Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc: Cơ quan quyền lực và sắc bén bắt “hổ” tham nhũng

(Pháp lý) - Nếu cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc được ví von bằng thành ngữ “đả hổ diệt ruồi” thì cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) được ví là cơ quan quyền lực và sắc bén trong bắt “hổ” tham nhũng.

Làm gục tướng tham

CCDI - cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc được đánh giá là "sừng sỏ" và quyền lực. Cơ quan này có những thay đổi lớn trong những năm gần đây để giám sát mọi quan chức cao cấp, bao gồm cả 25 thành viên trong Bộ Chính trị, nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống tham nhũng của nước này.

 Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại  Bắc Kinh.
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh.)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định tệ nạn tham nhũng của quan chức đang đe dọa sự tồn vong của Đảng và gây nên tâm lý bất mãn trong nhân dân. Tuy nhiên, thực tế phần lớn quan chức tham nhũng mất chức hoặc ra tòa chỉ giữ chức vụ thấp. Một bộ phận dư luận cho rằng Đảng chỉ có thể triệt tận gốc tham nhũng nếu các quan chức cấp cao công bố tài sản của họ. Chính vì thế “quyền lực” được Đảng trao của CCDI có ý nghĩa quan trọng với việc chống tham nhũng hiện nay của Trung Quốc.

CCDI nhận định tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc hiện đang trong thời kỳ cao trào và tiếp tục lan rộng cùng với sự mở rộng chức quyền quản lý công. Nạn tham nhũng xâm nhập vào mọi đối tượng trong xã hội, có yếu tố nước ngoài, ràng buộc với nhau mà nguyên nhân do cải cách và chuyển đổi chế độ, thể chế kinh tế và thể chế chống tham nhũng còn nhiều kẽ hở. Việc triển khai đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực mới như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, ủy thác tín dụng, đấu giá, đầu tư nước ngoài và bảo hiểm xã hội, cơ quan trung gian hiện nay tương đối ít, đây là nguyên nhân quan trọng làm cho nhiều vụ án tham nhũng liên tục phát sinh trong các lĩnh vực này.

Nạn tham nhũng còn phát triển mạnh trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc vào những năm 1980 khi lực lượng này mở rộng hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh bởi những cơ hội do cải cách thị trường mới mang lại. Năm 1998, các lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cho quân đội rút hoàn toàn khỏi các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, vào những năm 2000, nạn tham nhũng lại bùng lên, một phần do giá trị đất đai dành cho phát triển tăng vọt, trong đó có cả quỹ đất của quân đội. Quá trình mua sắm nhà cửa, vũ khí, xây dựng hạ tầng quân sự nhanh chóng bị nạn tham nhũng ăn sâu, bám rễ. CCDI đấu tranh với tham nhũng không có vùng cấm và nhằm vào những lực lượng có nguy cơ tham nhũng cao như quân đội kể trên.

Yêu cầu của CCDI là mọi tổ chức Đảng kể cả Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương phải báo cáo với họ về tình trạng tham nhũng, kết quả đấu tranh PCTN. Chính vì thế CCDI chỉ đạo những đợt điều tra nhằm vào các tướng lĩnh quân đội một cách sắc bén. Sự tấn công dữ đội vào lực lượng này làm một số lượng lớn các quan chức quân đội ngã ngựa. Truyền thông quốc tế ví von “tám năm kháng chiến chống Nhật, Trung Quốc chỉ mất một tướng cao cấp, nhưng từ Đại hội 18 cuối năm 2012 tới nay, ít nhất 56 tướng quân đội nước này đã “ngã ngựa” vì dính bê bối tham nhũng.

