phạm xâm phạm ANQG, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;

+ Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải do người có thẩm quyền quy định tại Điều 225 ra quyết định và phải được VKSND cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là 02 tháng (kể từ ngày VKS phê chuẩn). Người ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có quyền đề nghị VKSND cùng cấp hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi xét thấy thật sự không còn cần thiết.


Nhiều nước đã quy định

Theo VKSND Tối cao, luật tố tụng hình sự nhiều nước như Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Úc… đều đã quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt. Đó là các biện pháp theo dõi bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật; chặn và ghi âm các cuộc liên lạc viễn thông; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; khám bí mật chỗ ở; sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật; kiểm tra giấy tờ; lập chốt giả để kiểm tra giao thông…

 

Minh Hải

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-13-vu-khi-moi-chong-toi-pham-tham-nhung-a184555.html