Thẩm phán: Không có 'vùng cấm' trong xét xử vụ Hà Văn Thắm

"Đây là phiên tòa công khai, chẳng có vùng cấm nào với HĐXX. HĐXX chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc kết luận sự thật", thẩm phán Trương Việt Toán nói trước luật sư của Thắm.

Sáng nay, khi được mời lên thẩm vấn về việc Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc Oceanbank) tố đưa 19 tỷ đồng tiền "chăm sóc", 4 người đến từ Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đồng loạt phủ nhận lời khai trên.

Ông Đinh Văn Ngọc (Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn giai đoạn 2012-2015) nói hành vi này của bà Thu có dấu hiệu phạm vào tội Vu khống.

Sau phần thẩm vấn 4 sếp của lọc hóa dầu Bình Sơn, HĐXX mời các luật sư tham gia xét hỏi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm đặt nhiều câu hỏi cho đại diện Ngân hàng Đại Dương mới (sau khi NHNN mua lại với giá 0 đồng) xoay quanh số tiền thiệt hại hơn 1.500 tỷ.

Bà Vũ Thị Bích Ngọc đại diện cho Ngân hàng Đại Dương mới trả lời câu hỏi của luật sư sáng 11/9. Ảnh chụp màn hình: Việt Hùng.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc đại diện cho Ngân hàng Đại Dương mới trả lời câu hỏi của luật sư sáng 11/9. Ảnh chụp màn hình: Việt Hùng.)

" Ai phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền hơn 1.500 tỷ này?"

"Trong phần thẩm vấn, bà đã trả lời rằng yêu cầu đòi bồi thường hơn 1.500 tỷ tiền thiệt hại là bà căn cứ kết luận điều tra và cáo trạng của VKS đã quy kết. Với số tiền này, Ngân hàng Đại Dương đề nghị đòi ai? Tức là ai phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền hơn 1.500 tỷ này?”, luật sư hỏi bà Vũ Thị Bích Ngọc.

Phía đại diện Oceanbank mới cho rằng căn cứ vào Điều 42 Bộ luật hình sự và Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự đơn vị đã đưa ra các nội dung để xác định yêu cầu thiệt hại. Do vậy, vấn đề xác định buộc ai phải chịu trách nhiệm này, phía ngân hàng đề nghị HĐXX và VKS làm rõ, để buộc người có trách nhiệm hoàn trả, bồi thương cho ngân hàng Đại Dương.

“Với tư cách là người đại diện cho Ngân hàng Đại Dương mới, bản thân bà không biết ai gây hại cho mình, cũng không biết mình bị thiệt hại bao nhiêu. Bà hoàn toàn đề nghị cơ quan tố tụng hỗ trợ đúng không?” - vị luật sư tiếp tục thẩm vấn bà Ngọc.

Trả lời luật sư, đại diện Oceanbank nói phía ngân hàng đã xác định cụ thể số tiền thiệt hại là hơn 1.576 tỷ đồng. Còn ai là người bồi thường, Oceanbank đề nghị HĐXX làm rõ trên cơ sở cáo trạng và kết luận điều tra.

Luật sư tiếp lời: Có hơn 40 bị cáo bị truy tố và 277 người được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan việc chi lãi ngoài. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã chứng minh 51.000 cá nhân và 400 tổ chức nhận lãi ngoài. “Vậy bây giờ là đòi các bị cáo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, là những người được chứng minh chi lãi ngoài hay đòi người đã nhận lãi ngoài mà cơ quan tố tụng đã xử lý?”, luật sư hỏi.

Đáp lời, người đại diện của Oceanbank một lần đề nghị HĐXX và cơ quan pháp luật tiếp tục làm rõ người có trách nhiệm liên quan, buộc hoàn trả cho ngân hàng Đại Dương.

“Bà xác định cho tôi số 1.500 tỷ này có thực sự là sở hữu của Đại Dương hay không?” - luật sư truy.

“Chúng tôi đã căn cứ trên quyết định 663, chúng tôi kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ kèm theo. Hôm trước chúng tôi đã trình bày về căn cứ khoản tiền 1.576 tỷ được rút từ 3 tài khoản thuộc sở hữu của ngân hàng Đại Dương. Do vậy, chúng tôi xác định việc chi là sai chế độ tài chính kế toán và chúng tôi xác định đó là thiệt hại, yêu cầu bồi hoàn”, vị đại diện Oceanbank nói.

 Luật sư Thiệp. Ảnh: Việt Hùng.
Luật sư Thiệp. Ảnh: Việt Hùng.)

Luật sư tiếp lời, trong kết luận điều tra và cáo trạng đều thể hiện trong số tiền thiệt hại hay thất thoát có 20% là của nhà nước, 80% là cổ đông. “Vậy thì hơn 1.500 tỷ, bà đòi cho Ngân hàng Đại Dương hay đòi thay cho các cổ đông cũ của ngân hàng?”.

