Công khai bản án, quyết định của Toà án: Quy định có ý nghĩa lớn về nhiều phương diện

Sau hơn một tháng khai trương đến nay Tòa án đã công bố gần 5000 bản án và quyết định bao gồm án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, quyết định tuyên bố phá sản...

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 hướng dẫn về nguyên tắc, thủ tục công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đây là một Nghị quyết có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, cũng như tinh thần của Hiến pháp 2013.

Hàng ngàn người theo dõi

Thực hiện Nghị quyết trên đây, ngày 18/7/2017, TANDTC đã tổ chức Lễ khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, tại địa chỉ https://congbobanan.toaan.gov.vn. Các bản án, quyết định được công bố dựa trên nguyên tắc: Tuân theo quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh; bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc công bố bản án, quyết định không được xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bản án, quyết định được công bố phải bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Nghị quyết 03 nêu trên. Không được sử dụng bản án, quyết định công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án vào những mục đích trái pháp luật.

Bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án là những bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm giải quyết việc dân sự. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đó phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Trước khi bản án, quyết định được công bố phải được mã hóa, số hóa.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu bấm nút khai trương trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu bấm nút khai trương trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án)

Sau hơn một tháng khai trương đến nay Tòa án đã công bố gần 5000 bản án và quyết định bao gồm án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, quyết định tuyên bố phá sản và quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trang công bố bản án, quyết định của Tòa án đã thu hút mỗi ngày từ 2000 đến 3000 người truy cập, tính đến ngày 15/8/2917 đã có tổng số 588.508 lượt truy cập. Nhiều bản án thu hút rất nhiều ý kiến bình luận, nhận xét, góp ý rất thiết thực, bổ ích cả về mặt được và chưa được của bản án.

Bước chuyển biến quan trọng

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định rằng, công khai các bản án, quyết định có hiệu lực trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án có ý nghĩa quan trọng, hợp lòng dân. Đây sẽ là một trong các cơ chế hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, chế độ trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân. “Một khi người dân vẫn phải chịu oan ức, bất công; khi tính mạng, tài sản và danh dự của họ vẫn bị xâm hại bởi các quyết định không công bằng, trái luật của cơ quan nhà nước, trong đó có các bản án, quyết định của Tòa án thì chưa thể nói đó là nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc công khai bản án theo nghị quyết của TANDTC là phù hợp với nguyên tắc xét xử công khai. Ở nhiều quốc gia, việc công khai bản án là điều tất nhiên. Nhà nước có trách nhiệm thành lập hệ thống lưu trữ để người dân thuận tiện nghiên cứu bản án. Khi công bố bản án thì đương nhiên những luận cứ của bản án sẽ được xem xét kỹ hơn. Nó lý giải vì sao bị cáo đó không bị kết tội cố ý gây thương tích mà lại bị kết tội giết người; vì sao bị cáo ấy không bị tuyên tội hiếp dâm mà chỉ bị tuyên tội giao cấu với người chưa thành niên…

Ông Nghĩa cũng cho rằng công khai bản án tác động tích cực đến hoạt động xét xử của Tòa án, buộc Tòa án khi chuẩn bị công tác xét xử phải thật khoa học, hiệu quả, từ đó bản án mới có chất lượng tốt. Nếu các thành phần trong phiên tòa, từ HĐXX, công tố đến luật sư… không được tổ chức tốt thì không thể có một bản án tốt được. Việc các bản án được công khai cũng khiến cho các Thẩm phán phải nâng cao trình độ hành văn của mình. Vì nếu không viết án văn tốt thì người dân đọc bản án sẽ không biết Thẩm phán nói gì và công chúng bị tác động một cách tiêu cực. Và công chúng sẽ biết ngay Thẩm phán nào kém, Thẩm phán nào giỏi.

