TANDTC mong CITES hỗ trợ trong xét xử tội phạm liên quan đến Công ước CITES

Chiều 20/9, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã tiếp Đoàn Ban thư ký CITES do ông Barend Janse Van Rensburg, Trưởng ban thực thi pháp luật, Ban Thư ký Công ước CITES dẫn đầu thăm và làm việc với TANDTC.

Tại buổi tiếp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã thông tin với Đoàn công tác về số lượng vụ án phải xét xử của hệ thống TAND Việt Nam. Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm TAND xét xử từ 350 nghìn đến 460 nghìn lượt vụ án (bao gồm cả sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm). Các vụ án hình sự chiếm khoảng 79.000 – 84.000 lượt vụ án. Số vụ án năm sau được thụ lý, giải quyết tăng trung bình khoảng 9% so với năm trước. Tỷ lệ hài lòng với bản án sơ thẩm khoảng 80%, bản án bị phúc thẩm chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, tỷ lệ bản án bị hủy, sửa chiếm khoảng 5%.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tiếp Đoàn Ban thư ký CITES
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tiếp Đoàn Ban thư ký CITES)

Số lượng vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác đặc biệt ít và chỉ tập trung vào một số địa bàn nóng. Theo báo cáo của các Tòa án cho thấy từ năm 2010-2017 chỉ có 8 vụ án về buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác. Trong đó xảy ra chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh với 6 vụ, Tây Ninh 1 vụ và Thái Bình 1 vụ.

Tòa án các cấp Việt Nam đã xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, việc tuyên án đã đảm bảo nghiêm minh, có tính giáo dục, răn đe người phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo là tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và phù hợp trong mối tương quan với các tội phạm khác. Qua thực tiễn xét xử và các báo cáo độc lập cũng cho thấy Việt Nam là điểm trung chuyển của mặt hàng này chứ không đơn thuần là thị trường tiêu thụ sừng tê giác.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, thực tế cho thấy, nhiều năm qua Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm để quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản, ông Tuệ nhấn mạnh. Từ năm 2007, TANDTC cùng một số cơ quan có liên quan đã có Thông tư liên tịch để hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực này. Tiếp đó, BLHS 2015 đã quy định rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các Thẩm phán xét xử các tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chế biến sừng tê giác. BLHS 2015 có 3 điều luật xử lý các tội phạm liên quan đến Công ước CITES, đó là các Điều 232, 234 và 244. Bộ luật này đã quy định rõ hơn việc xử lý đối với hành vi phạm tội tàng trữ, buôn bán, vận chuyển đối với cá thể hoặc bộ phận cơ thể; hình sự hóa hành vi của pháp nhân (Điều 76) đối với tội quy định tại các Điều 232, 234 và 244. Tiếp đó, Bộ luật cũng đã nâng mức cao nhất của hình phạt tù từ 7 năm (BLHS 1999) lên 15 năm (BLHS 2015), nâng mức hình phạt tiền đối với người thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp tại khung cơ bản từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng, tăng mức phạt tù từ 1 năm lên 5 năm.v.v…

 

 Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác)

Trên tinh thần này, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ mong muốn Ban thư ký CITES tạo điều kiện, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan tư pháp trong việc tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực xét xử các tội phạm liên quan đến Công ước CITES và hỗ trợ thực thi các quy định có liên quan trong BLHS 2015.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Barend Janse Van Rensburg, Trưởng ban thực thi pháp luật, Ban Thư ký Công ước CITES đánh giá cao công tác xét xử của hệ thống Tòa án Việt Nam liên quan đến tội phạm của Công ước CITES. Ông Barend Janse Van Rensburg cũng hy vọng, BLHS 2015 sắp có hiệu lực tại Việt Nam sẽ là công cụ hữu hiệu để trấn áp nhóm tội phạm buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tandtc-mong-cites-ho-tro-trong-xet-xu-toi-pham-lien-quan-den-cong-uoc-cites-a183597.html