Tài sản bất minh của quan chức: Xử thế nào?

Kinh nghiệm của các nước là nếu quan chức không giải trình được nguồn gốc tài sản thì chuyển cho tòa án để thu hồi.

Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Theo tờ trình của Chính phủ, sau 10 năm thi hành, Luật PCTN đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh PCTN theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư “lò đã nóng, củi tươi vào cũng phải cháy”. Theo đó, lần này dự luật sẽ được sửa toàn diện, đưa nhiều điểm mới, chỉ giữ nguyên bảy điều của luật cũ…

Kê khai rồi bỏ ngăn kéo

Trình bày tờ trình về dự luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. “Những điều này gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước” - ông Long nói.

Theo ông Long, có tám nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó có nguyên nhân minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chưa hiệu quả. Để khắc phục, ông Long cho hay dự thảo luật lần này đã đưa riêng một chương (chương III) để quy định minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức, trong đó bao gồm các quy định về: Kê khai tài sản, thu nhập; quản lý bản kê khai; theo dõi biến động; xác minh tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình hợp lý.

Cho ý kiến nội dung này, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết hiện nay kê khai tài sản cứ cất vào ngăn bàn, khi nào bổ nhiệm hay có vấn đề đơn thư mới tiến hành kiểm tra. “Dự thảo luật đưa vào Điều 40 về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập - cũng là cơ quan có thẩm quyền xác minh. Khi xác minh phát hiện có dấu hiệu bất minh thì trách nhiệm xử lý thế nào?” - ông Phong đặt vấn đề.

Ông Phong cho hay kinh nghiệm của các nước khi phát hiện ra người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản có sự bất minh thì họ yêu cầu chính người đó giải trình. Sau sáu tháng anh không giải trình được thì chuyển cho tòa án để thu hồi. “Họ làm như vậy rất hợp pháp, minh bạch. Nếu có khiếu kiện thì tòa xử. Chứ nếu sử dụng như quy định đưa ra trong dự thảo thì có hai trường hợp xảy ra là cơ quan nào cũng đặt ra yêu cầu xác minh, mà xác minh không có nghiệp vụ thì dễ xảy ra oan, sai. Còn nếu xác minh đúng nhưng cơ quan không có thẩm quyền mà xử lý thì trái luật” - ông Phong nói.

 Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết hiện nay bản kê khai tài sản toàn cất vào ngăn bàn... Ảnh: TRỌNG PHÚ
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết hiện nay bản kê khai tài sản toàn cất vào ngăn bàn... Ảnh: TRỌNG PHÚ)

Quan chức móc ngoặc doanh nghiệp, phải xử

Một trong những điểm mới của dự luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực tư, theo đó một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động của luật. Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay đa số ý kiến tán thành việc này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực tư đã được BLHS điều chỉnh.

“Trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đây vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, người ở khu vực tư sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của hành vi tham nhũng” - bà Nga nói và cho hay luồng ý kiến này đề nghị chưa mở rộng, đề nghị làm tốt PCTN trong khu vực nhà nước trước.

Về nội dung này, ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng nên cân nhắc có quy định PCTN ở khu vực tư vì thực tế cho thấy “giữa cán bộ cấp cao với doanh nghiệp là có vấn đề rồi”. Ông nói: “Bảy năm trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa cán bộ cấp cao với doanh nghiệp và đến nay thực tế đã có và đã xét xử. Phải làm, nếu không luật sẽ bỏ lọt tội phạm tham nhũng, sẽ buông lỏng kiểm soát quyền lực dẫn đến tham nhũng về chính trị, chính sách”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: “Dự luật sửa đổi lần này mở rộng phạm vi, theo hướng áp dụng với tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài nhà nước. Cái này phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải nghiên cứu kỹ. Phải đánh giá tác động đến các đối tượng trên để luật khả thi, không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, làm những điều pháp luật không cấm của họ”.

Làm việc gì cũng phải lót tay?

Tình trạng tham nhũng vặt gây băng hoại đạo đức xã hội khiến người dân bức xúc nhưng chưa được dự luật quan tâm đúng mức. Cử tri vào bệnh viện công muốn tiêm bớt đau thì phải chi 20.000-50.000 đồng. Tôi có người bạn đã rớt nước mắt vì quên đưa tiền cho mẹ nên mẹ anh bị tiêm đau. Như bản thân tôi khi sinh cháu trong bệnh viện nếu không bỏ tiền trong tã thì tắm không sạch. Tôi sinh cháu năm 2001 hiện tượng đó đã có, đến nay cử tri phản ánh vẫn còn. Đây là hành vi nhỏ nhưng gây xói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp của người dân, gây ra tâm lý khi làm việc gì cũng phải có lót tay.

Đề nghị ban soạn thảo dự luật quan tâm đến vấn đề này và đặc biệt phải đưa ra quy định bắt buộc công khai, giám sát các quy trình, thủ tục dễ nảy sinh tham nhũng vặt…

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội NGUYỄN THANH HẢI


Tặng quà phi vật chất thì phải làm sao?

Cho ý kiến về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định băn khoăn về quy định tặng quà và nhận quà tặng (Điều 26 dự thảo). Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Khi được tặng quà thuộc trường hợp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà.

“Theo Điều 354, 364 BLHS (tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ - PV) thì có loại quà là quà phi vật chất. Mà quà phi vật chất thì không trả lại được, không nộp lại được” - ông Định nói.

 

Theo PLO

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tai-san-bat-minh-cua-quan-chuc-xu-the-nao-a183580.html