Bài 12: Vai trò, vị trí của người bào chữa được “nâng tầm”

(Pháp lý) - Đến tòa theo dõi hoạt động xét xử, nhiều người đã chứng kiến những thay đổi mới về bố trí sắp xếp vị trí ngồi của kiểm sát viên và người bào chữa. Thay vì vị trí cao - thấp giữa Kiểm sát viên và người bào chữa trước đây, thì nay người bào chữa được ngồi ngang hàng với kiểm sát viên. Đó là biểu hiện bước đầu của những thay đổi tích cực dễ nhìn thấy nâng cao vai trò người bào chữa trong BLTTHS 2015…

Thay đổi từ chỗ ngồi

Từ giữa năm 2016, Chánh án TAND tối cao đã có công văn về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án theo quy định của BLTTHS 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Theo đó, mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự thông thường như sau: HĐXX ngồi trên bục cao nhất; thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX; đại diện VKS và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, các đương sự ngồi đối diện nhau và ở phía dưới HĐXX; thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi như sau: Tất cả người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đều ngồi trên một mặt phẳng. HĐXX ngồi ở giữa; đại diện VKS ngồi ở bên phải HĐXX; người giám hộ, người dưới 18 tuổi, luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi ngồi đối diện với HĐXX.

[caption id="attachment_184062" align="aligncenter" width="571"] Hình ảnh phiên tòa nơi người bào chữa được ngồi ngang hàng với kiểm sát viên
Hình ảnh phiên tòa nơi người bào chữa được ngồi ngang hàng với kiểm sát viên[/caption]

Việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW năm 2005, Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

 Điều 72 của BLTTHS 2015 quy định về người bào chữa. Theo đó: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Quy định về người bào chữa trong BLTTHS 2015 đã có những thay đổi nhất định so với quy định cũ. Cụ thể, trước đây người bào chữa muốn thực hiện hoạt động bào chữa phải xin cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng hiện nay là thủ tục đăng kí bào chữa. Việc chuyển đổi này là một trong những điểm đột phá khi xác lập địa vị pháp lý của người bào chữa trong TTHS. Về bản chất, thủ tục này đã hủy bỏ rào cản lớn, xóa bỏ cơ chế hành chính xin cho giữa người bào chữa với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Trước đây, quy định về bào chữa viên nhân dân trong BLTTHS 2003 còn chưa cụ thể dẫn đến việc có quy định nhưng không thể thực hiện trong tố tụng. Quy định trong Bộ luật mới đã khắc phục hạn chế này. Cụ thể, khoản 3 điều 72 quy định: “Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình”. Việc quy định như vậy tạo cơ sở cho tổ chức và hoạt động của bào chữa viên nhân dân thành hệ thống tích cực, tham gia vào hoạt động bào chữa.

Phòng ngừa khả năng bị ép buộc từ chối bào chữa

Nếu nghiên cứu 3 vụ án oan sai từng được dư luận quan tâm là vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long và Huỳnh Văn Nén, sẽ thấy kết luận chung là, chính vì sự vắng mặt của luật sư hay người bào chữa ngay từ đầu (từ giai đoạn khởi tố vụ án, điều tra vụ án), bị can không có “quyền im lặng”, cho nên mới có tình trạng ép cung, bức cung, nhục hình. Để khắc phục hạn chế về sự thiếu vắng người bào chữa, BLTTHS 2015 quy định cụ thể về quy trình, thời gian mời người bào chữa trong tiến trình tố tụng. Điều 75, BLTTHS 2015 quy định: “Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn; Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa; Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa”.

[caption id="attachment_184063" align="aligncenter" width="534"] Sự tham gia của người bào chữa có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn và hạn chế oan sai (ảnh minh họa)
Sự tham gia của người bào chữa có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn và hạn chế oan sai (ảnh minh họa)[/caption]

Trong thực tế tố tụng có hiện tượng nhiều bị can làm đơn xin từ chối luật sư, nhưng khi ra tòa, lại nói do bị điều tra viên bắt viết đơn với nội dung như vậy. Còn cơ quan điều tra lại nói không ép buộc bị can viết đơn từ chối luật sư… Để hạn chế tình trạng bị ép từ chối luật sư, Điều 77 của BLTTHS 2015 quy định: “Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này. Các quy định mới về người bào chữa trong BLTTHS hiện nay kì vọng sẽ giúp nâng tầm vị thế của người luật sư nói riêng và người bào chữa nói chung, tạo bước chuyển lớn trong cải cách tư pháp.

Vẫn lo ngại vì những xung đột…

Về quy định liên quan đến bào chữa viên nhân dân, trong BLTTHS 2015 đã quy định cụ thể về điều kiện tiêu chuẩn. Để hoàn chỉnh hơn, cần có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí, trình tự, thủ tục trở thành bào chữa viên nhân dân.

Mặc dù những quy định về người bào chữa là tiến bộ, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những hạn chế, làm khó người bào chữa trên thực tế. Điều 73 của BLTTHS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Các quyền được quy định theo hướng mở rộng hơn quy định cũ. Theo đó “Người bào chữa có quyền: “…Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can” hay “Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này”. Trong các trường hợp đề cập như trên thì việc người bào chữa thực hiện quyền của mình thì phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Điều này thực tế là rào cản, bởi vì hoạt động của người bào chữa quá lệ thuộc vào sự cho phép của cơ quan thẩm quyền, như vậy vẫn còn nặng cơ chế xin cho.

Cũng cùng trong điều 73 của Bộ luật này quy định: “Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quy định như vậy làm xung đột với quy định tại điều 19 của BLHS 2015 sửa đổi 2017, theo đó “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.” Theo đó, người bào chữa vừa có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin của người được bào chữa, lại vừa có nghĩa vụ tố giác tội phạm theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi 2017.

Anh Tâm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-12-vai-tro-vi-tri-cua-nguoi-bao-chua-duoc-nang-tam-a184061.html