(Pháp lý) - Không chỉ cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được quyền thu thập chứng cứ mà người bị buộc tội, người bào chữa và một số người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ (quy định tại BLTTHS 2015).
Người bào chữa được thu thập chứng cứ
Một nguyên tắc quan trọng trong tranh tụng để tránh oan sai là có bên buộc tội thì cũng có bên gỡ tội. Để có thể buộc tội hay gỡ tội thì đều cần có quá trình thu thập chứng cứ để chứng minh có tội hay vô tội. Tuy nhiên trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 được ban hành thì chưa có quy định rõ ràng trong việc xem xét chứng cứ của bên gỡ tội là người bào chữa hoặc người bị buộc tội. Điều này có thể thấy qua nhiều vụ án.
Một vụ án xảy ra tại TPHCM, bị cáo phạm tội giết người bị mức án chung thân. Gia đình bị hại kháng cáo vì mức án quá nặng, luật sư bào chữa cung cấp chứng cứ tự thu thập, chứng minh thời điểm phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi và yêu cầu hủy án để điều tra lại. HĐXX cho rằng, yêu cầu hủy án của luật sư không có căn cứ.
[caption id="attachment_183975" align="aligncenter" width="527"]
Bên muốn gỡ tội trình chứng cứ trước tòa và không nhất thiết phải trình cho cơ quan điều tra trong một vụ án (ảnh minh họa: Người làm chứng trong vụ án đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Phương Nga đang cung cấp chứng cứ cho Tòa)[/caption]
Sau phiên tòa, luật sư ngao ngán nói: Tôi đã bỏ công về quê của bị cáo và tìm hiểu qua nhiều người, nhiều loại giấy tờ pháp lý thì được biết bị cáo bị khai tăng 2 tuổi so với năm sinh thực để đi làm. Tuy nhiên tại phiên tòa HĐXX không phân tích tại sao không chấp nhận chứng cứ do tôi cung cấp mà chỉ nói không xem xét, không có cơ sở để xem xét chứng cứ… Điều này gây tâm lý thiếu tin tưởng vào quyết định cuối cùng của tòa.
Khắc phục vấn đề xem nhẹ chứng cứ do luật sư hay người bào chữa cung cấp, điều 86 BLTTHS 2015 quy định: "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này qui định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án" và Điều 88 BLTTHS quy định “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa; Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án; Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này…”.
So sánh nội dung này với Bộ luật TTHS 2003 thì Bộ luật TTHS 2015 mở rộng chủ thể có quyền thu thập chứng cứ là người bào chữa, chứ không chỉ là các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Với việc cho phép người bào chữa tham gia thu thập chứng cứ đã tạo điều kiện để việc phát hiện và xử lý tội phạm được nhanh chóng, hơn nữa góp phần đáng kể trong việc tạo được sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, bình đẳng trong việc tranh tụng tại phiên tòa và có thể nói đây là bước đột phá trong tư duy về cải cách tư pháp trong tố tụng hình sự.
Không chỉ trao quyền, điều luật còn chỉ rõ cách thức mà người bào chữa được quyền sử dụng để thu thập chứng cứ gồm: “Gặp thân chủ, gặp bị hại, người làm chứng, những người có liên quan đến vụ án để hỏi, nghe họ trình bày, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa”. Trước những quy định này nhiều luật sư kì vọng, sẽ rõ ràng trong trách nhiệm xem xét chứng cứ do luật sư cung cấp, tạo sự dân chủ, minh bạch tại phiên tòa.
Chứng cứ điện tử được ghi nhận và quy định rõ ràng
Trên thực tế đã và đang có rất nhiều vụ án diễn ra trên môi trường Internet, những thương vụ làm ăn xuyên quốc gia, cá độ, đánh bạc qua mạng… Và các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã và đang sử dụng những chứng cứ thu thập được trong môi trường này sử dụng là nguồn chứng cứ trong một vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc này chỉ được ghi nhận ở những văn bản hướng dẫn dưới luật, cơ sở pháp lý chưa cao. Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như hiện nay, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi thì việc công nhận chứng cứ từ dữ liệu điện tử là một bước tiến trong tố tụng hình sự ở nước ta.
Theo đó, điều 99 BLTTHS 2015 quy định: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử; Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác; Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”.
BLTTHS 2015 cũng quy định rõ việc thu thập chứng cứ điện tử, bảo quản phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử. Việc chuyển dữ liệu điện tử từ dạng số hóa nhị phân (dạng chuỗi mã hóa bởi số 0 và 1) thành dạng có thể đọc, nghe, nhìn được trước tòa là cực kỳ tiến bộ, bám sát với thực tiễn hiện nay trên toàn thế giới.
Ngoài quy định tiến bộ trên, về nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm hay chứng cứ gỡ tội còn quy định cụ thể, rõ ràng hơn một số nguồn chứng cứ như lời trình bày, biên bản trong hoạt động khởi tố, thi hành án, đã bổ sung thêm các nguồn chứng cứ . Đồng thời việc thu thập phương tiện điện tử và dữ liệu chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 107 bộ luật này.
[caption id="attachment_183976" align="aligncenter" width="410"]
Chứng cứ điện tử được quy định cụ thể tại Điều 99 BLTTHS 2015[/caption]
Kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kiểm sát tố tụng
Để chứng minh trong một vụ án hình sự không chỉ đơn thuần là thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu theo công thức số học, liệt kê mà đỏi hỏi thông qua hoạt động của tri thức, tư duy khách quan, phân tích tổng hợp, logic biện chứng. Vì vậy, sau khi thu thập các chứng cứ thì cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Như vậy, hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ chính là hoạt động của tư duy biện chứng đối với các sự việc khách quan. BLTTHS năm 2015 quy định việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại Điều 108.
Theo đó, chứng cứ chỉ được công nhận khi được thu thập theo đúng quy định của pháp luật. Trước đây có hiện tượng lạm quyền của cơ quan điều tra, chủ quan của cơ quan kiểm sát khi thu thập chứng cứ dẫn đến nhiều án oan. Để hoạt động này khách quan, minh bạch, phần quy định về chứng minh, chứng cứ trong BLTTHS 2015 còn cụ thể hơn về vai trò kiểm sát đối với hoạt động điều tra, lập hồ sơ vụ án của điều tra viên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Kiểm sát viên tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động điều tra, lập hồ sơ vụ án của Điều tra viên, đồng thời là căn cứ để Kiểm sát viên thực hiện tốt hơn quyền công tố của mình trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự.
Tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Vì vậy, đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
Minh Hải
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-10-pha-the-doc-quyen-trong-thu-thap-chung-cu-a183972.html