Công khai tài sản tại nơi cư trú: Nhận diện rủi ro

Kiểm soát được sự dịch chuyển của dòng tiền của cán bộ, lãnh đạo mới quan trọng.

Kê khai, công khai thế nào?

Trước kiến nghị của Quảng Ngãi cho rằng, Dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, lãnh đạo tại nơi cư trú và công khai lên phương tiện thông tin đại chúng. TS. Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho rằng cần nhưng phải thận trọng.

4

Ông Minh chỉ ra những vấn đề phát sinh từ chủ trương này. Thứ nhất, việc công khai tại nơi cư trú và trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan tới quyền con người.

Thứ hai, phải tính tới vấn đề bảo đảm an toàn về tài sản cho người kê khai.

Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, kê khai và công khai thế nào thì cần phải cân nhắc để người dân vẫn có thể tiếp cận được thông tin nhưng cũng phải đảm bảo được an toàn cho các bên.

"Tôi lấy ví dụ, nếu tất cả các thông tin về tài sản của cá nhân bị rán ở bảng thông báo phường, việc này không khác nào tạo cơ hội cho những kẻ trộm cắp dòm ngó. Như vậy, nếu xảy ra trộm cắp thật thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ở trường hợp khác, nếu các đối tượng xấu lợi dụng bảng kê khai tài sản của cán bộ, công chức, lãnh đạo để bêu riếu, làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của cá nhân cán bộ, lãnh đạo thì sẽ xử lý thế nào?", ông Minh đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia giải thích thêm, "chúng ta phải hiểu rằng, không phải cán bộ nào cũng có tài sản với nguồn gốc bất minh. Vì vậy, phải xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng khi thực hiện.

Tôi đồng ý việc kê khai, công khai tài sản là đúng nhưng cần quan tâm tới cách thức thực hiện. Nếu kê khai, công khai mà không có cơ chế, chính sách kiểm soát được những mặt trái của sự việc thì như vậy tính rủi ro, nguy hiểm còn lớn hơn hiệu quả nó mang lại", ông Minh nói.

Để kê khai không lọt tài sản bất minh

Đánh giá về hiệu quả của công tác kê khai tài sản thực hiện thời gian qua, ông Minh cho rằng, chưa hiệu quả. Sự ảnh hưởng của việc kê khai, công khai trong công tác phát hiện những dấu hiệu sai phạm để xử lý là chưa cao.

Để hiệu quả hơn, TS Minh đưa ra giải pháp. Theo đó, song song với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản thì cần có cơ chế kiểm soát được dòng tài sản của cán bộ, công chức.

"Vấn đề không phải là làm sao kiểm soát được tài sản của cán bộ, lãnh đạo. Quan trọng hơn là phải kiểm soát được dòng chảy của nguồn tiền, kiểm soát được sự chuyển dịch của khối tài sản mà cán bộ, lãnh đạo đang có.

Cản trở hiện nay là thói quen sử dụng tiền mặt khiến công tác quản lý sự chuyển dịch của dòng tiền rất khó khăn. Có nhiều trường hợp, cán bộ, lãnh đạo bê cả khối tiền khổng lồ mang từ chỗ này đi chỗ khác. Thậm chí có những cán bộ còn mang cả vali tiền cho bồ nhí tiêu xài, mua cả biệt thự đắt tiền cũng không ai biết, không ai kiểm soát được. Chỉ khi có sự việc xảy ra lúc đó mới điều tra, rồi mới vỡ lẽ tiền đó từ đâu, đi đâu, tiêu thế nào...", ông Minh nhấn mạnh.

Về cơ chế minh bạch tài sản, TS Đinh Văn Minh cho rằng cần phải xây dựng một cơ quan chuyên trách hóa chịu trách nhiệm về việc này.

"Kê khai xong cũng chỉ giao cho nhân viên văn thư vào sổ rồi cất vào ngăn kéo, không ai đọc, thậm chí đọc cũng không hiểu thì chống tham nhũng làm sao được?.

Vì vậy, tôi đề xuất phải có cơ quan chuyên trách riêng, chịu trách nhiệm phát hiện, kiểm soát những cán bộ, lãnh đạo kê khai tài sản không trung thực. Cơ quan này được toàn quyền kiểm tra, kiểm soát và đề xuất xử lý ngay những bản kê khai không đúng, không trung thực.

Ví dụ, mỗi năm kiểm tra điểm khoảng vài nghìn hồ sơ, nếu nghi ngờ hồ sơ kê khai của một cán bộ nào đó không trung thực, không đầy đủ, nhân viên chuyên trách có thể gọi điện xác minh lại ngay nguồn gốc tài sản đó từ phía các cơ quan có chức năng liên quan. Như vậy, tài sản của cán bộ, lãnh đạo sẽ rõ ràng ngay, minh bạch ngay", ông Minh nêu ý kiến.

Vẫn theo ông Minh, nếu thực hiện theo cơ chế trên thì bản thân những người cán bộ, lãnh đạo phải kê khai cũng tự ý thức phải kê khai trung thực, kê khai có trách nhiệm. Vì trong cả nghìn bộ hồ sơ đó, không biết lúc nào sẽ sờ đến hồ sơ của mình.

Cùng với cơ chế để phát hiện những cán bộ, lãnh đạo kê khai tài sản không trung thực, TS Đinh Văn Minh cho rằng cơ chế xử lý cán bộ kê khai không trung thực cũng phải được thực hiện thật nghiêm minh.

"Đối với số tài tài sản kê khai thiếu, kê khai sai có thể tịch thu ngay. Còn đối với cán bộ kê khai không trung thực thì có thể xử lý kỷ luật, thậm chí cách chức, cho thôi việc", vị chuyên gia góp ý.

Theo Bao Datviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-khai-tai-san-tai-noi-cu-tru-nhan-dien-rui-ro-a183144.html