Gần 1.000 người bị thương vì bị lực lượng chức năng Tây Ban Nha dùng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình, các điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý đòi độc lập cho xứ Catalan.
Chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đòi quyền độc lập cho xứ Catalan, chính quyền vùng tự trị ngày 2-10 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để khởi động thảo luận các bước đi kế tiếp hướng đến một tuyên bố tách hoàn toàn khỏi Tây Ban Nha, theo tờ The Guardian.
Nguy cơ tan rã của xứ sở bò tót đang đến gần. Cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha ngày 1-10 đã dùng vũ lực nhằm giải tán nhiều điểm bỏ phiếu tại xứ Catalan khiến gần 1.000 người bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ, theo hãng tin RT. Tuy nhiên, những chống đối bằng vũ lực chỉ khiến căng thẳng tại Tây Ban Nha tăng vọt và đẩy xứ sở Catalan xa dần chính phủ tại thủ đô Madrid.
Viễn cảnh chia ly cận kề?
Theo phát ngôn viên của chính quyền địa phương, đã có gần 2,26 triệu người dân xứ Catalan (gần 43% cử tri của vùng đất này) đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm phản kháng lại các chính sách của chính phủ Tây Ban Nha, các quyết định của tòa án hiến pháp nước này và tòa án cấp cao xứ Catalan.
Thủ hiến Carles Puigdemont, đồng thời là người lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho xứ Catalan, thông báo 90% phiếu bầu ủng hộ ly khai khỏi Tây Ban Nha. Chính quyền Catalan trước ngày 1-10 cũng không đặt ra ngưỡng tối thiểu cử tri tham gia trưng cầu dân ý, khẳng định chỉ trong chưa đầy 48 tiếng kế tiếp sẽ thực thi kết quả bỏ phiếu bất kể số lượng người đi bầu là bao nhiêu chăng nữa. “Chính phủ của tôi trong vài ngày tới sẽ gửi kết quả bỏ phiếu đến nghị viện Catalan, nơi khẳng định chủ quyền của người dân, để nghị viện có thể thực thi đúng theo luật trưng cầu dân ý” - ông Puigdemont khẳng định.
Mâu thuẫn giữa hai chính phủ tại đất nước Tây Ban Nha, một tại xứ Catalan và một tại Madrid, ngày càng leo thang gay gắt. Chính phủ tại Mardid của Thủ tướng Mariano Rajoy ngay từ đầu đã cương quyết xem cuộc bỏ phiếu tại xứ Catalan là bất hợp pháp và vi hiến, từ chối chấp nhận kết quả. Thủ tướng Rajoy cũng tuyên bố cảnh sát Tây Ban Nha đã sử dụng vũ lực chính đáng, tuân thủ đúng phán quyết của tòa án cấp cao Catalan để chặn người biểu tình đến những điểm bỏ phiếu ở các trường học.
Dù hứng chịu nhiều chỉ trích, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha vẫn được ông Rajoy khen ngợi đã hành động “cứng rắn và nghiêm minh” để bảo vệ hiến pháp và nền dân chủ đất nước. “Hôm nay đã không diễn ra cái gọi là trưng cầu dân ý quyền tự quyết tại Catalan. Nền pháp trị vẫn được giữ vững toàn vẹn. Chúng tôi đã thực thi những gì cần thiết. Như tôi đã nói từ đầu, chúng tôi đã hành động đúng theo pháp luật. Chúng tôi đã chứng minh được rằng đất nước dân chủ có đủ nguồn lực để tự vệ trước cuộc tấn công nghiêm trọng đội lốt cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp này. Hôm nay, nền dân chủ đã thắng lợi vì chúng ta tuân thủ đúng hiến pháp” - ông Rajoy ngày 1-10 khẳng định.
Không có ai chiến thắng
Vẫn chưa thể nói trước được ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu gay gắt giữa chính phủ Madrid và xứ Catalan. Thế nhưng bên lãnh phần thua lớn nhất thì đã rõ chính là đất nước Tây Ban Nha, tờ The Guardian nhận định. Cảm giác chua xót của người dân Tây Ban Nha trước viễn cảnh đất nước chia ly có thể tóm gọn trong từng câu, từng lời của vận động viên quần vợt nổi tiếng thế giới Rafael Nadal vào ngày 2-10 vừa qua: “Tôi muốn khóc nấc lên khi nhìn thấy đất nước, vốn được xem là một hình mẫu cho thế giới về sự chung sống hòa thuận, lại rơi vào tình cảnh hiện tại. Phần lớn cuộc đời tôi với rất nhiều khoảnh khắc quan trọng đều nằm ở Catalan. Chứng kiến nơi đây trở nên sục sôi như vậy khiến tôi bàng hoàng và chua xót”.
