Sáng ngày 30-9, trong buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã kiến nghị Quốc hội 6 nội dung cần sửa đổi trong Luật Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, thành phố Hà Nội kiến nghị cho phép được chủ động lựa chọn nhà đầu tư ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội (Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Xuân Mai); Phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư công nhóm A vốn ngân sách thành phố;
Cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù trong chủ động xem xét quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư với các dự án có quy mô diện tích và tổng vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị của thành phố.
Đồng thời, phân cấp cho Hà Nội thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án: sử dụng từ 1 ha đất trở lên của khu di tích lịch sử cấp quốc gia; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khu vui chơi giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, trung tâm mua sắm có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên hoặc có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.
Quỹ đất sau di dời các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập được giao cho Hà Nội quản lý, sử dụng và ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không sử dụng để xây chung cư cao tầng không phù hợp với quy hoạch.
Với quỹ đất do các cơ quan đơn vị quản lý được chuyển đổi mục đích sử dụng, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất sẽ được bán đấu giá. Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngân sách địa phương được hưởng tối thiểu 50% để tạo nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực dự án sau khi di dời.
Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội cho phép UBND TP thực hiện hình thức thu tiền tương đương 25% diện tích đất ở hoặc diện tích nhà của các dự án nhà thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố theo khoản 4 Điều 16 Luật Thủ đô để phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung có quy mô tương ứng, thay thế cho việc phải dành diện tích quỹ đất hoặc quỹ sàn nhà ở xã hội trong từng dự án khu nhà ở, khu đô thị theo Luật Nhà ở, Luật Thủ đô và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
“Thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung hai tiêu chí để đưa chung cư cũ vào kế hoạch cải tạo, xây dựng mới. Cụ thể: chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; chung cư cũ có hạ tầng quá tải, không đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nêu rõ.
Đồng thời, thành phố đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, quản lý kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở.
Theo PLXH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thanh-pho-ha-noi-kien-nghi-6-noi-dung-can-sua-doi-trong-luat-thu-do-a184055.html