Bắt “hổ lớn”…

CCDI được tiếng là có thể “bắt hổ”, tức là dám động đến nhiều quan chức cao cấp trong đảng. CCDI là cơ quan đi đầu trong việc điều tra và công bố các thông tin tham nhũng quan chức kì cựu như Chu Vĩnh Khang - cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông Chu Vĩnh Khang (sinh năm 1942) từng giữ chức Bộ trưởng Công an (năm 2002-2007), sau đó là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương (năm 2007-2012), cơ quan có quyền giám sát các lực lượng an ninh, cảnh sát, tòa án, viện kiểm sát và cả tình báo. Trong suốt hai nhiệm kỳ quyền lực của mình, ông Chu đã xây dựng được một đế chế an ninh đầy uy quyền. Theo BBC, dưới thời của ông, kinh phí dành cho công tác an ninh lên tới 700 tỉ nhân dân tệ (khoảng 114 tỉ đô la Mỹ), hơn cả quỹ cho quốc phòng. Chu Vĩnh Khang cũng là một con hổ bị CCDI vạch trần. Trước khi về hưu năm 2012, Chu là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc, từng đứng đầu Bộ Công an và là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.

Chủ tịch Tập Cận Bình - người đứng đầu chỉ đạo công cuộc “đả hổ diệt ruồi” nhằm vào các quan tham tại Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình - người đứng đầu chỉ đạo công cuộc “đả hổ diệt ruồi” nhằm vào các quan tham tại Trung Quốc.)

Nhưng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và điều tra của CCDI thì những vi phạm của ông Chu bị phác lộ. Sau này, ông bị lĩnh án chung thân vì tội tham nhũng và làm lộ bí mật nhà nước.

Cơ quan này cũng từng điều tra về Lệnh Kế Hoạch. Ông Lệnh là Chủ nhiệm Vụ Công tác mặt trận của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), Ủy viên Trung ương Đảng. Sự nghiệp chính trị của Lệnh tiến triển khá nhanh dưới thời nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Dù không phải là thành viên của Bộ Chính trị, ông vẫn nắm quyền lực lớn hơn nhiều so với chức vụ của ông trong Đảng. Sau này ông bị kết án chung thân về tội nhận hối lộ, lạm quyền và thu thập trái phép các bí mật quốc gia. Ông Lệnh là một trong những quan chức cao cấp của Trung Quốc bị vào tù vì tham nhũng nhờ những điều tra của CCDI.

Chiến dịch truy quét tệ nạn và chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình dưới sự hỗ trợ của CCDI không chỉ đi sâu vào những tội phạm tham nhũng lớn mà còn đánh vào nhiều góc tối của đời sống xã hội Trung Quốc, mạnh tay trấn áp các vấn nạn như ma túy, cờ bạc, mại dâm, hối lộ, làm giàu bất chính. Thậm chí, chiến dịch ấy còn tiếp tục nhắm đến cả một mục tiêu là môn golf - môn thể thao quý tộc dành cho giới nhà giàu. Theo đó, cơ quan chống tham nhũng thiết lập một đường dây nóng để người dân báo cáo về hành vi không tuân thủ 9 quy định do đảng đề ra của các quan chức, trong đó có việc cấm cán bộ nhà nước tham gia hoạt động cá cược liên quan đến môn golf, chơi golf với những người có sức ảnh hưởng tới công việc được giao, tham gia những buổi tiệc tùng liên quan đến golf hay giữ vị trí quan trọng trong ban quản trị sân golf. Các cơ quan ở Trung Quốc lệnh cho 30 trong tổng số 66 sân golf xây dựng trái phép ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và 20 tỉnh thành khác phải đóng cửa, đồng thời khuyến cáo cuộc điều tra vẫn tiếp diễn.

