Cơ sở nào để dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ giảm?

Chiều ngày 5/9, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 7 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã đề cập đến việc có hay không tình trạng tham nhũng tại các dự án BOT, các dự án thua lỗ hay tình trạng sở hữu nhà “biệt phủ” của các quan chức mà báo chí nêu trong thời gian qua…

Phiên họp của Ủy ban Tư pháp
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp)

328 đối tượng bị xét xử tội tham nhũng

Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huấn cho biết, năm 2017, công tác PCTN của Chính phủ đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh.

Cũng trong năm 2017, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, trong đó qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 12 vụ, 21 đối tượng; qua công tác thanh tra 44 vụ, 85 đối tượng; qua giải quyết KNTC 17 vụ, 35 đối tượng.

Từ 1/10/2016 đến 31/7/2017, các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 282 vụ án, 628 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 195 vụ, 393 bị can). Đã kết luận điều tra 122 vụ, 355 bị can; đình chỉ điều tra 5 vụ, 1 bị can; tạm đình chỉ 2 vụ, 8 bị can; hiện đang điều tra 145 vụ, 251 bị can.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 241 vụ, 595 bị can về các tội danh tham nhũng. TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50%. Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỷ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314.000 USD và 4 căn nhà, 1 chung cư.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đưa ra nhận định, công tác PCTN vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Đáng nói, công tác PCTN tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều, thể hiện tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết công việc đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức còn hình thức, hiệu quả thấp; vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phát hiện, điều tra về tham nhũng chưa đạt yêu cầu, tiến độ; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp....

Tham nhũng năm 2018 có giảm hay không?

Việc kê khai tài sản cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm.Theo thống kê, trong năm 2016, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1.113.422 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, tại Bộ Công thương; TP. Hà Nội và Đồng Nai, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Năm 2017 có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật trong đó: Quảng Nam (1 người); Kiên Giang (9 người); An Giang (4 người) Bình Thuận (2 người); Điện Biên (2 người); Quảng Ngãi (2 người); Hậu Giang (3 người); Bộ Tài chính ( 2 người).

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đưa ra nhận định: số lượng bản kê khai đang được quản lý tại các cơ quan, đơn vị trong năm 2017 là rất lớn, hầu hết đã được công khai nhưng chỉ một tỷ lệ rất nhỏ được xác minh, đồng thời số lương phát hiện bản kê khai không đúng còn quá ít. Trong khi đó, qua phản ánh của báo chí, dư luận nhân dân cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khaii tài sản, thu nhập không đúng nhưng còn chậm được xử lý như việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái.

Số trường hợp xác minh tài sản là 77 người, phát hiện xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập chưa phù hợp, còn nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là nhu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp…

Hơn nữa, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Trước thực tế đó, Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm. Đề nghị Chính phủ nêu rõ địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế về PCTN trong ngành, lĩnh vực nào; địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào và có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng cá thể hoá trách nhiệm công vụ, đi đôi với chính sách phù hợp, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tham nhũng có giảm hay không? Đồng thời cần làm rõ hơn những căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 là sẽ tiếp tục giảm.

Dẫn câu chuyện “biệt phủ” tại một số địa phương thời gian qua, Phó Trưởng đoàn Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho hay, vừa qua có một số dư luận, nhân dân, cử tri đặt vấn đề là có hay không câu chuyện tham nhũng tại một số địa phương, nhưng gần như chưa có câu trả lời rõ nào của cơ quan chức năng. “Việc cán bộ giải thích tài sản hàng nghìn tỷ có được do “bán chổi đót, nuôi heo ” là khinh nhờn pháp luật, coi thường nhân dân”, ông Sơn thẳng thắn nói.

Hay 12 dự án gây thất thoát, lãng phí lớn đã chỉ ra vừa qua, một số dự án BOT, việc bổ nhiệm cán bộ dư luận phản ánh gần đây… có tham nhũng hay không?

Theo ông Sơn, đấu tranh PCTN mục đích cao nhất là thu hồi được tài sản, nhưng trong nhiều năm qua, kể cả trong các văn bản hoàn thiện thể chế, vẫn chưa tìm ra lối thoát nào để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.

Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến nêu có tình trạng cử tri và dư luận tỏ ra hoài nghi năng lực, sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan tư pháp như thế nào khi tỷ lệ phát hiện, điều tra vụ án tham nhũng còn thấp, hay “tham nhũng lại chồng tham nhũng”?

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý báo cáo chưa phản ánh được thực chất tình hình tham nhũng, chưa rút ra đánh giá, tập trung làm rõ nguyên nhân chính...

Khâu yếu nhất trong công tác PCTN hiện nay là công tác tổ chức thực hiện pháp luật chưa thật tốt, chưa hiệu quả; kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; trong khi đó vấn đề tham nhũng rất phức tạp, rất nhiều nhóm lợi ích giằng xé, nếu không mạnh dạn, thẳng thắn đi vào vấn đề thì không có gì mới để trả lời câu hỏi, sự kỳ vọng của dư luận, nhân dân. Do đó, báo cáo của Chính phủ cần xác định rõ hơn địa chỉ, nơi nào, khu vực, cơ quan, người nào chịu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng mới có biện pháp răn đe, phòng ngừa rõ hơn. Đồng thời, làm rõ cơ sở nào để dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ giảm?

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-so-nao-de-du-bao-tinh-hinh-tham-nhung-nam-2018-se-giam-a182888.html