Hậu phiên tòa sơ thẩm xử vụ VN Pharma: 5 vấn đề lớn cần tiếp tục điều tra làm rõ

(Pháp lý) _ Phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo thuộc Công ty CP VN Pharma (VN Pharma) bị kết án về tội buôn lậu, làm giả hồ sơ, nhập thuốc trị bệnh ung thư kém chất lượng đã tạm khép lại, nhưng còn đó những khuất tất của vụ án cần tiếp tục điều tra làm rõ. Đó là các vấn đề: xác định tội danh; dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; công tác quản lý dược phẩm nhập khẩu; công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành y tế...

Tội “buôn bán hàng giả” (là thuốc chữa bệnh giả) mới thỏa đáng

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma) khai: Do thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C) nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg . Lúc này, Cường đang là nhà phân phối thuốc tại VN của ông Raymundo (Giám đốc Công ty Helix Canada, đến nay chưa rõ lai lịch).

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa)

Khi Hùng đồng ý mua thuốc trị ung thư của Công ty Helix Canada, ông Raymundo đã gửi về hai loại giấy tờ gồm giấy chứng nhận bán hàng của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cung cấp. Do thiếu “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” để trình Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả tiêu chuẩn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt để trình Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu. Sau khi được Cục trưởng Cục Quản lý dược cấp phép, VN Pharma đã cho nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita về Việt Nam.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người…

Mặc dù là người đặt mua thuốc để bán cho VN Pharma nhưng tại cơ quan điều tra, Cường khai không biết nguồn gốc lô thuốc nêu trên được sản xuất ở đâu. Kết quả điều tra cho thấy thuốc được dán tem từ Ấn Độ về Singapore, sau đó nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên, xác minh mã vạch, mã số in trên vỏ thuốc thì không được đăng ký bởi quốc gia nào.

Những hành vi trên đây khiến các bị cáo bị truy tố và kết án về tội Buôn lậu theo Điều 153 BLHS, thay vì tội buôn bán thuốc chữa bệnh giả theo Điều 157 BLHS.

Buôn lậu theo qui định của Điều 153 là buôn bán hàng hoá qua biên giới một cách trái phép. Trong vụ án này Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm đã nhập thuốc H-Capita về Việt Nam qua biên giới nhưng không trái phép, bởi lẽ VN Pharma đã được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu. Như vậy hành vi của các bị cáo không thỏa mãn dấu hiệu “trái phép” trong cấu thành cơ bản của tội buôn lậu.

Trong khi đó Điều 157 quy định trực diện về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Trong vụ án, này thuốc H-Capita nhập về Việt Nam có đủ dấu hiệu để khẳng định đó là thuốc chữa bệnh giả. Cụ thể là theo kết luận của hội đồng giám định về lô thuốc H-Capita, màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng. Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc. Qua kiểm tra lô thuốc H-Capita trên thực tế thì có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vỉ rỗng (không có viên thuốc nào), quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ. Hội đồng định giá kết luận thuốc được sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm chỉ tiêu, chất lượng trước khi xuất xưởng. Đặc biệt là lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitanbine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. Chỉ cần một dấu hiệu “97% hoạt chất capecitanbine … không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người” đã quá đủ để kết luận đây là thuốc giả, không thể bao biện rằng chỉ kém chất lượng.

Khoản 24 Điều 2 Luật Dược năm 2005 giải thích từ ngữ qui định: Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: a) Không có dược chất; b) Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; c) Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; d) Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Trong vụ án này, lô thuốc H-Capita thỏa mãn dấu hiệu tại điểm d khoản 24 nêu trên ở chỗ “mạo tên”, bởi lẽ cơ quan điều tra đã xác định ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario Canada M3H1S9, Canada mà VN Pharma khai trong hồ sở gửi Cục Quản lý Dược là trụ sở của công ty sản xuất thuốc H-Capita, không hề có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc.

Cơ quan Công an cũng đã xác định toàn bộ thuốc cũng như giấy tờ liên quan đều là giả. Khi Canada không có công ty dược nào là Helix Pharmaceuticals, mà cả 7 loại thuốc trên đều do “Công ty ma” này sản xuất thì đó là thuốc giả, không thể dùng lý lẽ của ông Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến để bao biện đó là thuốc kém chất lượng.

“H-Capita là hàng giả, đây là tội ác”

Mới đây, trả lời báo chí, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) khẳng định: Thuốc trị ung thư H-Capita là hàng giả.

Ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ đưa ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vì thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên chắc chắn các quy định có liên quan còn ngặt nghèo hơn. Ông Hùng cho biết, từ tháng 4/2015 khi kiểm tra thuốc của VN Pharma, Hội đồng Bộ Y tế đã kết luận thuốc H-Capita không được sử dụng cho người. Sự việc làm giả hết sức nghiêm trọng. Việc các cơ quan của Bộ Y tế cho rằng thuốc 97,5% có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký nên không kết luận được hàng giả, hành vi giả là một cách ngụy biện. Sắp tới Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ có văn bản kiến nghị xử lý vụ việc.

"Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác" - ông Hùng nói.

Vì vậy, đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị bản án sơ thẩm, để truy tố, xét xử các bị cáo trên đây theo Điều 157 BLHS có hình phạt cao hơn Điều 153 BLHS mới thỏa đáng.

Trách nhiệm Cục Quản lý dược và dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Trong vụ án này, để nhập được lô thuốc giả về Việt Nam, VN Pharma đã sử dụng toàn bộ giấy tờ giả như: giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) để được lưu hành thuốc trên thế giới và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp và cả con dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada cũng bị cơ quan điều tra xác minh là giả, nhưng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vẫn cấp phép.

 VN Pharma trúng thầu hàng trăm tỷ ở khắp các bệnh viện (đồ họa của TPO)
VN Pharma trúng thầu hàng trăm tỷ ở khắp các bệnh viện (đồ họa của TPO))

Theo như cáo trạng thì toàn bộ hồ sơ trên đã được tổ thẩm định của Cục Quản lý dược duyệt đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ký Công văn số 22113 ngày 30/12/2013 đồng ý cho phép Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet do Công ty Helix Canada sản xuất thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin (Hồng Kông). Trong khi đó, Công ty Austin (Hồng Kông) đã được Bộ Y tế cấp giấy phép số 08/GP-2011/03 có giá trị từ ngày 06/10/2011 đến 06/10/2013. Nghĩa là thời điểm mà ông Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường, nay là Thứ trưởng Bộ Y tế ký công văn cho phép nhập khẩu lô hàng thuốc nói trên về Việt Nam là thời điểm mà Công ty Austin (Hồng Kông) hết thời hạn hoạt động tại Việt Nam gần 3 tháng.

Như vậy, mặc dù giấy phép của đơn vị cung cấp thuốc đã hết hạn, hồ sơ nhập thuốc có nhiều sai sót về tên thuốc, thành phần dược tá, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản... nhưng Cục Quản lý dược vẫn cấp giấy phép nhập khẩu. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” qui định tại Điều 285 BLHS. Các cán bộ Cục Quản lý dược có liên quan đã vi phạm nguyên tắc quản lý, khi không kiểm tra để phát hiện không hề có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc tại Canada như VN Pharma ghi trong hồ sơ; phát hiện Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn giấy phép và hàng loạt những sai phạm khác bộc lộ trong hồ sơ…

Cùng đợt nhập khẩu này, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu 7 loại thuốc cùng đều do Công ty Helix Canada sản xuất. Thuốc đã lọt qua nhiều vòng thẩm định hồ sơ, được cấp số đăng ký, đã trúng thầu cung cấp cho nhiều bệnh viện lớn trong toàn quốc. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục Quản lý dược mới cấm lưu hành 7 loại thuốc nói trên. Điều này có nghĩa là hành vi cho phép nhập khẩu 7 loại thuốc kém chất lượng và cho phép lưu hành đã gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Cần lưu ý rằng, từ năm 2012 đến 2014, Công ty VN Pharma đã làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hồng Kông để nhập khẩu nhiều lô thuốc như H2K Levofloxacin, H2K Ciprofloxacin… nhưng do chưa thu được đầy đủ tang vật và tài liệu liên quan nên cơ quan an ninh điều tra không có điều kiện xác định cụ thể số lượng, chất lượng thuốc và giá trị của lô hàng để xử lý.

Do đó, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Tiền chi hối lộ 7,5 tỉ đồng: Thực hay giả?

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) khai nhận việc các bị cáo tự ý nâng khống giá thuốc khi nhập khẩu nhằm hợp thức hóa khoản tiền chi hoa hồng cho bác sĩ. “Muốn bán được thuốc tại các bệnh viện phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg, các loại thuốc khác chúng tôi đều phải chi hoa hồng” - bị cáo Phương cho biết.

