Những điểm mới quan trọng của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng Hình sự - Bài 2: Nhiều quy định có lợi

(Pháp lý) - Theo đó, khi BLHS 2015 (sửa đổi 2017) có hiệu lực, một số chính sách mới có lợi cho nhiều đối tượng sẽ được áp dụng, đặc biệt nhiều tử tù sẽ thoát “cửa tử”.

Những chính sách mới đáng chú ý

[caption id="attachment_183293" align="aligncenter" width="538"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Cụ thể, về quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Hay liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội, Luật bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9 và 86 của BLHS năm 2015); mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh (Điều 76 của BLHS năm 2015), đó là tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324)…

Cùng với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành BLHS năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) và về hiệu lực thi hành của các Bộ luật, Luật có liên quan.

Theo đó, sẽ không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo quy định của BLHS năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm mà hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa.

Nhiều tử tù sẽ được thoát “cửa tử”

[caption id="attachment_183294" align="aligncenter" width="527"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Theo Nghị quyết số: 41/2017/QH14, nhiều trường hợp bị tuyên án tử hình, sẽ được thoát “cửa tử” khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Theo đó, kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật số 12/2017/QH14) được công bố: Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (Nghị quyết số: 41/2017/QH14 quy định tại Khoản 2 Điều 2).

Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp quy định như trên, nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;

Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Điểm c, Khoản 3 Điều 40 quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”

TAND Tối cao cũng vừa ban hành Công văn số 148/TANDTC-PC về việc triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội. Công văn đề nghị Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Vụ Giám đốc kiểm tra I và các đơn vị khác có liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao: Rà soát các vụ án hình sự mà Tòa án, đơn vị mình đang thụ lý, giải quyết, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41 thì tiếp tục thực hiện việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41;Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, các cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự rà soát các đối tượng người bị kết án mà thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc được miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết số 41 để làm thủ tục chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc miễn chấp hành hình phạt cho họ./.

PV (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-2-nhieu-quy-dinh-co-loi-a183292.html