Chuyên đề: Những điểm mới quan trọng của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng Hình sự - Bài 1: 05 tội danh bị bãi bỏ và 24 tội danh mới

(Pháp lý) - Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS), sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. So với BLHS cũ, BLHS sửa đổi mới bãi bỏ 05 tội danh và bổ sung mới 34 tội danh. Pháp lý xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

5 tội danh bị bãi bỏ

10Đó là các tội danh: Tội hoạt động phỉ (Điều 83); Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149); Tội kinh doanh trái phép (Điều 159); Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167).

Giải thích về lý do bãi bỏ 5 tội danh nói trên, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Hình sự 2015, cho biết: Các tội Kinh doanh trái phép; tội Báo cáo sai trong quản lý kinh tế, đến thời điểm này đã không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là các quy định trong các luật chuyên ngành phù hợp với thông lệ quốc tế đang được vận dụng, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Các tổ chức tín dụng...

Đối với tội Hoạt động phỉ (giết người, cướp phá nhằm chống lại chính quyền nhân dân) và Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật không phải bãi bỏ. Các hành vi trong 2 tội danh này đã được BLHS 2015 xử lý trong các tội danh khác trong Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và trong Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật.

Cũng như vậy đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chỉ loại bỏ về tội danh nhưng được thay thế bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Đây là một điều luật “chung chung” làm khó cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng, không đủ căn cứ để truy tố về một tội danh cụ thể. Vì vậy với việc điều chỉnh cụ thể tội danh này, theo các chuyên gia luật, sẽ tránh được sự tùy tiện trong áp dụng của các cơ quan tố tụng, đảm bảo sự minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh.

Theo đó, khi bỏ Điều 165, để xử lý được các hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, tránh bỏ lọt tội phạm, Bộ Tư pháp đã bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2015 các quy định về tội danh hiện có trong Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (45 điều); đồng thời bổ sung 15 tội danh mới phát sinh từ cuộc sống thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

34 tội danh mới được bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Bao gồm 19 tội danh mới bổ sung rải đều trong các chương của Bộ luật Hình sự, được quy định tại các điều luật cụ thể: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); Tội cưỡng bức lao động (Điều 297); Tội bắt cóc con tin (Điều 301); Tội cướp biển (Điều 302); Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336); Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); Tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); Tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391); Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393); và Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ (Điều 418).

Và 15 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế. Trong đó có 05 tội danh thuộc nhóm các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, gồm: Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216);

Còn lại 10 tội danh thuộc nhóm các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, như: Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234).

Điều đáng chú ý trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) đó là, nhiều tội danh thuộc lĩnh vực kinh tế được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền (chứ không phải hình phạt chính là hình phạt tù như hiện nay), kể cả tội phạm rất nghiêm trọng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luật mới quy định như thế vừa hiện thực hóa chủ trương “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

M.T (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-de-nhung-diem-moi-quan-trong-cua-bo-luat-hinh-su-va-bo-luat-to-tung-hinh-su-ky-1-bai-1-05-toi-danh-bi-bai-bo-va-24-to-danh-moi-a183242.html