Những đối tượng lưu trú tạm thời không có giấy tờ tùy thân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Từ ngày 1-10 đến 15-11, Công an TP Hà Nội sẽ tổ chức tổng kiểm tra nhân, hộ khẩu trên toàn TP. Đối tượng kiểm tra bao gồm tất cả người đang cư trú, lưu trú trên địa bàn TP, trong đó có cả người đang sinh sống trên sông nước, người lang thang cơ nhỡ.
Không giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an TP Hà Nội cho hay: “Đợt kiểm tra sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-10 và kết thúc vào 24 giờ ngày 15-11-2017. Đây là công việc Công an TP Hà Nội thực hiện thường xuyên theo kế hoạch hằng năm. Trong thời điểm hiện nay nó có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn”.
Theo đó, đợt tổng kiểm tra này đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Đánh giá thực trạng các loại nhân, hộ khẩu trên địa bàn, từ đó rà soát, xác định chính xác các loại đối tượng trên địa bàn; bổ sung thông tin dân cư, phục vụ hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an TP Hà Nội; kịp thời phát hiện các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; căn cứ trên kết quả tham mưu cho các cấp trong hoạch định chính sách, giải pháp về kinh tế-xã hội nói chung và công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói riêng.
“Đặc biệt, đợt tổng kiểm tra này Công an TP Hà Nội cũng tổng rà soát, kiểm tra cư trú ở địa bàn công cộng, trường hợp cư trú trên mặt nước, các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở tôn giáo…” - ông Thắng nói.
Đối với trường hợp thường trú trên địa bàn, người dân chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu. Trong trường hợp thông tin tại sổ hộ khẩu có sai lệch với hồ sơ của cơ quan công an thì người dân có thể trình thêm CMND (hoặc căn cước công dân), giấy khai sinh để bổ sung, điều chỉnh. Trường hợp tạm trú thì người đăng ký tạm trú chỉ cần trình sổ tạm trú. Với những người lang thang cơ nhỡ hoặc cư trú chưa có hộ khẩu thường trú, sổ tạm trú, cơ quan công an sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân. Nếu không có giấy tờ tùy thân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
[caption id="attachment_184047" align="aligncenter" width="513"] Kiểm tra tạm trú, tạm vắng tại một khu nhà trọ công nhân. Ảnh: DƯƠNG HÀ[/caption]
Ngăn nhũng nhiễu bằng đường dây nóng
Theo ông Thắng, Công an TP đã triển khai kế hoạch đến công an 30 quận, huyện, thị của Hà Nội. Sau đợt tổng kiểm tra, Công an TP sẽ có đoàn kiểm tra để phúc tra lại việc thực hiện kế hoạch trên của từng đơn vị. Việc kiểm tra cư trú tại địa bàn phường do cảnh sát khu vực phối hợp với tổ dân phố thực hiện, còn ở xã sẽ do công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự phối hợp với công an xã, trưởng thôn thực hiện.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, lực lượng cảnh sát khu vực (tại phường), công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự (tại xã) sẽ chủ động chắp mối, liên hệ với công dân, bố trí bất kể thời gian nào trong ngày thuận lợi cho người dân nhất để gặp trực tiếp, tiến hành kiểm tra.
Đặc biệt để tránh phiền hà cho người dân, Công an TP và PC64 cũng có đường dây nóng. Cụ thể, đường dây nóng của Công an TP Hà Nội là 0692196422 và của PC64 là 0692191555. Số điện thoại này được công khai trên cổng thông tin điện tử để người dân phản ánh nếu gặp phải sự phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình kiểm tra nhân, hộ khẩu. “Các phản ánh, liên hệ của công dân qua những đường dây nóng trên sẽ được chúng tôi tiếp nhận, giải quyết, xử lý” - ông Thắng khẳng định.
Công an đi kiểm tra phải có giấy tờ
Nghị định 208/2013 và Thông tư 37/2015/TT-BCA quy định lực lượng thi hành công vụ khi làm việc phải sử dụng đúng trang phục công an nhân dân (đồng bộ, gọn gàng, sạch sẽ…). Khi tiến hành thủ tục kiểm tra phải có chuẩn mực trong ứng xử, có thái độ tôn trọng người dân, có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách, chức vụ.
Theo PLO
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ngan-nhung-nhieu-trong-dot-tong-kiem-tra-ho-khau-a184046.html