Bài 3: Những quy định mới về nhóm tội phạm tham nhũng

(Pháp lý) - Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) sửa đổi năm 2017 được đánh giá là có những sửa đổi căn bản và toàn diện, ở cả phần chung và phần các tội phạm cụ thể, trong đó có nhóm các tội phạm tham nhũng, bao gồm 7 tội danh được quy định từ điều 353 đến điều 358 tại Mục 1, Chương XXIII của Bộ luật. Bài viết sau đây của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thu (công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia) sẽ giới thiệu tới bạn đọc một số nội dung mới liên quan đến nhóm các tội phạm tham nhũng được quy định trong BLHS sửa đổi năm 2017.

Mở rộng phạm vi xử lý tội phạm tham nhũng ở cả khu vực công và khu vực tư đối với hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”

Cụ thể tại khoản 6 Điều 353 về tội tham ô tài sản quy định: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Tương tự, tại khoản 6 Điều 354 về tội nhận hối lộ quy định: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Đây là sự sửa đổi phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là thành viên. Trên thực tế, qua thực tiễn thi hành BLHS, ở nước ta đã xuất hiện những “lỗ hổng pháp luật” ví dụ trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình mà cá nhân là người Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho công chức người nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhưng chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như đưa hối lộ. Tương tự, việc không coi người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở các doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước là chủ thể tội phạm tham nhũng đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, xử lý không công bằng mặc dù bản chất hành vi của họ chính là tham nhũng. Ví dụ trường hợp bác sỹ ở bệnh viện công lập và bác sỹ ở bệnh viện ngoài công lập cùng nhận hối lộ của bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh với giá trị nhận hối lộ đủ mức cấu thành tội phạm nhưng một bên bị coi là tội phạm tham nhũng còn một bên lại không phải là tham nhũng.

[caption id="attachment_183399" align="aligncenter" width="516"]Bí cáo Phạm Thanh Bình tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại TAND TP Hải Phòng Bí cáo Phạm Thanh Bình tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại TAND TP Hải Phòng[/caption]

Việc mở rộng phạm vi xử lý này góp phần tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam và giữ gìn quan hệ, hợp tác với các nước, tạo điều kiện để một mặt có thể xử lý một cách toàn diện và triệt để các hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Mặt khác, bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý các tội phạm về tham nhũng, là bước tiến để hoàn thiện chu trình cải cách, thúc đẩy sự hài hòa giữa chính sách với thực tiễn pháp luật hình sự, chuẩn hóa các tội danh trong BLHS Việt Nam nhằm đạt được tính thống nhất, minh bạch, cũng như phù hợp với những xu hướng chung trên toàn thế giới về pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, trong khi tình hình tội phạm tham nhũng đang được giới hạn trong khu vực công vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng thì việc mở rộng xử lý cả các tội phạm tham nhũng sang khu vực tư sẽ làm tăng số lượng tội phạm tham nhũng (cả khu vực công và khu vực tư), dẫn đến tạo nên áp lực cho các cơ quan, người có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Do vậy, để có thể xử lý một cách thích đáng, tương xứng với hành vi phạm tội, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay, trong Bộ luật hình sự 2015 mới chỉ mở rộng phạm vi xử lý của hai tội “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”.

Bổ sung “Lợi ích phi vật chất” trong cấu thành các tội “Nhận hối lộ” (Điều 354) và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 358)

Theo quy định của Công ước về chống tham nhũng, yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ là hành vi đòi hỏi hoặc chấp nhận của hối lộ và sự liên hệ giữa những hành vi này với hành xử của công chức khi thi hành công vụ. Việc đòi hỏi hoặc chấp nhận có thể do công chức trực tiếp thực hiện hoặc qua trung gian. Lợi ích không chính đáng có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác, chẳng hạn là họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực thể khác. Về chủ quan, yếu tố bắt buộc là việc cố ý đòi hỏi hoặc chấp nhận lợi ích không chính đáng với mục đích thay đổi hành xử của một người trong quá trình người đó thực hiện trách nhiệm chính thức. Đồng thời, công ước cũng quy định “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất.

[caption id="attachment_183400" align="aligncenter" width="497"]Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ nhận "lót tay" 11 tỷ đồng của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ nhận "lót tay" 11 tỷ đồng của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC)[/caption]

Theo BLHS 1999, lợi ích mà chủ thể tham nhũng nhận được hoặc sẽ nhận đươc trong hai tội danh trên chỉ là lợi ích vật chất (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác). Điều này không phù hợp với Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Do đó, ngoài lợi ích vật chất, BLHS 2015 đã kịp thời bổ sung yếu tố “lợi ích phi vật chất” vào cấu thành hai tội danh trên. Quy định này cũng hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn các tội phạm chức vụ nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng ở Việt Nam vừa qua. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này là vô cùng cần thiết. Để quy định này sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, khoa học, đầy đủ, tránh tình trạng quy định thì rất tiến bộ song đến khi thực hiện lại rơi vào bế tắc. Vì trên thực tế, việc xử lý đối với hành vi nhận và đưa hối lộ lợi ích phi vật chất, ví dụ như “hối lộ tình dục” là điều không đơn giản. Bởi, thông thường, khi nói đến hối lộ thì người ta thường căn cứ vào giá trị vật chất để xem xét mức hình phạt tương ứng. Còn trong trường hợp “hối lộ tình dục”, việc chứng minh hành vi phạm tội đã khó, việc định giá “tài sản” hối lộ còn khó hơn gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm “hối lộ tình dục” chưa được đề cập. Chúng ta cần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm về xử lý “hối lộ tình dục” ở một số quốc gia như Singapore, Hồng Kông, Hoa Kỳ... “Hối lộ tình dục” được hiểu là người đưa hối lộ dùng tình dục để hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu người đó thực hiện hoặc không thực hiện một việc gì đó vì lợi ích của mình. Song, nếu chỉ xử lý người đưa hối lộ mà không xem xét trách nhiệm pháp lý của người nhận hối lộ là không công bằng.

Về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với hai tội danh “Nhận hối lộ” và “Tham ô tài sản”

Trong số các tội phạm tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện nay chỉ có hai tội có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định điều chỉnh việc áp dụng hình phạt tử hình đối với hai tội danh này cụ thể như sau: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điểm b,c khoản 3 điều 40). Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân (khoản 4 Điều 40 và khoản 6 Điều 63) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.

Quy định này thể hiện sự quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về giảm hình phạt tử hình được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng cũng như quán triệt tinh thần của Hiến pháp 2013 trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người và xuất phát từ việc nghiên cứu và tổng kết thực tiễn việc thi hành án tử hình thời gian qua ở Việt Nam. Đây cũng là sự sửa đổi phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

ThS. Nguyễn Thị Lê Thu – Học viện Hành chính Quốc gia

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-quy-dinh-moi-ve-nhom-toi-pham-tham-nhung-a183398.html