Trả lời, người đại diện Oceanbank nói “Chúng tôi kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của ngân hàng Đại Dương nên yêu cầu bồi thường cho ngân hàng Đại Dương mới”.

“Kế thừa không hỗ trợ vốn. Nghĩa là mua bằng 0, bây giờ đòi 1.500 tỷ thì tôi đặt ra là đòi cho mình hay cho cổ đông ngân hàng Đại Dương”, vị luật sư đưa quan điểm. Nghe người đại diện Oceanbank nhắc lại việc kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ khi mua ngân hàng Đại Dương, luật sư nói: “Vậy kết quả là gì? Mua bằng 0 trừ đi 1.500 tỷ”.

“Nội dung này chúng tôi không bình luận vì không thuộc trách nhiệm phạm vi trả lời của chúng tôi”, người đại diện ngân hàng Đại Dương nói.

"Lưu ý các vị luật sư là không có vùng cấm nào ở đây"

Lúc 10h30, luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục đề nghị HĐXX cho được hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại tòa, ông Trần Anh Hùng.

Với hàng loạt các câu hỏi luật sư đưa ra: Trước khi mua áp đặt Ngân hàng Đại Dương, NHNN có gửi báo cáo kiểm toán cho các cổ đông lớn hay không?; Ông cho biết trước khi họp hội đồng cổ đông, ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức kiểm toán để kiểm soát theo yêu cầu của NHNN hay không? ... ông Hùng đã từ chối trả lời vì cho rằng đã từng trả lời vấn đề trên.

Vị luật sư bào chữa cho Thắm dẫn tài liệu mà ông thu thập được về 2 văn bản kiểm toán của NHNN có cùng số, cùng ngày nhưng đối lập về nội dung. Theo đó, một văn bản nội dung gửi cho các cổ đông có nội dung từ chối kết luận tài chính, văn bản thứ 2 nêu việc Oceanbank âm 14.000 tỷ đồng.

Ông Thiệp cho rằng, theo quyết định 48 của Chính phủ, về nguyên tắc NHNN phải chuyển báo cáo tài chính này tới cho hội nghị cổ đông để cổ đông biết thực trạng về tài chính ngân hàng Oceanbank. "Câu hỏi tôi hỏi thì ông từ chối, tài liệu đây ông cũng từ chối trả lời. Ông cho biết có 2 báo cáo kiểm toán này không?", ông Thiệp nói. Ông Hùng khẳng định việc NHNN mua lại Ngân hàng Đại Dương tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

"Vậy các ông có tuân thủ theo quyết định 48 này không", luật tư Thiệp hỏi.

Thấy vị đại diện NHNN ngập ngừng không trả lời, thẩm phản Trương Việt Toàn đề nghị ông Hùng trả lời nhanh. "Tôi xin phép không trả lời”, ông Hùng đáp.

Thẩm phán Toàn chen ngang, nhắc nhở vị đại diện NHNN: Tôi lưu ý ông Hùng rằng trình tự, thủ tục mà NHNN mua lại Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng là thuộc phạm vi vụ án khác. Còn trình tự, thủ tục thực hiện quyết định 48 của Chính phủ thì không thuộc phạm vi vụ án nào.

 Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ảnh: Việt Hùng, Đồ họa: Bá Chiêm.
Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ảnh: Việt Hùng, Đồ họa: Bá Chiêm.)

Nghe phần nhắc nhở của HĐXX, luật sư Thiệp tiếp lời: Theo Điều 10, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự: Ngoài chứng minh có hay hành vi pham tội thì phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng như các nhưng tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trong vụ án. Luật sư cho rằng các câu hỏi mình đặt ra liên quan đến góc độ tài chính và hỏi HĐXX nếu ông muốn tìm hiểu về vấn đề tài chính thì có "vùng cấm" không?

Trả lời cho vị luật sư, thẩm phán Toàn nói đây không phải phần tranh luận và tất cả các vấn đề luật sư đặt gia hãy tranh luận với VKS và đấy là nguyên tắc. "Chứng minh tội phạm, chứng minh mức độ phạm tội hay tăng nặng giảm nhẹ không nằm ngoài giới hạn mà VKS truy tố", ông Toàn giải thích.

"Đây là phiên tòa công khai, chẳng có vùng cấm nào với HĐXX. HĐXX chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc kết luận sự thật, về sự đúng đắn. Lưu ý các vị luật sư là không có vùng cấm nào ở đây, không ai cấm được HĐXX".

Lúc 11h30, thẩm phán tuyên bố kết thúc thẩm vấn và dừng phiên xử ngày thứ 11. Hai ngày tới, tòa tạm nghỉ, trước khi bước vào phần tranh tụng diễn ra vào sáng thứ 5 (14/9).

Theo Zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-phan-khong-co-vung-cam-trong-xet-xu-vu-ha-van-tham-a183111.html