(Pháp lý) - Nhiều chuyên gia cho rằng, để cân đối và tăng thu cho ngân sách, giải pháp sáng suốt căn bản nhất, thay vì tăng thuế VAT, các cơ quan chức năng cần khẩn trương “lấp lỗ hổng” để siết kỷ luật trong chi tiêu ngân sách, gia tăng giải pháp chống thất thu thuế, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công.
Siết kỷ luật chi tiêu
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2017 ước tính đạt 706,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2017 ước tính đạt 747,3 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm. Bội chi ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó chi thường xuyên đạt 548 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 65,6 nghìn tỷ đồng, riêng chi đầu tư phát triển đạt 131,1 nghìn tỷ đồng. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2017 ước tính đạt 119,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73% dự toán năm.
Như vậy, chi trả nợ gốc và lãi vay từ đầu năm ước tính đạt 185,3 nghìn tỷ đồng. Trung bình, mỗi ngày ngân sách chi khoảng 770 tỷ đồng để trả nợ cả gốc lẫn lãi.Theo dự kiến, trong năm 2017, Chính phủ sẽ dành hơn 260.000 tỷ đồng để trả nợ nước ngoài và nợ trong nước. Trong đó, khoản nợ trực tiếp là hơn 90%, còn lại là vốn vay lại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được bảo lãnh. Trước đó, trong giai đoạn 2010-2015, trong khi tốc độ tăng thu ngân sách danh nghĩa trung bình chỉ là 9,5% thì tốc độ tăng của trả nợ gốc và lãi là 13,6%, còn của chi thường xuyên lên tới 16,7%. Nếu như vào năm 2010, chi thường xuyên chỉ chiếm 51,1% tổng chi ngân sách, thì đến năm 2015, tỷ lệ này đã lên tới 61,5%.
Những con số này gián tiếp nói lên thực tế của ngân sách, minh bạch nguồn chảy ngân sách. Tiến sĩ Vũ Thành Tự An (Chuyên gia kinh tế) cho rằng từ đó có thể thấy nguyên nhân quan trọng của thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam là do việc tăng chi tiêu quá nhanh. Với tốc độ tăng chi tiêu vượt xa tốc độ tăng thu ngân sách như vậy, kể từ năm 2012 trở đi, thu ngân sách (kể cả viện trợ) đã không đủ bù đắp chi thường xuyên và trả nợ. Hệ quả tất yếu là để có ngân sách cho đầu tư phát triển, chính phủ buộc phải đi vay. Nói cách khác, chính phủ cứ đầu tư thêm đồng nào thì ngân sách sẽ thâm hụt và nợ công sẽ tăng thêm đồng ấy. Như vậy, tăng chi chứ không phải giảm thu ngân sách mới là nguyên nhân chính của gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công. Điều này có nghĩa là để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách, điều Bộ Tài chính cần nhất không phải là tận thu ngân sách (tăng thuế) mà quan trọng hơn phải tiết giảm và tăng hiệu quả, siết kỷ luật chi tiêu.
Bịt những lỗ hổng trong quản lý giám sát thuế
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn từ thuế nhưng thất thu ngân sách xảy ra thường xuyên, một phần do chính sách quản lý còn lỏng. Trước Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) quan ngại nêu ra một số thực tế: Vừa qua cơ chế cho phép người nộp thuế tự kê khai tự nộp thuế đã góp phần đáng kể trong giảm thủ tục hành chính. Thế nhưng người nộp thuế lại có thể lách luật để trốn thuế, đặc biệt là sau khi có chính sách bỏ bản kê về mua vào bán ra từ năm 2015. Thiếu tờ kê này, cơ quan thuế thiếu cơ sở để phân tích rủi ro hay nghi ngờ những bản kê khai của doanh nghiệp (DN) để yêu cầu DN giải trình. Trong khi đó, trên địa bàn quản lý lại có rất nhiều DN nên cơ quan thuế không thể kiểm soát được việc kê khai của tất cả DN có chính xác hay không, dẫn đến việc người nộp thuế có thể kê khai thuế đầu vào cao để thu hẹp chênh lệch đầu vào và đầu ra. Từ thực trạng trên, theo bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều công ty ma được lập ra để mua bán chứng từ, mua bán các hóa đơn đầu vào để hưởng hoàn thuế, gây thất thu cho NSNN.
Một trong những lỗ hổng khác của ngành thuế đó là năng lực quản lý của cơ quan thuế còn hạn chế. Cụ thể, năm 2016 hàng loạt vụ án về thuế giá trị gia tăng bị phơi bày, nhưng chủ yếu lại do cơ quan công an điều tra phát hiện chứ không phải do cơ quan thuế phát hiện. Nhiều nguồn thu từ khối DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang bị bỏ ngỏ do những lỗ hổng quản lý. Đầu những năm 2000, Việt Nam có cuộc đua mạnh mẽ khi 36 tỉnh, thành có văn bản phá rào ưu đãi thuế, đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư FDI. Đến nay, về mặt pháp lý, những văn bản đó không còn nữa nhưng vẫn duy trì những hình thức ưu đãi khác. Quy định ưu đãi thuế ở các địa phương khác nhau tạo nhiều lỗ hổng giúp các DN chuyển giá, trốn thuế. Dù hiện tượng doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế rất đáng báo động nhưng những đợt Thanh kiểm tra của ngành thuế diễn ra muộn.
