Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Thương hiệu VFS không thể là số 0

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh – Giám đốc Bran Finance Việt Nam cho rằng, giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tuy không thể so sánh với các hãng phim của thế giới nhưng chắc chắn phải có một giá trị nhất định chứ không thể bằng con số 0.

Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng, thương hiệu của VFS không thể là con số 0 (ảnh TX)
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng, thương hiệu của VFS không thể là con số 0 (ảnh TX))

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm là việc định giá thương hiệu ở Việt Nam đã được quan tâm chưa trong quá trình triển khai cổ phần hóa, mua bán, sát nhập?

-Tôi cho rằng, vấn đề định giá tài sản thì chúng ta đã quen thuộc còn định giá thương hiệu thì ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Mặc dù ở trên thế giới, việc định giá thương hiệu đã được triển khai từ rất lâu, thương hiệu là thứ không cân đong đo đếm được, không có giá trị vật chất nhưng nó vẫn được coi là tài sản vô hình rất đáng quý của các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam thì thương hiệu vẫn ở giai đoạn sơ khởi, mọi người không hình dung được thương hiệu được tính toán bằng tiền nên trong làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, có rất nhiều trường hợp không đưa vào danh mục chủ đạo để đặt lên bàn đàm phán với nhà đầu tư. Chủ yếu chỉ đàm phán các tài sản hữu hình, đất đai, nhà cửa, tài sản thể hiện trên sổ sách, giấy tờ. Do đó, có rất nhiều công ty của Nhà nước có tên tuổi trên thị trường, để lại dấu ấn nhất định nhưng lại không được xem xét giá trị thương hiệu là một món tài sản mà chỉ trao lại cho bên mua như một sự nghiễm nhiên, gây ra thiệt thòi. Ở góc độ nào đó, việc bỏ qua giá trị thương hiệu là đã làm thất thoát tài sản cho Nhà nước.

"Trong làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, có rất nhiều trường hợp không đưa vào danh mục chủ đạo để đặt lên bàn đàm phán với nhà đầu tư. Chủ yếu chỉ đàm phán các tài sản hữu hình, đất đai, nhà cửa, tài sản thể hiện trên sổ sách, giấy tờ. Việc bỏ qua giá trị thương hiệu là đã làm thất thoát tài sản cho Nhà nước", ông Mạnh cho biết.

Ông có thể cho biết, đối với các quy định hiện hành có bắt buộc khi mua bán sát nhập phải tiến hành định giá cả thương hiệu không?

-Theo tôi được biết, ở nước ta hiện nay chưa có hành lang pháp lý cũng chưa có quy định nào bắt buộc khi mua bán, sát nhập phải tính đến cả giá trị thương hiệu. Do đó, đa phần các giao dịch mua bán chỉ liên quan tới thỏa thuận giữa 2 bên, trong khi bên bán cũng chưa tham vấn các chuyên gia và cũng chưa có nhiều chuyên gia về thương hiệu trên thị trường để tham vấn, dẫn tới sự lãng phí tài sản khi chuyển nhượng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực tế, để đưa ra được một giá trị cụ thể cho một thương hiệu ở Việt Nam hiện nay như các nước đang làm cũng còn nhiều tranh cãi?

- Đúng là nói tới phương pháp định giá thương hiệu ở Việt Nam cũng có nhiều cách khác nhau và không có phương pháp nào được coi là chuẩn mực. Đến nay, Bộ Tài chính cũng không đưa ra phương án cụ thể nào mà chỉ quy định các công ty tự đưa ra phương pháp định giá và tự tính toán. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực định giá thương hiệu cũng “rụt rè”, vì khi xảy ra trường hợp 1 trong 2 bên không hài lòng với thương hiệu, dẫn tới tranh chấp pháp lý, kiện tụng thì lúc ấy không có cơ sở pháp lý nào để phân định đúng hay sai.

Thực tế, khung pháp lý và hướng dẫn từ phía cơ quan nhà nước về định giá ở Việt Nam là vẫn còn thiếu nên các doanh nghiệp quay ra đặt niềm tin vào các công ty có uy tín định giá trên thị trường, trong đó chủ yếu các doanh nghiệp lại tìm đến các công ty của nước ngoài.

Đối với thương hiệu của VFS, ông có thể cho biết trong trường hợp bán đi có phải định giá thương hiệu không?