Không chỉ riêng người dân xứ Catalan mà cả đất nước Tây Ban Nha phải bàng hoàng trước những hình ảnh diễn ra vào ngày 1-10. Cảnh sát chống bạo động cầm dùi cui lao vào đánh người biểu tình, thô bạo lôi người đi bầu ra khỏi các điểm bỏ phiếu, bắn đạn cao su giải tán đám đông. Ngay cả lực lượng nhân viên cứu hỏa và cảnh sát địa phương xứ Catalan cũng là “nạn nhân” của lực lượng chức năng Tây Ban Nha vì làm lá chắn sống bảo vệ người biểu tình. Tờ The Guardian nhận định cách hành xử bạo lực của chính quyền Madrid sẽ đẩy một bộ phận không nhỏ những người Catalan dửng dưng với cuộc trưng cầu dân ý thay đổi quyết định, tham gia vào làn sóng đòi độc lập cho vùng đất này.
Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy viên Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), đã lập tức đề nghị Tây Ban Nha cho các chuyên gia nhân quyền đến thăm xứ Catalan. Ông cũng đồng thời đề nghị chính quyền Madrid cho điều trần tất cả hành động bạo lực. Ủy ban châu Âu (EC) đã khẩn thiết đề nghị tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Chủ tịch EC Jean-Claude Junker đã điện đàm khẩn với ông Rajoy trong ngày 2-10. Tuy nhiên, cơ quan lãnh đạo châu Âu cũng nhìn nhận cuộc trưng cầu dân ý tại Catalan là “bất hợp pháp”.
Công bằng mà nói, bản thân đại đa số người dân xứ Catalan vừa mong muốn có một cuộc trưng cầu dân ý để thể hiện ý nguyện của mình nhưng cũng muốn tiếp tục sống trong một đất nước Tây Ban Nha thống nhất. Trong tuyên bố ngày 2-10, EC đã cảnh báo việc Catalan tách ra khỏi Tây Ban Nha cũng đồng nghĩa là thoát ly khỏi Liên minh châu Âu (EU). Việc đàm phán quay trở lại vào EU đầy gian nan vốn không phải là điều mà người dân xứ Catalan mong muốn. Thế nhưng những quyết định sai lầm của chính quyền Madrid, lẫn sự quyết tâm đến gần như cực đoan của phong trào đòi độc lập ở Catalan đã đẩy đất nước Tây Ban Nha đến gần với viễn cảnh tan rã hơn bao giờ hết.
Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt ngày 2-10 đã lên tiếng kêu gọi các bên tại Tây Ban Nha, bao gồm cả phe đòi độc lập cho xứ Catalan, phải nhanh chóng giảm leo thang, thương thuyết một giải pháp tôn trọng hiến pháp và nền pháp trị tại Tây Ban Nha. Thủ tướng Mariano Rajoy cùng ngày cũng đã tổ chức cuộc họp với các đảng đối lập ở Madrid về tình hình ở Catalan. Tuy nhiên, những nỗ lực cứu vãn tình thế của Madrid giờ đây phải gấp rút chạy đua với thời gian. Cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra, bạo lực đã bùng nổ và chỉ chưa đầy 48 tiếng nữa, Thủ hiến Puigdemont có thể sẽ chính thức tuyên bố ly khai.
Mâu thuẫn từ lịch sử
Năm 1714, vua Philip V của Vương quốc Tây Ban Nha cho chiếm Barcelona và sáp nhập xứ Catalan. Kể từ đó tư tưởng đòi độc lập cho Catalan đã tồn tại dai dẳng suốt gần ba thế kỷ. Dưới thời nhà độc tài Francisco Franco vào năm 1939, ông thi hành chính sách đàn áp các nỗ lực tự trị ở Catalan, quét sạch các định chế và ngôn ngữ riêng biệt làm khoét sâu thêm thù hằn.
Phong trào đòi độc lập hiện tại do Thủ hiến Carles Puigdemont dẫn đầu cho rằng Catalan có quyền tự quyết về văn hóa, kinh tế và chính trị. Những người ủng hộ cảm thấy khu vực giàu có với 7,5 triệu dân đã cho đi nhiều hơn nhận lại từ Tây Ban Nha. Tư tưởng ly khai càng trỗi dậy mạnh mẽ khi khủng hoảng kinh tế Tây Ban Nha kéo dài không thấy lối ra. Quyết định của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha năm 2010 còn đổ thêm dầu vào lửa. Các phần của luật tự trị Catalan năm 2006 đã bị hủy bỏ hoặc sửa đổi khiến quyền tự trị không được mở rộng như người Catalan mong muốn. Tuy nhiên, người Catalan trong suốt bảy năm qua vẫn chọn con đường đấu tranh ôn hòa.
Một cuộc trưng cầu dân ý tượng trưng vào năm 2014 cũng cho kết quả 80% cử tri muốn xứ Catalan độc lập khỏi Tây Ban Nha. Đã có 2,3/5,4 triệu cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu lần đó.
Theo PLO
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tay-ban-nha-doi-dien-nguy-co-tan-ra-a184183.html