Hình phạt tử hình theo công ước quốc tế

“Hình phạt tử hình” trong tiếng Anh (capital punishment) có nguồn gốc từ tiếng Latinh ” capitalis” mà gốc từ là “caput” – có nghĩa là “cái đầu” với hàm ý rằng đầu là bộ phận gắn liền với tính mạng một con người, hình phạt làm mất đầu tức là tước bỏ tính mạng người đó. Về phương diện pháp lý hình phạt tử hình là “việc tước bỏ tính mạng một con người theo bản án được tuyên bởi một Tòa án được lập ra một cách hợp pháp , nhằm trừng phạt người đó vì đã phạm một tội ác đặc biệt nghiêm trọng”. Có thể nói đây là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các hình phạt, đã có từ xa xưa trong lịch sử loài người.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Pháp luật quốc tế,nhìn chung, thì không cấm áp dụng hình phạt tử hình. Khoản 2, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) qui đinh rằng “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất,căn cứ vào pháp luật hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những qui định của Công ước này và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật do một tòa án có thẩm quyền phán quyết”. Tuy rằng liên quan đến vấn đề này , vào năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị định thư tùy chọn thứ hai bổ sung ICCPR trong đó qui định việc xóa bỏ hình phạt tử hình nhưng Nghị định thư này chỉ là khuyến nghị tùy chọn nên không có giá trị pháp lý bắt buộc tất cả các thành viên mà chỉ những thành viên nào tự nguyện tham gia Nghị định thư này mới có nghĩa vụ pháp lý quốc tế về việc xóa bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật quốc gia mình.Tóm lại, đến thời điểm hiện tại, xóa bỏ hình phạt tử hình không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế bắt buộc mọi quốc gia phải tuân thủ.

Tất nhiên điều này không đồng nghĩa với việc các quốc gia vẫn đang duy trì hình phạt tử hình có thể tùy tiện áp dụng hình phạt tử hình. Khoản 2- điều 6 Công ước ICCPR thừa nhận có thể áp dụng hình phạt tử hình nhưng cũng đặt ra ngay hạn chế “Chỉ được áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”. Thực tế các quốc gia chưa có quan điểm thống nhất về khái niệm và các mức độ “nguy hiểm” của tội phạm. Nhưng vẫn có thể xác định phạm vi “tội phạm nghiêm trọng nhất” thông qua phương pháp loại trừ. Cụ thể thì bảo đảm thứ nhất trong văn kiện các bảo đảm về các quyền của những người bị kết án tử hình do Hội đồng kinh tế – xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) thông qua năm 1984 đã qui định “Ở những quốc gia vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, hình phạt này chỉ được áp dụng với những tội phạm nghiêm trọng nhất, mà được hiểu là những tội phạm thực hiện do chủ ý, gây ra hậu quả chết người hoặc những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác”. Quan trọng hơn chính những hạn chế của bảo đảm thứ nhất của văn kiện trên đã “loại trừ khả năng áp dụng hình phạt tử hình với các tội phạm kinh tế và những tội phạm không có nạn nhân trực tiếp hoặc với những hoạt động có tính chất tôn giáo hay chính trị,bao gồm các hoạt động phản quốc,gián điệp và những hành động khác mà cấu thành hành vi của nó mang tính trừu tượng …”

Ngoài ra hình phạt tử hình còn bị hạn chế bởi đối tượng áp dụng : “Không được phép tuyên hình phạt tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai” ( Khoản 3 – điều 6 Công ước ICCPR), “Luật quốc tế cấm áp dụng hình phạt tử hình với những người bị thiểu năng về trí tuệ và tâm thần , phụ nữ có thai và các bà mẹ đang nuôi trẻ sơ sinh” ( Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về việc hành quyết độc đoán và rút ngắn thủ tục)…

Đối với những người phải đối mặt với hình phạt tử hình , luật quốc tế cũng đưa ra và quy định một loạt các bảo đảm tư pháp nhằm đảm bảo những quyền cơ bản của các đối tượng này cũng như sự công minh , chính xác và hiệu quả của việc thực thi, áp dụng hình phạt tử hình.Các bảo đảm tư pháp bao gồm : thủ tục tố tụng bảo đảm xét xử công bằng, quyền được xin ân giảm của tử tù ,quyền của tử tù có thời hạn thích đáng để kháng cáo và xin ân giảm, đối xử nhân đạo với tử tù , không thi hành án tử hình khi các thủ tục tố tụng có liên quan chưa thi hành xong….