- Về nguyên tắc, đối với VFS khi bán thì phải tìm cách để bán được giá cao nhất nên thương hiệu của VFS cũng cần phải được đưa ra một giá trị cụ thể khi giao dịch. Vì đối với doanh nghiệp khi mua sẽ được sở hữu thương hiệu này nên phải bỏ ra một khoản tiền cho thương hiệu của VFS là chuyện bình thường.

Trong trường hợp khi bán VFS mà không đưa giá trị thương hiệu vào thì theo ông có vi phạm các quy định của pháp luật hay không?

- Như tôi đã phân tích, ở nước ta quy định về định giá tài sản, trong đó có định giá thương hiệu là không rõ ràng nên nói tới có vi phạm các quy định của pháp luật hay không cần phải xem xét các yếu tố rất kỹ. Nhưng theo tôi, việc không đưa giá trị thương hiệu VFS vào thì sẽ rất lãng phí cho giao dịch mua bán đó.

Trường hợp VFS đã mua bán xong thì coi như là một thương vụ đã kết thúc, có thể nói là đã bán “hớ”. Còn trường hợp trong hợp đồng chưa nói tới thương hiệu mà vẫn có một đơn vị sẵn sàng đứng ra mua thương hiệu VFS thì Nhà nước hoàn toàn có quyền bán. Vì rõ ràng Bộ VHTTDL vẫn đang sở hữu bản quyền của tên Hãng phim truyện Việt Nam VFS.

 

 Để định giá thương hiệu VFS cần thu thập thông tin trong thời gian khoảng 2 tháng (ảnh IT)
Để định giá thương hiệu VFS cần thu thập thông tin trong thời gian khoảng 2 tháng (ảnh IT))

Là một chuyên gia, theo ông đánh giá, thương hiệu của VFS sẽ có giá trị khoảng bao nhiêu?

- Để tính được giá trị thì cần áp dụng công thức rất phức tạp và cần có một khoảng thời gian dài. Đối với một thương hiệu như VFS, muốn định giá được cũng phải cần ít nhất 2 tháng để thu thập dữ liệu và tính toán. Một số hãng phim lớn trên thế giới như Hollywood, Walt Disney …thì thương hiệu có thể lên tới nhiều tỉ USD. Còn đối với VFS, muốn biết giá trị bao nhiêu cần có tính toán cụ thể, không thể so sánh với các thương hiệu lớn của thế giới nhưng cũng phải có giá trị nhất định chứ không thể là con số không được. Ngay từ bé, mọi người đều đã xem những bộ phim của VFS làm, với một đơn vị có 60 năm lịch sử phát triển, có sự đóng góp cả “máu và nước mắt” của nhiều thế hệ nghệ sỹ mà không định giá thương hiệu VFS thì đúng là một điều đáng tiếc.

Chính phủ đang chỉ đạo cổ phẩn hóa các doanh nghiệp Nhà nước, theo ông có cần phải đưa cả quy định bắt buộc định giá thương hiệu trước khi mua bán hay không?

- Theo tôi là rất nên, vì cổ phần hóa vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là bán được giá cao nhất và thu được nhiều tiền nhất về cho Nhà nước, tránh thất thoát tài sản. Thực tế, có nhiều công ty Nhà nước có tên tuổi rất lớn nên rất lãng phí nếu không có quy định rõ ràng cho việc định giá thương hiệu khi mua bán. Tất nhiên, tùy từng thương vụ một, có thương vụ người mua vẫn trả khoản tiền ngoài tài sản hữu hình như lợi thế về thương mại, mối quan hệ, thương hiệu…nhưng có nhiều trường hợp câu chuyện này bị lờ đi, chỉ tính tới giá trị trên sổ sách nên Nhà nước sẽ bị thiệt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác cổ phần hóa VFS và quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hồi cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa để quyết định việc hoàn thành công tác cổ phần hóa VFS theo thẩm quyền, đúng quy định, và chịu trách nhiệm trước pháp luật, yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký kết.

Tuy nhiên, sau đó VFS chỉ được định giá hơn 50 tỷ đồng, nhà nước giữ lại 20%, trong đó giá trị thương hiệu đã không được định giá khi cổ phần hóa. Tổng công ty vận tải thủy Vivaso đã mua lại 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) tương đương 32,5 tỷ đồng.

Theo Danviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-phan-hoa-hang-phim-truyen-vn-thuong-hieu-vfs-khong-the-la-so-0-a183510.html