Nhưng điều đáng lưu ý nữa là khi công khai bản án, công chúng sẽ biết được bản án đó có công bằng không, có đảm bảo công lý hay không. Án văn là một áp lực về hình thức nhưng luận cứ, lập luận của bản án lại là một áp lực về nội dung. Hai áp lực này không thể tách rời.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta thường tuyên truyền các quy định pháp luật mang tính mô phạm, người dân khó hình dung, khó hiểu hơn việc tuyên truyền thông qua các vụ án cụ thể. Việc công khai các bản án khiến người dân đọc bản án có thể hiểu những căn cứ pháp lý, nhận định pháp luật, nhận thức được đâu là hành vi phạm tội, hành vi trái với quy định của pháp luật, ý thức được cách cư xử của bản thân. Trên cơ sở công khai minh bạch các bản án, người dân sẽ hiểu được các hoạt động của Tòa án, đồng thời có tác động răn đe trước các hành vi vi phạm pháp luật.

Ý nghĩa lớn về nhiều phương diện

Trước hết, việc công khai bản án, quyết định của Toà án thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử của Tòa án, công khai, minh bạch trong lúc xét xử và công khai, minh bạch sau xét xử, công bố bản án. Đây cũng là thể hiện tinh thần quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, đó là quyền tiếp cận thông tin của người, cụ thể là thông tin về hoạt động xét xử của Tòa án.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tiếp nhận các thông tin của Tòa án và Toà án có trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động của mình tham khảo và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc công khai bản án đã cụ thể hóa những quyền này một cách thiết thực và hiệu quả. Thời gian qua, người dân rất quan tâm về vấn đề xét xử các vụ án tham nhũng, các vụ đại án, quá trình vi phạm của các quan tham, sự xét xử của các cấp Tòa án; những con số, những mức án các bị cáo. Đặc biệt, người dân rất băn khoăn về việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng đã rất khó khăn. Với việc công khai các bản án, người dân sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát, phát hiện, nhất là sẽ giám sát việc thi hành án, giúp cho việc thu hồi các tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.

Bản án được công khai thì không chỉ đương sự, các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng mà nhân dân có thể giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, đánh giá bản án, trong đó có luật gia, luật sư, các nhà nghiên cứu luật pháp, báo chí… Nếu bản án áp dụng pháp luật khách quan, đúng pháp luật, chất lượng xét xử cao thì nhất định được đánh giá tích cực và ngược lại, những bản án có sai sót, yếu kém về mặt này mặt khác cũng bộc lộ.

Qua sự giám sát rộng rãi của nhân dân, hệ thống Tòa án cũng dễ dàng phát hiện thấy những lỗi các Thẩm phán dễ mắc để khắc phục, dễ thấy các Thẩm phán yếu kém để sàng lọc. Như vậy, nó có ý nghĩa về công tác tổ chức cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ Thẩm phán tinh thông nghiệp vụ, tư cách đạo đức tốt theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Việc công bố bản án còn là một hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật hữu hiệu trong thời đại hiện nay. Qua việc theo dõi các bản án được công bố, người dân có thêm hiểu biết pháp luật để có thể tự đánh dự báo được kết quả xét xử của Tòa án đối với vụ án dân sự, hình sự, kinh tế, lao động… mà bản thân hay gia đình họ có liên quan. Cũng qua các bản án được công bố mà hình thành án lệ, với sự tham khảo, đối chiếu của người dân thì những vụ việc tương tự nếu kết quả không giống nhau chắc chắn sẽ dễ dàng được nhân dân phát hiện để kiến nghị xử lý.

Các bản án được công bố cũng tạo điều kiện cho các luật sư, luật gia, giới nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ hơn quan điểm, nguyên tắc áp dụng pháp luật của Tòa án trong hoạt động xét xử.

Những ý nghĩa trên đây còn mang đến một hệ quả tích cực, to lớn, đó là ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử hiện nay.

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-khai-ban-an-quyet-dinh-cua-toa-an-quy-dinh-co-y-nghia-lon-ve-nhieu-phuong-dien-a183230.html