Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khi trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về những điểm mới và việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.
Sẵn sàng phối hợp để triển khai thi hành Luật hiệu quả
Với một đạo luật được trông đợi như Luật TNBTCNN thì xin Thứ trưởng chia sẻ một số hoạt động quán triệt triển khai Luật?
- Trước hết có thể thấy Luật TNBTCNN nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan nhà nước và dư luận xã hội bởi đây là đạo luật đem lại sinh khí mới, phù hợp với chủ trương của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Mục tiêu ban hành Luật là tạo ra được khuôn khổ pháp luật mà ở đó công chức, viên chức cảm nhận được trách nhiệm của mình là rất cao nếu thực hiện sai các chức trách quy định, đồng thời đạo luật này là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong trường hợp cán bộ công chức làm sai các quy định pháp luật thì có cơ chế giải quyết một cách nhanh nhất có thể.
Để triển khai Luật thì Thủ tướng Chính phủ ban hành một kế hoạch chung triển khai thi hành Luật, bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, trong đó yêu cầu rõ từng bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bộ, ngành, địa phương mình. Trong 8 nhóm nhiệm vụ, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để tiếp tục triển khai thi hành Luật TNBTCNN, gồm cả ban hành các văn bản quy định chi tiết, là nhiệm vụ đã, đang được thực hiện và sẽ được hoàn thành tốt. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc trình ban hành Nghị định hoặc ban hành Thông tư trước khi Luật có hiệu lực để các cơ quan nhà nước sẽ có nghiên cứu áp dụng từ ngày 1/7/2018.
Về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đặc biệt là tập huấn, cũng được Bộ Tư pháp chúng tôi chú trọng. Tài liệu tập huấn hiện đang được xây dựng và sau khi hoàn tất trong thời gian tới, bộ tài liệu sẽ được công khai trên mạng. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyên sâu về Luật TNBTCNN. Đối với từng bộ, ngành hay ngay đối với Bộ Tư pháp thì trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, chúng tôi đã tổ chức quán triệt sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Bởi trách nhiệm của hệ thống Thi hành án dân sự là rất lớn, trước đây phải có yếu tố lỗi Nhà nước mới bồi thường, còn nay không còn yếu tố lỗi nữa nên trách nhiệm bồi thường nhà nước được mở rộng với hoạt động thi hành án dân sự.
Tương tự như vậy là các cơ quan tiến hành tố tụng. Chẳng hạn, ngay sau khi Luật được thông qua, VKSNDTC cũng đã triển khai nhanh và nhận thức rất rõ về vai trò của Luật hay cơ quan Tòa án cũng thế. Đối với các địa phương có thể chậm hơn nhưng sau khi được quán triệt Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thì các địa phương có thể nhận thức được để thực hiện đúng Kế hoạch của Chính phủ. Là cơ quan chịu trách nhiệm thi hành Luật trước Chính phủ, Bộ Tư pháp sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thi hành Luật hiệu quả.
Từ sự cố trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) đặt ra vấn đề cần phải quy định cụ thể về cách thức xin lỗi người bị kết án oan sai.
Luật mang tên TNBTCNN nhưng thực ra là hướng về phía người dân, người dân được coi là đối tượng thụ hưởng. Bộ Tư pháp sẽ làm gì để người dân nắm bắt được tinh thần mới của Luật, có thể vận dụng các quy định mới trong thực tiễn?
- Trong quá trình thảo luận chúng ta vẫn luôn nói Luật này được ban hành nhưng mong muốn không phải áp dụng, tức là khi nền công vụ đạt đến trình độ không xảy ra việc làm sai quy định pháp luật. Còn từ nay đến khi đạt được trình độ đó cũng còn một quãng đường xa nên chắc phải sử dụng đến Luật này. Một trong những mục tiêu của Luật là tạo cơ chế làm sao để khi người dân bị thiệt hại thì Nhà nước sẽ thể hiện trách nhiệm cao nhất.