Hồ sơ vụ án thể hiện Ngô Anh Quốc (Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện, để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do Công ty VN Pharma nhập khẩu. Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền hoa hồng với số tiền lên đến khoảng 7,5 tỉ đồng.

Các bị can đều khai mục đích việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách.

Lâu nay, câu chuyện nhà thuốc chi hoa hồng cho bác sĩ và bệnh viện là hiện tượng nhức nhối nhưng pháp luật dường như chưa xử lý được vụ việc nào. Vụ án VN Pharma đã có bị cáo khai chi đến 7,5 tỉ đồng hoa hồng để thuốc chống ung thư giả được tiêu thụ, khiến cả xã hội đau nhói tâm can nhưng thật ra đó là chuyện vẫn diễn ra hàng ngày. Bác sĩ xúi bệnh nhân đặt stent tim dù không cần thiết; hay đơn giản hơn là những đơn thuốc rất đắt tiền dù có thể dùng thuốc rẻ hơn hay ít thuốc hơn... Tất cả đều vì hoa hồng.

Do đó, muốn bệnh viện lành mạnh thì phải trị bệnh này cho các bác sĩ. Đây là dấu hiệu của tội nhận hối lộ. Điều 279 BLHS hiện hành về tội nhận hối lộ qui định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng... để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm". Phạm tội trong trường hợp "Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên” thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Chỉ với 300 triệu đã có thể tù chung thân hay tử hình, đến nay VN Pharma khai đã chi hoa hồng đến 7,5 tỉ đồng nhưng cơ quan điều tra chưa làm sáng tỏ thông tin này, những ai đã nhận, nhận bao nhiêu tiền... cũng là dấu hiệu còn bỏ lọt tội phạm.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến)

Chống tham nhũng trong ngành y tế

Em chồng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế có tham gia Công ty CP VN Pharma với cương vị Phó Giám đốc, phụ trách đầu tư.

Nhưng trước đó, trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM về một số thông tin liên quan, bà Tiến cho biết: “ Tôi đã bị bịa đặt, vu khống, dựng chuyện " và " Trong gia đình tôi không ai tham gia vào công ty này cả ”.

Sau khi thông tin được Nguyễn Minh Hùng xác nhận thì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói gia đình không liên quan đến hoạt động của công ty VN Pharma vì thực tế Luật Phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lí, nên việc này là không vi phạm. Theo luật thì em chồng tham gia công ty nào đó là quyền cá nhân… Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khi trả lời tại cuộc họp báo cũng đồng quan điểm như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Căn cứ theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng 2016 thì người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Như vậy đối tượng người thân liên quan đến “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” chỉ có “anh em ruột”, không có anh em bên vợ hoặc chồng. Nói như vậy, theo luật thì em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm Phó Giám đốc VN Pharma không sai.

Điều này cho thấy phạm vi ngăn ngừa của Luật Phòng, chống tham nhũng hẹp hơn Luật Doanh nghiệp. Khoản 17 Điều 2 Luật Doanh nghiệp 2014 giải thích Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp: … Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của nhân viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối…

Trở lại trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bà có thể không biết rằng em chồng mình đang là Phó Giám đốc VN Pharma, nhưng Bộ trưởng buộc phải biết những gì diễn ra ở Cục Quản lý Dược; những hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất và đưa thuốc đến tay người bệnh; phải biết căn bệnh “ hoa hồng” đã làm tha hóa các thầy thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được chữa bệnh của nhân dân. Và đương nhiên Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, dù có thể Bộ trưởng cũng nói là không biết.

Kết mở

Hậu phiên tòa sơ thẩm xử vụ VN Pharma cho thấy nhiều khuất tất cần làm rõ để xử lý theo pháp luật. Đó là vấn đề xác định tội danh, có hay không việc bỏ lọt tội phạm trong vụ VN Pharma, công tác quản lý dược phẩm nhập khẩu, công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành y tế... là những vấn đề nóng bỏng hiện nay mà dư luận đặc biệt quan tâm, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

  Nguyễn Thị Hoa – Phùng Thị Huế

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hau-phien-toa-so-tham-xu-vu-vn-pharma-5-van-de-lon-can-tiep-tuc-dieu-tra-lam-ro-a184195.html