Nhân kỷ niệm 72 năm Truyền thống TAND 13/9 (1945-2017): Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp

(Pháp lý) - Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, TANDTC đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Trong đó, đáng chú ý là đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, cả về nội dung và hình thức tổ chức phiên tòa.

Yêu cầu cao với Hội đồng xét xử

Mặc dù việc đổi mới các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã được quán triệt và triển khai thực hiện qua nhiều năm, nhưng nhận thức của các Thẩm phán về các yêu cầu của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp cũng chưa thống nhất. Trong thực tiễn xét xử, vẫn có những Thẩm phán chưa chuẩn bị tốt cho việc tổ chức, điều hành phiên tòa; chưa thực hiện hết thẩm quyền theo quy định của pháp luật; còn có tình trạng nể nang hoặc phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố mà chưa chú trọng tổ chức việc tranh tụng tại phiên tòa.

Do đó, TANDTC đặt ra các yêu cầu với phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là: Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình)

Những yêu cầu này là cụ thể hóa những qui định của Hiến pháp, xác định TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp pháp lý. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, Tòa án được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc mang tính đặc thù, hiến định cụ thể tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, các nguyên tắc được kế thừa từ các Hiến pháp trước đó như xét xử có Hội thẩm tham gia, nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập, nguyên tắc xét xử công khai, xét xử tập thể, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được tiếp tục ghi nhận và phát triển ở mức cao hơn, chính xác hơn.

Trong quy định các nguyên tắc này, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một số nguyên tắc mới thể hiện tinh thần đổi mới trong cải cách tư pháp ở nước ta, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là một bảo đảm quan trọng giúp cho việc xét xử toàn diện, khách quan, bảo đảm quyền con người, quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng, hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng tư pháp nói chung, trong xét xử của Tòa án nói riêng.

Chỉ tuân theo pháp luật là xác định phạm vi được hạn định cho Hội đồng xét xử. Nghĩa là ngoài pháp luật ra họ không được tuân theo một cái gì hoặc một ai khác. Họ không phải chịu bất kỳ một sự can thiệp nào từ bên ngoài. Pháp luật trao cho họ quyền họ phải được sử dụng đầy đủ, thực hiện tốt quyền đó. Không ai, bằng cách này hay cách khác được xâm phạm đền quyền của họ.

Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân là phải tôn trọng quyền độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Tuân theo pháp luật ở đây có nghĩa là tuân theo cả luật nội dung và luật hình thức, để đưa ra những quyết định, bản án chính xác, đúng pháp luật.

Để chỉ đạo và hướng dẫn các Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, TANDTC đã tổ chức các hội nghị quán triệt và thi hành Hiến pháp năm 2013 cũng như quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của các đạo luật về tố tụng tư pháp mới được sửa đổi, bổ sung trong toàn hệ thống; chỉ đạo các Tòa án tổ chức các phiên tòa bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Quán triệt các Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án. Phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở pháp luật và các tình tiết, chứng cứ, lập luận đã được kiểm tra, xem xét, kết luận toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa. Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, không được thiên vị và định kiến. Các vấn đề về nội dung và tố tụng giải quyết vụ án phải được xem xét toàn diện, đầy đủ, không được bỏ sót bất cứ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào có liên quan đến vụ án.

TANDTC cũng yêu cầu các Thẩm phán cần nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng của mình trong việc yêu cầu điều tra bổ sung; thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội; khởi tố vụ án tại phiên tòa; kiến nghị để khắc phục các sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hay kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những hạn chế, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Đổi mới phòng xử án và qui chế tổ chức phiên tòa

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 quy định về phòng xử án. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Theo đó, phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án, bao gồm phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm.

Nguyên tắc bố trí phòng xử án được qui định phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa; phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Phiên xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Phiên xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC)

Phòng xử án được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.

Phòng xử án bảo đảm không gian để tiến hành phiên tòa, phiên họp và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của người tham dự phiên tòa, phiên họp; phải bố trí lối đi riêng của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp; tường trong phòng xử án có nền màu vàng.

Điều thay đổi đáng quan tâm và dễ thấy nhất là tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, vị trí của đại diện VKSND ngang bằng với luật sư,  tại phiên tòa tái thẩm, giám đốc thẩm, vị trí của đại diện VKS được bố trí phía dưới và đối diện với vị trí của thư ký phiên tòa. Trong phiên tòa hình sự, viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát viên thực hiện chức năng chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, họ có nghĩa vụ phải tranh tụng với bị cáo, người bào chữa cho bị cáo cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do đó, xét về quan hệ tranh tụng thì kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng là ngang bằng nhau nên viện kiểm sát  ngồi cao hơn những người tham gia tố tụng là không còn phù hợp.

Điểm đáng chú ý khác, là vành móng ngựa được thay thế bởi bục khai báo. Vành móng ngựa suốt hàng trăm năm qua hiện diện tại các phiên tòa hình sự được coi là rất phản cảm, không thể hiện tính nhân văn và nguyên tắc suy đoán vô tội đến đây chính thức được dẹp khỏi phòng xét xử. Đây là một bước tiến dài về quyền con người thể hiện tại phiên tòa hình sự, tiếp theo của qui định cho bị cáo được mặc trang phục cá nhân, thay vì quần áo sọc trước đây.

Tiếp đó là mô hình phòng xử áp dụng đối với vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Phòng xử án theo mô hình này có nhiều điểm khác biệt so với phòng xử án hình sự thông thường. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng, bố trí thân thiện, để giảm không khí căng thẳng, tránh các biến động về tâm lý cho người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tiếp đó, Thông tư 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TANDTC ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trong đó đáng chú ý là có qui định Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

**

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hệ thống Tòa án cả nước đang thể hiện một quyết tâm lớn nhằm nâng cao chất lượng xét xử góp phần“xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao” như tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và qui định của Hiến pháp 2013.

 Phùng Thị Huế - Trần Thị Anh Trúc

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-ky-niem-72-nam-truyen-thong-tand-139-1945-2017-doi-moi-to-chuc-phien-toa-theo-tinh-than-cai-cach-tu-phap-a183029.html