Do vậy, ngoài tuyên truyền, phổ biến chung, chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động quảng bá để người dân biết được nội dung của Luật, thấy rằng Luật quy định như vậy là phù hợp, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước cũng như tạo thuận lợi cho người dân. Có thể thấy rõ quy định của Luật rất đơn giản, con số thiệt hại cơ bản là cộng trừ nhân chia, không phải tranh cãi nhiều. Đặc biệt là mở rộng quyền lựa chọn của người dân, có thể lựa chọn cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ hoặc lựa chọn Tòa án. Tuy nhiên, điều quan trọng là Luật đã tính đến sự cân bằng từ cả 2 phía: năng lực, trình độ của cán bộ công chức với nhiều điểm chưa được hoàn chỉnh và xu thế mở rộng quyền cho người dân, doanh nghiệp.
Chúng tôi ý thức rõ ràng rằng tuy mong muốn không có vụ việc bồi thường nào xảy ra nhưng khi đã có vụ việc xảy ra thì các cơ quan nhà nước sẽ phải tham gia hết sức trách nhiệm, không còn tình trạng đùn đẩy giống như một số trường hợp đáng tiếc trong quá trình thực thi Luật TNBTCNN năm 2009. Còn nếu như không thống nhất được sẽ có một cơ quan là cơ quan tư pháp chỉ định cơ quan nào phải thay mặt Nhà nước giải quyết, còn việc quy trách nhiệm cho cơ quan nào sẽ là quy trình nội bộ của các cơ quan nhà nước. Đối với người dân, sẽ chỉ có một cơ quan nhà nước đứng ra đại diện để giải quyết vụ việc.
Không những thế, để phục vụ tốt hơn cho người dân, trong Cục Bồi thường nhà nước thuộc Bộ Tư pháp có Trung tâm làm chức năng tư vấn, hỗ trợ về mặt thủ tục cho những người có yêu cầu bồi thường mà không biết đi đâu, làm thế nào. Trung tâm này không thu phí hay không có bất kỳ yêu cầu đặc biệt gì, chỉ làm sao để thuận lợi nhất cho người bị thiệt hại, hạn chế sự e ngại của người dân và là địa chỉ có thể trông cậy giúp đỡ về thủ tục cho họ.
Nhà nước phải chủ động xin lỗi người dân
Từ những câu chuyện thực tế vừa qua, Luật có quy định nào để những người bị oan sai khi được xin lỗi thì cảm thấy được tôn trọng?
- Một trong những điểm thay đổi quan trọng của Luật năm 2017 so với Luật năm 2009 chính là quy định về phục hồi danh dự. Thứ nhất, chúng ta đã xoay ngược lại vấn đề, cách tiếp cận là Nhà nước phải chủ động, không bắt người dân phải yêu cầu. Thứ hai, quy trình, thủ tục quy định rất rõ nhưng để cụ thể hơn như mẫu của lời xin lỗi, cách thức đăng công khai lời xin lỗi trên báo chí... thì Luật giao Chính phủ quy định chi tiết và Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng quy trình xin lỗi bảo đảm những vụ việc mà báo chí phản ánh sẽ không xảy ra nữa, việc xin lỗi phải từ trong tâm, làm một cách thành thực, người dân cảm thấy Nhà nước thể hiện được trách nhiệm của mình.
Xung quanh mức bồi thường, có nhận xét cho rằng mức bồi thường cứ vụ sau cao hơn vụ trước, có vụ lên tới cả triệu đô. Luật có quy định nào để những con số bồi thường không quá “dậy sóng” không, thưa Thứ trưởng?
- Trong quá trình tổng kết Luật năm 2009 để xây dựng Luật năm 2017, chúng tôi cũng nhận ra vấn đề này, đó là có sự không thống nhất trong việc tính toán yêu cầu bồi thường. Do đó, Luật 2017 đã có cải cách cơ bản là quy định ở mức độ chi tiết tối đa mà như tôi nói ở trên là cơ bản sẽ cộng trừ nhân chia, chỉ có một điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể hơn là một số khoản không thể tính toán rõ ràng được mà chỉ tính trên cơ sở hợp lý thì Chính phủ sẽ quy định tiêu chí của sự hợp lý. Như thế sẽ không còn tình trạng cứ vụ sau tăng hơn vụ trước bởi chỉ có thể tính theo một “ba-rem” khống chế của Luật, đưa con số bồi thường đi vào trật tự đảm bảo sự đúng đắn và công bằng.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xin-loi-nguoi-bi-oan-phai-lam-thanh-thuc-xuat-phat-tu-trong-tam-a184547.html