Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 của Chính phủ. Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì Phiên họp.
Theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù năm 2017 tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và rủi ro, song Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nên đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động của các loại tội phạm đã được kiềm chế, kéo giảm đáng kể, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Số vụ án khởi tố mới là 58.651 vụ, 82.864 bị can, giảm 0,44% số vụ và 5,12% số bị can so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó tập trung vào tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, tham nhũng, nhất là đã phát hiện, khởi tố điều tra 190 vụ, 399 bị can về tội tham nhũng; 17 vụ, 90 bị can phạm tội về chức vụ. Hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng... Vi phạm trong quản lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nguy hại đến tính mạng con người ngày càng tăng. Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, chủ yếu trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ giả để rút tiền tại các cây ATM...
Trước tình hình đó, cơ quan điều tra các cấp và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, tiếp tục rà soát giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng. Chất lượng điều tra, xử lý tội phạm được nâng lên rõ rệt; đã triệt phá được 2.898 băng, nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt trên 80%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra đạt trên 90%. Các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã được Cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, kết luận, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố; đồng thời, tiếp tục phát hiện, điều tra làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận quan tâm. Tập trung tổ chức thẩm định phòng, chống oan sai đối với các vụ án tội phạm có khung hình phạt 20 năm tù trở lên, chung thân, tử hình. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giam, tạm giữ, bị can trong hoạt động điều tra. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra các cấp đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Công tác xác minh, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú được tập trung chỉ đạo quyết liệt, liên tục, đạt kết quả cao. Đã truy bắt, vận động ra đầu thú, thanh loại 7.300 đối tượng truy nã...
Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm các số liệu, đánh giá các vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ rừng trong thời gian qua; đánh giá sâu hơn về tình trạng "hành chính hóa các quan hệ hình sự"; bổ sung thêm mục đánh giá những hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 vì công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn một số hạn chế, cụ thể: Một số đối tượng lợi dụng sự cố môi trường biển ở miền Trung để gây phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương; tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận; tội phạm có tổ chức, nhất là băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, thanh toán, trả thù, truy sát nhau, bảo kê, cho vay nặng lãi... vẫn có dấu hiệu phức tạp. Xảy ra một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo. Số vụ, số người chết, thiệt hại về tài sản do cháy và số người chết, bị thương do nổ tăng mạnh. Vẫn còn hiện tượng "hành chính hóa quan hệ hình sự". Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, trốn thuế vẫn đang rất phổ biến nhưng số vụ được phát hiện xử lý còn chưa nhiều. Còn xảy ra hiện tượng đối tượng trong diện xác minh sai phạm đã bỏ trốn trước khi Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp tố tụng, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Công tác trinh sát điều tra và chất lượng điều tra còn một số hạn chế, chất lượng lập hồ sơ vụ án còn chưa cao, khiến Viện kiểm sát nhân dân phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vẫn còn một số bị can phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Để khắc phục thực trạng trên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực đặc biệt là đối với người đứng đầu, các cán bộ có chức danh tư pháp, cán bộ thoái hóa, biến chất. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, khắc phục kịp thời những sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chủ động phát hiện, ngăn chặn các tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về môi trường. Rà soát các vụ án, bị can do Cơ quan điều tra các cấp tạm đình chỉ điều tra, trong đó đặc biệt chú ý đến các vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, kịp thời làm rõ các vụ án có căn cứ phục hồi điều tra để điều tra kết luận vụ án, không để vụ án kéo dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, người bị hại.
Theo Noichinh