Buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, phức tạp và có tốc độ tăng rất nhanh do đây là mặt hàng siêu lợi nhuận (chỉ sau ma túy), gọn nhẹ, dễ vận chuyển và có mức độ chênh lệch giá cao (4,5 lần).
Thị trường tiêu thụ hàng đầu
Theo các cơ quan chức năng, lợi nhuận buôn lậu thuốc lá rất cao cũng như ý thức kém của người tiêu dùng, cộng thêm cả đời sống nhân dân khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa... còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên rất nhiều người đã bị lôi cuốn vào “vòng xoáy” của thuốc lá ngoại nhập lậu.
Từ 3 năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá chưa đạt được chuyển biến căn bản; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, gây thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh trong nước; nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại được bày bán công khai, đáng báo động là tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu (hơn 80% là thuốc JET và HERO).
Các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đưòng dây ổ nhóm buôn lậu, nhưng tình hình buôn lậu vẫn gia tăng, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam bộ và miền Trung.
Trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu vẫn được bày bán công khai tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán cà-phê, tủ bán thuốc lá lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước trên vỉa hè, tại những địa điểm không cố định nằm rải rác tại các tuyến phố, các quận, huyện và không thường xuyên tập kết ở một điểm cố định với số lượng nhiều. Những nơi tập kết, tàng trữ là khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, thường có người theo dõi do đầu nậu thuê...
Phương thức hoạt động chủ yếu là các đối tượng cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ, bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không lớn. Địa bàn trọng điểm về tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ và các đô thị lớn trong cả nước.
Với thực tế này, Việt Nam được ghi nhận là thị trường tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát.
Thất thu ngân sách 10.000 tỷ đồng/năm
Trên thực tế, thuốc lá nhập lậu có giá thành rẻ hơn hẳn so với thuốc lá được sản xuất hợp pháp. Đặc biệt, thuốc lá ngoại nhập lậu không đáp ứng 6 quy định tối thiểu về ghi nhãn, in cảnh báo, dán tem, in mã số mã vạch, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu.
Theo báo cáo phân tích gần đây của Viện Kinh tế Kỹ thuật thuốc lá Việt Nam, trong sợi thuốc lá một số loại nhập lậu như JET và HERO, tỷ lệ các thành phần độc hại như coumarin, cadimi có hàm lượng vượt mức cho phép của Bộ Y tế. Tại Việt Nam, coumarin đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm vì có tác hại khôn lường đối với sức khỏe con người.
Buôn lậu thuốc lá ngoại đang có xu hướng tăng cao ở một số vùng biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong 6 tháng cuối năm, do siêu lợi nhuận.Thủ đoạn chủ yếu của bọn buôn lậu là nhập thuốc lá ngoại vào khu kinh tế cửa khẩu, hợp thức hóa việc bán hàng cho cư dân biên giới để vận chuyển vào nội địa. Thuốc lá nhập lậu từ Lào vào Việt Nam còn được các đầu nậu thuê người cõng hàng hóa qua các trạm kiểm soát.
Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập trong các ca-bin, mui, gầm, bình xăng ô tô; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuồng máy, ghe máy tốc độ rất cao để vận chuyển. Quá trình vận chuyển hàng lậu, các đối tượng này rất manh động và sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Thậm chí, bọn chúng còn dùng “chiêu” hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn trên đà tăng, cụ thể: từ tháng 1/2017 đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ và tiêu hủy 3.195.150 bao thuốc lá nhập lậu các loại, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi sản xuất kinh doanh trong nước được quản lý chặt chẽ bởi các quy định pháp lý nghiêm ngặt thì vấn nạn thuốc lá ngoại nhập lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế quốc gia, bởi nó gây thất thu thuế cho ngân sách lên tới 10.000 tỷ đồng/năm.
Cuộc chiến thuốc lá lậu sẽ còn cam go nên cần sự chung tay của không chỉ cơ quan chức năng, doanh nghiệp mà cả cộng đồng, ý thức của từng người dân để góp phần giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, hạn chế những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Bắt giữ, tiêu hủy 3.195.150 bao thuốc lá lậu
“Thống kê 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn trên đà tăng, cụ thể: từ tháng 1/2017 đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ và tiêu hủy 3.195.150 bao thuốc lá nhập lậu các loại, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước”.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thuoc-la-lau-lam-that-thu-ngan-sach-10-000-ty-dongnam-a182680.html