Theo Tổng giám đốc VAMC TS. Đoàn Văn Thắng, yếu tố then chốt nhất để thị trường mua bán nợ phát triển dứt khoát phải có Sàn giao dịch mua bán nợ xấu.
Ngay khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã thu hồi tài sản đảm bảo khoản nợ có giá trị lên tới 7.000 tỷ đồng, tiếp đến là ký thỏa thuận về việc phối hợp xử lý nợ xấu (XLNX) của Sacombank và BIDV. Đặc biệt Sacombank ký hợp đồng bán ba khoản nợ cho VAMC theo giá thị trường với tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng. Dù đây chỉ mới là ký hợp đồng về nguyên tắc, nhưng các chuyên gia, cũng như giới đầu tư kỳ vọng, động thái trên là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ.
Để hiểu rõ hơn nội hàm câu chuyện mua bán nợ xấu nói chung và nợ xấu theo giá trị thị trường ra sao, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Tổng giám đốc VAMC TS. Đoàn Văn Thắng.
Vì sao VAMC lại “ưu tiên” chọn BIDV, Sacombank để ký hợp tác XLNX?
Hai NH này nằm trong số 6 TCTD được chọn trong chương trình thí điểm XLNX theo Quyết định 1533 của NHNN về kế hoạch hành động của ngành NH. Đây là 6 NH quy mô lớn và đã có đề án tự tái cơ cấu được NHNN phê duyệt. Trong số này có NH nợ xấu còn khá lớn. Đó là lý do VAMC tập trung vào những NH đó để hợp tác, triển khai XLNX.
Nói như vậy, không có nghĩa là chỉ NH thí điểm mới triển khai xử lý, mua bán nợ xấu quyết liệt mà những NH khác cũng phải triển khai bình thường theo Quyết định 1533. Nhất là khi Nghị quyết 42 đã đưa ra quy định mở, tạo tiền đề phát triển thị trường mua bán nợ như việc không giới hạn ràng buộc quy định chức năng hoạt động các đơn vị mua bán nợ sẽ tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân tham gia thị trường này. Đặc biệt, cơ chế cho phép các TCTD, VAMC được bán các khoản nợ thấp hơn thị giá… đã kích thích nhu cầu mua bán nợ cao hơn nhiều, các NH nên tận dụng để thúc đẩy hoạt động này.
Đối với VAMC, kế hoạch trong năm nay chúng tôi đặt ra sẽ mua 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Đến đầu tháng 10, VAMC đã mua được 185 tỷ đồng nợ xấu theo thị giá từ hai khoản nợ của khách hàng ở Đà Nẵng và ở Bình Dương.
Ông có thể chia sẻ về việc xử lý thành công hai khoản nợ theo giá thị trường của VAMC?
Trước hết, việc mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC tuân thủ theo đúng điều kiện quy định cho phép. Quan trọng nhất là vấn đề VAMC xử lý khoản nợ đó ra sao sau khi mua. Có nhiều phương án mà VAMC phải đặt ra đối với khoản nợ mua về như xử lý tài sản, hỗ trợ tài chính, cơ cấu DN, hay tìm đối tác ngay để bán… Sau khi xem xét các phương án chúng tôi sẽ lựa chọn một phương án để làm sao sử dụng vốn điều lệ được cấp một cách hiệu quả, bảo toàn vốn cho Nhà nước.
Có vẻ việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường đang diễn ra rất thuận lợi?
Đúng vậy. Nhưng nếu chỉ riêng VAMC hay TCTD triển khai nhỏ lẻ, thì chưa thể kích hoạt được thị trường mua bán nợ xấu phát triển mạnh được. Thực tế, Việt Nam đã có thị trường mua bán nợ nhưng hoạt động rất giới hạn vì chỉ có mỗi DATC và sau này là VAMC. Tôi nghĩ rằng, đây là câu chuyện dài kỳ chứ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai được.
Yếu tố then chốt nhất để thị trường này phát triển, theo tôi dứt khoát phải có Sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Chúng ta hình dung như TTCK phải có Sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán là đơn vị làm trung gian môi giới, giới thiệu hàng hóa là các DN niêm yết cũng như cung cấp thông tin tới các NĐT. Khi thấy có sàn hay nói dân dã hơn là có chợ, người ta mang hàng hóa lên để bán, ắt có người mua, kẻ bán. Nếu chúng ta chứng khoán hóa các khoản nợ đó thì sẽ thu hút được nhiều người tham gia.
Vậy ai sẽ là người cầm trịch sàn giao dịch này, thưa ông?
Theo tôi, phải là một tổ chức riêng làm việc này. VAMC với tư cách vừa là người mua vừa là người bán sẽ không phù hợp để đảm nhiệm vai trò này và tôi nghĩ DATC cũng thế. Tôi nghĩ rằng, liên quan đến chứng khoán có thể Sàn giao dịch này trực thuộc Bộ Tài chính.
Trước mắt, theo ông cần tháo gỡ cơ chế chính sách gì thúc đẩy mua bán nợ theo giá thị trường?
Nghị quyết 42 và các văn bản pháp luật ban hành về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ cho VAMC, TCTD thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường. Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng đang trông chờ việc triển khai đồng bộ Nghị quyết 42 từ phía các bộ, ngành khác.
Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm; Bộ Công an chỉ đạo hệ thống các cấp hỗ trợ VAMC cũng như TCTD. Trong quá trình thu giữ TSBĐ; Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn thủ tục rút gọn trong thi hành án. Hiện Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn liên quan đến định giá khoản nợ…
Ngoài ra, VAMC kiến nghị tăng nguồn lực cho công ty theo Nghị quyết 42, Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 – 2020… để thúc đẩy mua bán theo giá thị trường, tăng cường nguồn lực về công nghệ, nhân lực. Hiện tại, vốn điều lệ của VAMC vẫn chưa được nâng lên 2.000 tỷ đồng. Trong khi theo Đề án cuối sang năm vốn điều lệ của VAMC được tăng lên 5.000 tỷ đồng và xa hơn đến năm 2020 lên tới 10.000 tỷ đồng.
Thị trường có thông tin VAMC đang siết nợ khối tài sản lớn của Tập đoàn Hoàn Cầu, thực tế diễn ra như thế nào, thưa ông?
Thông tin trên là không chính xác. Trường hợp của Tập đoàn Hoàn Cầu, chủ tài sản tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC để xử lý chứ chúng tôi không phải sử dụng biện pháp như đối với SaiGon One Tower. Đây cũng là khoản nợ có giá trị lớn được VAMC tập trung xử lý trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua được 25 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB và hoàn thành 100% kế hoạch NHNN. Căn cứ nhu cầu một số TCTD, đặc biệt là TCTD thuộc diện tái cơ cấu, VAMC đang đề nghị NHNN phê duyệt bổ sung thêm kế hoạch mua nợ. Tính kể từ khi hoạt động đến 30/9, VAMC đã mua khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng nợ gốc của các TCTD. Và đến đầu tháng 10/2017, VAMC cũng đã phối hợp cùng TCTD thu hồi được khoảng 64 nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua nhiều giải pháp như đôn đốc khách hàng tự trả nợ, thanh lý TSBĐ…
Theo VnExpress
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phai-co-san-giao-dich-mua-ban-no-a184526.html