Thất thoát trong lĩnh vực thuế tài nguyên cũng là điều đáng nói. Những lỗ hổng trong công tác quản lý tài nguyên ở nước ta hiện nay không chỉ gây thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu ngân sách nhà nước và lợi ích của người dân. Hậu quả thì ai cũng thấy rõ, ngân sách nhà nước bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, người dân thì mất tư liệu sản xuất, ô nhiễm môi trường…còn doanh nghiệp và không ít nhóm lợi ích thì giàu lên từng ngày. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thất thu thuế tài nguyên là do những yếu kém của ngành khai khoáng ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ chỗ các thông tin thiếu minh bạch, đặc biệt ở khâu cấp phép, giám sát sản lượng, quản lí nguồn thu…Để có thể khắc phục vấn đề này giúp tăng thu thuế tài nguyên thì đòi hỏi cần minh bạch hóa ngành khai khoáng, tăng cường sự giám sát của nhân dân, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên”.
Những lỗ hổng về chính sách pháp luật kinh tế cần nhanh chóng bịt lại
Gần đây, những dự án đổi đất lấy hạ tầng - dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã được các thành phố lớn áp dụng khá phổ biến. Riêng Hà Nội cũng đã có hàng nghìn ha đất được đối ứng cho các dự án này. Hàng loạt dự án BT đã được nhiều nhà đầu tư đề xuất tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, nhiều dự án đã được lãnh đạo địa phương chấp thuận cảnh báo về kẽ hở lọt tham nhũng. Từ tháng 4/2015 tới tháng 3/2016, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án PPP (hợp tác công tư), trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất. Tại thời điểm tháng 6/2016, UBND thành phố HCM cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư tới 9,926 nghìn tỷ đồng và trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tổng vốn đầu tư 5,254 nghìn tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia, không ít dự án BT có dấu hiệu của sự câu kết, móc nối giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương, thất thoát tại các dự án BT còn lớn hơn gấp nhiều lần tại những dự án bán đất theo chỉ định. Vì khi thực hiện dự án theo hình thức BT, không khác nào chúng ta đã giúp chủ đầu tư tránh phải đấu thầu thi công mà còn được hưởng "nhất bản thập lợi", tức là chỉ bỏ ra một đồng đầu tư nhưng có thể thu lợi gấp mười lần.
Ở các dự án BT nhà đầu tư được quyền quyết từ thiết kế, thi công, làm dự toán... theo quy trình dự án của nhà đầu tư xây dựng, nên rất khó khẳng định dự án đó 100 tỷ hay 1.000 tỷ đồng. Đồng thời khi cơ chế định giá tù mù với dự án hạ tầng, thì đất đối ứng giao cho nhà đầu tư để đổi giá trị hạ tầng đa phần định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cơ chế tù mù đồng nghĩa môi trường dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển chính nguồn lực đó dễ lợi dụng để trục lợi. Các công ty có quan hệ lợi dụng không chỉ về mặt giá cả mà còn để vừa có đất cho dự án phát triển bất động sản của họ lại vừa có hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án đó. Thực tế cũng cho thấy, dù dẫn đầu cả nước về số lượng dự án BT với giá trị mỗi dự án cả nghìn tỷ đồng, song Hà Nội hoàn toàn không có đầu mối, bộ máy, kinh phí tổ chức kiểm tra, giám sát. Hậu quả là Nhà nước sẽ bị thất thu một nguồn lực lớn mà không thể kiểm soát được.
Siết lại các quy định pháp luật về xử lý sai phạm thuế
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần khẩn trương ban hành những giải pháp chống thất thu thuế. Chúng ta cần khung pháp lý cho việc thu thuế các dịch vụ như Uber, bán hàng qua facebook, quảng cáo qua facebook… vì đó là những nguồn thu khổng lồ chưa bị đánh thuế. Đồng thời, cần nhanh chóng quy định và thực hiện việc thu thuế "tài sản đối với những người sở hữu bất động sản (nhà đất) thứ 2 trở lên". Đây là một quy định tiến bộ và có lợi cho xã hội, nó góp phần giúp minh bạch thị trường bất động sản, điều chỉnh hướng cho vay đầu tư từ ngân hàng, giúp nhiều người nghèo và lao động ở thành thị có cơ hội sở hữu nhà hơn.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, việc cải cách hệ thống thuế cũng có những bước tiến khá dài, thế nhưng việc chống thất thu thuế vẫn còn nhiều nan giải. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2017 vừa được tổ chức, tổng số tiền thuế nợ của cả nước tính đến thời điểm ngày 31/5/2017 là 75.534 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu đến 90 ngày và trên 90 ngày là 29.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% tổng số tiền thuế nợ.
Đưa ra thống kê trên, Luật sư Nam cho rằng: Hiện nay, chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả đối với việc nợ đọng thuế và trốn thuế. Theo nghiên cứu của tôi thì chế tài pháp luật với vi phạm về thuế còn chưa mạnh. Bởi vậy, theo Luật sư Nam, thì thiết kế chính sách về thuế phải làm sao để người dân không nghĩ đến trốn thuế. Ông Nam dẫn chứng pháp luật ở nước ngoài, nếu trốn thuế 1 năm có thể bị truy thu hàng chục năm sau, với mức cao gấp chục lần. Hay quy định công dân có tài khoản ở nước ngoài, từ 10.000 đô phải thông báo với cơ quan thuế… theo đó mức phạt thuế ở Việt Nam còn thấp, hiện tượng sở hữu tài sản ở nước ngoài, chuyển tiền hay giao dịch ở nước ngoài phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn cũng như đánh thuế.
Minh Hải
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thay-vi-tang-thue-vat-a183207.html