Quan tham: Chết cũng không yên

Các quan chức bị cáo buộc tham nhũng thường phải đối diện với CCDI và sẽ không được liên lạc với bên ngoài trong thời gian thẩm vấn, trước khi bị chuyển cho cơ quan công tố. Các công tố viên sau đó hỗ trợ quá trình điều tra và đưa ra các cáo trạng. Bởi thế tội phạm tham nhũng ở Trung Quốc thường manh động, tính “nhiều cửa” để mưu lợi nhất định cho chính mình và người thân, kể cả lựa chọn cái chết. Li Haihua mất hàng chục năm để đi từ một cậu bé nhà nông nghèo khó tới đỉnh cao quyền lực thành phố Hiếu Cảm, nhưng đường đến cái chết chỉ mất vài giây. Lâu Học Toàn, từng là Bí thư Đảng bộ một quận ở thành phố Nam Kinh, "đã tự treo cổ ở nhà riêng" sau khi bị "cách chức vì nhận tiền dưới hình thức những “món quà”. Trần Hồng Kiều, 49 tuổi, cựu Chủ tịch của Công ty quốc doanh Guosen Securities, người đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng ở Thẩm Quyến. Một cựu Phó Bí thư Đảng ở Hồi Hột, thủ phủ khu tự trị Nội Mông đã tự cắt cổ tay ngay trong văn phòng chính quyền của mình. Bí thư Đảng bộ một quận ở thành phố Nam Kinh cũng được xác định đã treo cổ tự tử.…. Những vụ tự tử gia tăng trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được ông Tập chỉ đạo diễn ra tại mọi cấp trong chính quyền, quân đội cùng các doanh nghiệp quốc doanh.

Các quan chức tự tử sau khi họ bị điều tra hoặc truy tố. Trong những trường hợp đó, cái chết là cách để quan tham thoát khỏi điều tra kỷ luật và tố tụng. Các quan chức bị nghi tham nhũng "không chỉ bảo vệ được chức vị và danh dự mà còn bảo vệ được khối tài sản đã kiếm được cho gia đình, bởi thu nhập bất chính của họ sẽ không bị tịch thu”. Tuy nhiên CCDI đã có cách ngăn chặn điều đó. CCDI ra lệnh điều tra cả "những cái chết bất thường" trong giới chức nước này sau khi có thông tin cho rằng một số người chọn tự tử để thoát khỏi chiến dịch trấn áp tham nhũng.

Ông Vương Kỳ Sơn – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc – một người kín tiếng, lặng lẽ nhưng rất quyền lực.
Ông Vương Kỳ Sơn – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc – một người kín tiếng, lặng lẽ nhưng rất quyền lực.)

Trong nửa thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều mạnh mẽ tuyên bố chống tham nhũng. Nhưng chiến dịch của ông Tập Cận Bình rõ ràng là khác biệt, ít nhất là về hình thức. Gần như mỗi tuần, người ta đều thấy có tên các quan chức mới, các giám đốc điều hành của công ty nhà nước bị đặt dưới sự điều tra của CCDI. Bình luận về sức mạnh của ủy ban này, Chris Johnson, cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc của CIA nói với Washington Post rằng: “Không có cơ quan nào tương tự như vậy ở phương Tây”. Để dễ so sánh, Chris cho rằng, ủy ban này là sự kết hợp của Cục Điều tra liên bang, Bộ Tài chính, Sở mật vụ và Văn phòng kiểm toán Mỹ. Tất cả trong một. CCDI có sức mạnh để bỏ tù bất kỳ quan chức nào của đảng. Thông thường, ủy ban này chỉ đưa ra các kỷ luật về mặt đảng, nhưng kết luận điều tra của nó sẽ được chuyển cho chính quyền để truy tố và các đối tượng thuộc diện “chuyển hồ sơ” như vậy thường sẽ nhận một bản án nặng.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của nước này là cuộc chiến "không khoan nhượng" và là "vấn đề sống còn đối với đảng và nhà nước". Thừa hành nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng theo cách rất mạnh mẽ và chuyên nghiệp.

Minh Hải (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-ban-kiem-tra-ky-luat-trung-uong-trung-quoc-co-quan-quyen-luc-va-sac-ben-bat-ho-tham-nhung-a182628.html