Những vấn đề trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra tranh luận trong gần hết thời lượng của buổi họp báo chuyên đề tổ chức sáng ngày 27/9.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong việc cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, người lao động cũng chưa mặn mà làm tròn trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót. Đến khi ván đã đóng thuyền các nghệ sĩ mới nêu lên thì khó cho cơ quan Nhà nước và cả nhà đầu tư.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là một sự kiện "phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp.
Từ tâm điểm câu chuyện "đất vàng" quanh vụ lùm xùm tại VFS, đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc đầu tiên là cần thực hiện sắp xếp lại danh mục đất đai, bất động sản thuộc quyền quản lý và sử dụng trước khi cổ phần hóa. Sau đó xem xét mục đích sử dụng để có phương án đánh giá, tránh những trường hợp thiếu sót trong quá trình định giá doanh nghiệp.
"Đất đai của Hãng Phim truyện quy hoạch như thế nào thì sử dụng như vậy. Nếu là xưởng phim, trường quay thì sẽ sử dụng làm xưởng phim trường quay; còn nếu thay đổi quy hoạch làm chung cư, siêu thị thì cần xin chuyển đổi, và khi đó phải đánh giá lại", ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cũng cho biết, thực tế, khi triển khai cổ phần hoá phải tổ chức một số buổi trao đổi để phổ biến phương án, thông tin cổ đông cho người lao động, tạo cơ hội cho họ có ý kiến, nếu không đồng thuận phải dừng lại. Tránh trường hợp, cơ quan Nhà nước triển khai cổ phần hoá chưa hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động mà nóng vội triển khai gây bức xúc.
Nhìn rộng ra, ở nhiều đơn vị, về vấn đề đất đai sau cổ phần hoá, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư và Quyết định 09/QĐ-TTg về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Do đó, nếu đơn vị có đất ở đô thị lớn hoặc đất đai sản xuất kinh doanh thường phải chủ động triển khai theo quy định. Trong cổ phần hoá cần xác định giá trị doanh nghiệp ngay từ lúc có chủ trương.
Trước đó, các nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đã có đơn kêu cứu sau gần ba tháng hãng được Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại. Sau khi cổ phần hoá, Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là đơn vị nắm giữ 65% cổ phần chưa từng có kinh nghiệm về làm phim.
Trước hàng loạt sự kiện xoay quanh vụ việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo ANTT
Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-phan-hoa-hang-phim-con-nhieu-goc-khuat-a183940.html