Bài 9: Những nguyên tắc mới của Bộ luật TTHS 2015

(Pháp lý) - Những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2015 được quy định từ Điều 7 đến Điều 33, Chương II. So với BLTTHS 2003, mặc dù số lượng điều luật quy định về các nguyên tắc trong TTHS có giảm bớt (từ 29 điều xuống còn 26 điều) nhưng BLTTHS 2015 vẫn đảm bảo kế thừa được các nguyên tắc quan trọng cơ bản của BLTTHS 2003 và bổ sung các nguyên tắc mới phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Pháp lý xin giới thiệu về những nguyên tắc mới đáng chú ý trong BLTTHS 2015.

[caption id="attachment_183841" align="aligncenter" width="518"]Lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội đã được chính thức quy định trong BLTTHS 2015 (ảnh minh họa về quang cảnh một phiên tòa) Lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội đã được chính thức quy định trong BLTTHS 2015 (ảnh minh họa về quang cảnh một phiên tòa)[/caption]

Nguyên tắc suy đoán vô tội

Điều 13 BLTTHS 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Có thể nói lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội được chính thức quy định trong BLTTHS 2015. Đây là một quy định tiến bộ là sự cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội. Nó không chỉ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước mà còn chứng tỏ quyền con người ngày càng được pháp luật trân trọng, bảo vệ.

Đề cập đến tầm quan trọng của nguyên tắc này trong tố tụng hình sự, PGS-TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng: Nguyên tắc suy đoán vô tội là nền tảng, thể hiện cô đọng nhất những bảo đảm pháp lý cho quyền bào chữa của bị can. Bởi lẽ người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Họ có thể từ chối khai báo hoặc tham gia vào các hoạt động điều tra nào đó. Lập luận theo kiểu “nếu không chứng minh được sự vô tội của mình có nghĩa là có tội” là trái với suy đoán vô tội vì đã chuyển nghĩa vụ chứng minh từ bên buộc tội sang bên người bị buộc tội.

BLTTHS 2015 rất tiến bộ khi quy định cơ quan buộc tội không chứng minh được tội phạm của bị cáo thì đồng nghĩa với sự vô tội của bị cáo đã được chứng minh và tòa phải tuyên bị cáo không có tội. Suy đoán vô tội được thừa nhận cho đến khi bản án kết tội của tòa có hiệu lực.

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo

Được quy định tại Điều 26 BLTTHS năm 2015. Tranh tụng là việc một bên có quyền biết chứng cứ và lập luận của bên kia đồng thời đưa ra các chứng cứ và lập luận để phản bác. Tranh tụng là một trong những phương pháp tốt nhất chẳng những tìm ra được sự thật của vụ án mà còn đảm bảo được quyền con người trong tố tụng hình sự. Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động xét xử của Tòa án phải đảm bảo sự tranh tụng của những người tham gia tố tụng (người có thẩm quyền tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác) và những người tham gia tố tụng có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án và được quyền tranh luận dân chủ công khai trước phiên tòa.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Trách nhiệm của Tòa án là phải bảo đảm các điều kiện nói trên theo quy định của BLTTHS 2015 để những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong việc tranh tụng. Theo đó bản án, quyết định của Tòa án không chỉ căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ mà còn phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm

Điều 14, BLTTHS năm 2015 quy định: “Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm”.

Quy định nguyên tắc này, BLTTHS năm 2015 góp phần tích cực trong việc phòng chống oan sai và hạn chế việc cơ quan tiến hành tố tụng quy kết võ đoán đối với người không phạm tội. Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội cũng là sự kế thừa và phát huy mặt tích cực của BLTTHS năm 2003 được quy định tại khoản 4 Điều 107, những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự: “Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án có hiệu lực pháp luật”.

Nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự

Điều 33, BLTTHS 2015 quy định: “Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”

Như vậy so với nguyên tắc giám sát trong tố tụng hình sự được đề cập tại Điều 32 BLTTHS 2003, nguyên tắc giám sát trong tố tụng hình sự được đề cập trong BLTTHS 2015 có sự điều chỉnh bổ sung. Bên cạnh việc giám sát của các cơ quan Nhà nước, Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử; các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn phải thường xuyên tự kiểm tra và thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trong quy trình tố tụng.

Nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân

Điều 11 BLTTHS năm 2015 quy định: “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác”. Quy định công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác, được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoản 2, Điều 17 nêu: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác”.

Quy định mới này thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trước trách nhiệm đối với công dân mang quốc tịch Việt Nam. Nguyên tắc này của BLTTHS năm 2015 được thực hiện trong phạm vi quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự và có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra

Trong tố tụng hình sự, điều tra là một giai đoạn tố tụng đồng thời là hoạt động tố tụng có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Điều tra là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động khác để xác định sự thật vụ án. Với những ý nghĩa như vậy, hoạt động điều tra đòi hỏi phải tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong đó là các quy định của BLTTHS và các quy định pháp luật nói chung. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra là nguyên tắc mới được bổ sung trong BLTTHS 2015.

Điều 19 BLTTHS 2015 quy định “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này. Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án”.

Các nguyên tắc cũ quan trọng trong BLTTHS 2003 mà BLTTHS 2015 kế thừa như: Đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa; Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật; Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín tài sản của pháp nhân; Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân; Xác định sự thật vụ án; Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự; Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự; Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; Thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm tham gia; Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Tòa án xét xử tập thể; Tòa án xét xử kịp thời công bằng công khai; Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo; Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án; Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; Bảo đảm quyền được khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự.

M.T

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-9-nhung-nguyen-tac-moi-cua-bo-luat-tths-2015-a183840.html