Trong Luật Hình sự Việt Nam, tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội. Hình phạt tử hình được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định.

Hình phạt tử hình là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan. Nó là phương tiện để bảo vệ mình của xã hội chống lại sự vi phạm các điều kiện tồn tại của nó. Tội phạm đe dọa sự tồn tại của xã hội nên xã hội phải phản ứng một cách tự nhiên là trừng trị người phạm tội. Là một loại hình phạt, nên hình phạt tử hình cũng như các hình phạt khác trong hệ thống hình phạt, có những đặc điểm chung, như: Là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước; được quy định trong pháp luật hình sự; được Tòa án áp dụng theo một trình tự tố tụng chặt chẽ, công bằng đối với người bị kết án.

Tuy nhiên, với tư cách là một hình phạt đặc biệt, hình phạt tử hình có những đặc điểm riêng, đó là: Thứ nhất, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Thứ hai, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án. Hình phạt này không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, như vậy nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ; Thứ ba, hình phạt tử hình đồng thời có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung; Thứ tư, hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp.

Nếu như trong những lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1985, đường lối xử lý nghiêm khắc hơn đã được thể hiện bằng việc tăng cường hình phạt tử hình trong thực tiễn pháp luật, thì Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có sự mềm hóa (phi hình sự hóa), bằng việc quy định thu hẹp và xác định rõ ràng phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt này. Thể hiện cụ thể như sau:

Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999:

Theo Điều 35 và Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định về hình phạt tử hình có những nội dung mới như sau:

Thứ nhất, hình phạt tử hình được coi là một loại hình phạt đặc biệt chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong khi Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, ngoài hai đối tượng đã được Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định không áp dụng hình phạt tử hình: Người chưa thành niên phạm tội và phụ nữ có thai khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định bổ sung là không áp dụng hình phạt này đối với các đối tượng là phụ nữ đang nuôi con (bao gồm cả con nuôi) dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Thứ ba, trong khi Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi chỉ được hoãn thi hành phạt tử hình, thì Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Thứ tư, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định không áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Đối với người phạm tội chưa đạt, chỉ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ luật Hình sự năm 1985 không có quy định này.

Thứ năm, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mới là trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

Thứ sáu, Bộ luật Hình sự năm 1999 bỏ quy định “chỉ trong trường hợp đặc biệt có luật quy định riêng hình phạt tử hình được thi hành ngay sau khi tuyên”.

Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 1999

Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, hình phạt tử hình không còn được áp dụng đối với các tội phạm sau: Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 81), Tội chống phá trại giam (Điều 90), Tội trộm cắp tài sản (Điều 138), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143), Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154), Tội buôn bán hàng giả không phải là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 156 và 158), Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200), Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 280), Tội bỏ vị trí chiến đấu (Điều 324).

2.3. Hình phạt tử hình theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 được Quốc hội khóa XII số 37/2009/QH12 thông qua ngày 19/6/2009

Theo Luật này, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều quy định về hình phạt tử hình, cụ thể như sau: Bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm: Hiếp dâm (Điều 111), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), Tội buôn lậu (Điều 153), Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180), Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197), Tội chiếm đoạt máy bay, tầu thủy (Điều 221), Tội đưa hối lộ (Điều 289), Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334). Đối với các tội phạm này hình phạt nghiêm khắc nhất được áp dụng là hình phạt tù chung thân. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 bổ sung thêm tội khủng bố (Điều 230a) quy định hình phạt nặng nhất áp dụng với tội này là tử hình.

Như vậy, hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi năm 2009) chỉ còn quy định ở 22 điều luật về tội phạm, chiếm tỷ lệ hơn 8% điều luật về tội phạm.

Theo PL&XH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hinh-phat-tu-hinh-theo-cong-uoc-quoc-te-a183102.html